Bóng đá Myanmar đã thành công vượt bậc trong vài năm trở lại đây khi ĐTQG và các đội trẻ của họ luôn tiến rất sâu tại các giải bóng đá khu vực.
Đó là một sân bóng với khán đài A là cổng một ngôi đền, khung thành với lưới rách tả tơi, trọng tài biên là 2 chiếc... thùng rác nằm dọc đường biên tưởng tượng và gần 20 con người lớn bé quần thảo, dưới sự theo dõi say sưa của khán giả là những người sống trong khu dân cư. Yang Ken, cách trung tâm Yangon vài chục phút taxi, hiện ra trước mắt tôi như một giáo đường của bóng đá.
Một sân bóng đường phố ở Myanmar |
Xã hội và bóng đá
Phía sau khung thành còn có thêm một... ngôi miếu nhỏ, trổ lên một cây bồ đề, được quây bằng một hàng rào thép để tránh bóng bắn vào: "Đó là nơi Đức Phật ngồi, là chốn thiêng liêng" - Kin Win, một ông cụ 67 tuổi sống gần Yang Ken, nói với tôi: "Chúng tôi hay ra đây xem bóng đá sau 5 giờ chiều, sau giờ làm việc, trước khi trở về nhà ăn cơm tối. Những đứa trẻ này ra đây đá bóng sau giờ tan học. Trường học chỉ cách đây vài bước chân thôi".
Trên sân, mấy mươi đôi chân trần mải miết đuổi theo bóng. Không một ai đi giày cả: "Chúng chẳng bao giờ làm thế. Chúng bảo đi giày khó đá, và lũ trẻ đá bóng rất hay. Tôi rất thích xem chúng chơi bóng" - Kin Win hào hứng. Ngồi cùng với ông là 2 người bạn già khác bằng tuổi, ngày nào cũng xong việc là yên vị ở "khán đài A", vừa xem bóng đá, vừa bàn chuyện trên trời dưới bể.
"Với người Myanmar, bóng đá là số một. Các HLV ở các học viện bóng đá vẫn thường xuyên tìm đến đây để chọn cầu thủ" - Kin Win kể. "Họ chỉ trỏ, bình luận, và một trong số những đứa trẻ này, biết đâu đấy, có thể được đưa đến một học viện nào đó, của Yangon United (một CLB nổi tiếng ở cố đô Myanmar), chẳng hạn".
Theo thống kê của LĐBĐ Myanmar, hiện đất nước này có hơn 3 triệu người chơi bóng thường xuyên, nhiều gấp 3 lần so với đầu thế kỷ mới. Trận Myanmar gặp Iran, diễn ra sau trận Việt Nam hòa Trung Quốc, an ninh đã được tăng cường tối đa, với 2 vòng kiểm soát, vì dòng người hối hả đổ về từ mọi nẻo đường. Con đường trở về khách sạn của chúng tôi như dài gấp 3 lần, vì kẹt cứng trong thảm ô tô cứ một lúc phải đứng lại để nhường đường cho đám đông vừa đi vừa hô vang "Myanmar".
Vài tháng trước, có tổng cộng 1.200 đứa trẻ yêu bóng đá ở Myanmar tham gia Festival bóng đá được tài trợ bởi Ngân hàng Ayeyardwady kết hợp với LĐBĐ Myanmar (MFF), trong tổng số 6 Festival bóng đá như thế được tổ chức trong năm nay, nhằm gia tăng số lượng người chơi bóng ở Myanmar. Đây là một dự án nằm trong Grassroots Football Plans (tạm dịch: Kế hoạch gieo hạt bóng đá) của MFF phối hợp với chương trình FIFA 11 For Health. Bóng đá ở Myanmar đang bắt rễ và lan tỏa khắp nơi.
Bóng đá và đức tin
"Anh có phải là người theo đạo Phật không?" - Ko Par Pu, ông bạn của Kin Win, hỏi tôi. "Bóng đá đối với chúng tôi ở đây cũng giống như tôn giáo vậy. Chúng tôi có thể chơi bóng ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào" - Ko Par Pu cười hiền. Ngoài sân, trận đấu vẫn diễn ra rất sôi nổi. Có 3 đội cùng chơi trên sân bóng nhỏ này, và khi có bàn thắng, đội bị thủng lưới sẽ phải nhường cho đội đang chầu rìa ở ngoài: "Đôi khi, mấy đứa thua còn mò vào đền cầu nguyện, rồi đứng xem và chờ cơ hội của mình" - Kin Win nói.
89,3% dân số Myanmar theo đạt Phật, và tại bất kỳ thành phố nào cũng đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo. Chúng tôi bắt gặp nhà sư đi khất thực ở bất cứ đâu, trước cổng sân vận động, trong một quán ăn, và trước sảnh một khách sạn sang trọng. Tất cả đều nhận được sự tôn trọng tuyệt đối từ người dân. Đức tin dẫn dắt cuộc sống ở đất nước này.
"Họ đá bóng ngay trước đền, và các ông đang ngồi trước cổng đền để xem bóng đá, vậy có bất kính không?" - Tôi hỏi. Kin Win ngoái nhìn ngôi đền phía sau, cười bảo: "Đôi khi lũ trẻ còn lỡ chân đưa bóng đi vào ngôi đền này cơ, nhưng chẳng sao cả. Đến Đức Phật ở đây cũng yêu bóng đá mà". Phải, ở đây, bóng đá và đức tin có lẽ đang hòa làm một.
Theo TTVH
Bình luận