Người dẫn đầu xu hướng mới
Năm 2007, lúc ấy bóng đá Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn cực thịnh khi mà thành tích ở ĐTQG đạt được tốt nhất trong lịch sử kể từ khi hội nhập. V.League trở thành mảnh đất màu mỡ để các ông bầu khai phá, khi mà nhà nhà, người người đều mê mẩn với bóng đá Việt.
Giải quốc nội Việt Nam thống trị khu vực Đông Nam Á và những đồng tiền của các ông bầu chảy vào như nước. Các khoản thưởng khổng lồ, những thương vụ hợp đồng bạc tỷ. Tất cả tạo nên một đời sống bóng đá thật sống động và hấp dẫn.
Nhưng trong cái lúc mà các đại gia đua nhau đọ tiền mua sao số ấy thì ông phố núi - Đoàn Nguyên Đức lui vào ở ẩn, đồng thời quyết định chuyển sang một hướng khác. Thay vì mua ngôi sao, bầu Đức muốn tạo ra ngôi sao.
Học viện HAGL JMG được thành lập gây chấn động cả nước khi được quảng bá hợp tác với CLB lừng danh thế giới Arsenal, ngoài ra cơ sở vật chất cũng như điều kiện đạt tiêu chuẩn châu Âu của học viện này cũng khiến dân tình yêu bóng đá Việt chờ đợi và hy vọng.
Thực tế, khoản tiền bầu Đức bỏ tiền vào đầu tư bóng đá trẻ chưa là gì so với các ông bầu thời điểm ấy "làm mưa, làm gió" trong làng bóng Việt như bầu Thọ (Navibank SG), bầu Thụy (SGXT), bầu Trường (V.Ninh Bình) với hàng trăm tỷ đồng được "đốt" vô tội vạ.
Nhưng rồi các ông bầu này cuối cùng thất bại chóng vánh kéo theo sự khủng hoảng nghiêm trọng của bóng đá Việt Nam với tiêu cực, cá độ và đạo đức sân cỏ đi xuống.
Sự khủng hoảng của bóng đá Việt Nam giai đoạn từ 2009 đến 2013 đã kéo theo sự đi xuống của ĐTQG và chất lượng nền bóng đá.
Thực tế, sau lứa Công Vinh giành được chức vô địch AFF Cup, thì bóng đá Việt Nam đã không có một thế hệ mới kế cận tương xứng. Chỉ một vài cá thể như Thành Lương, Văn Quyết không đủ để tạo dựng nên một đội tuyển mạnh. Và đó là hậu quả của việc làm bóng đá thiếu bài bản từ các CLB.
Bóng đá trẻ thay da đổi thịt
Tuy nhiên, như đã nói ở trên sự ra đời của lò đào tạo trẻ HAGL là một phần tạo nên nguồn cảm hứng để cho các lò đào tạo trẻ khác trong cả nước mạnh dạn đầu tư nhiều hơn.
Đến bây giờ, chúng ta đang có 4 trung tâm đào tạo trẻ có chất lượng tương đương nhau dù các giáo án khác nhau đi chăng nữa là HAGL, Hà Nội T&T, PVF, Viettel.
4 trung tâm đào tạo trẻ này đều là sản phẩm của 4 tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam, thế nên từ cơ sở vật chất cho đến chất lượng là cực tốt. Các cầu thủ được thi đấu quốc tế thường xuyên và sớm được các danh thủ hàng đầu chỉ dẫn.
Cuộc chiến của các ông bầu hàng đầu Việt Nam bây giờ không còn là cuộc đua mua ngôi sao nữa, mà là cuộc đua đào tạo ngôi sao.
Nếu như học viện HAGL JMG cho ra đời lứa Công Phượng chinh phục hoàn toàn người hâm mộ, thì các học viện còn lại là PVF, Viettel, Hà Nội T&T cũng cho ra đời những lứa kế cận đang chơi tưng bừng ở giải U16 và U19 châu Á.
Cuộc chiến mới ấy giữa các ông bầu có tâm huyết với bóng đá Việt Nam đang mang lại tín hiệu tích cực và bằng chứng kể từ lứa Công Phượng thì bóng đá Việt Nam đang thực sự tiệm cận trình độ của châu lục.
Bình luận