U18 Việt Nam liên tục bị loại ở các năm 2017, 2018, 2019, trong đó có 2 năm bị loại dù thắng trận cuối là đi tiếp. Ngoại trừ lứa cầu thủ nòng cốt kết hợp giữa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn,... của Học viện HAGL JMG và Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu,... của lò Hà Nội FC dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, bóng đá trẻ Việt Nam đang "đói" thành tích.
Video: U18 Việt Nam 1-2 U18 Campuchia
Trận thua U18 Campuchia chỉ như "giọt nước làm tràn ly" của chu kỳ phát triển đào tạo trẻ đang có dấu hiệu đi xuống. Điều gì đã xảy ra, bóng đá Việt Nam phải chờ bao lâu nữa để tìm được lứa cầu thủ, không cần phải là "vàng", "bạc" hay "đồng", chỉ cần ít nhất đá sòng phẳng với các đối thủ cùng khu vực?
Để có một lứa U19 Việt Nam đánh bại Australia, Thái Lan như lứa Công Phượng 2013, bầu Đức đã phải xây dựng học viện, mua giáo án, công nghệ đào tạo quốc tế, để U19 Việt Nam được tập huấn, ăn ở, thi đấu nước ngoài, được dẫn dắt bởi "chuyên gia sư phạm" lớp trẻ Guillaume Graechen. Lứa U19 Việt Nam đá tập với nhau từ bé nên sự kết dính cũng "hơn đứt" các lứa trẻ khác.
Dù thành công này không thể lấy làm hình mẫu do không nền bóng đá nào lại được xây dựng trên cột móng của một học viện, nhưng đầu tư của bầu Đức trước đây và bầu Hiển sau này cho thấy để có một lớp trẻ, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống bóng đá cùng rất nhiều tiền của, vật lực, công sức. Không thể cứ phó mặc cho HLV trưởng là xong.
Chia sẻ với VTC News, Mạc Hồng Quân nói rằng mỗi làng (đơn vị dân cư nhỏ nhất ở Cộng hoà Czech) đều có một đội bóng. Các đội làng đấu với nhau để chọn đội đá quận, tỉnh/thành phố, sau đó mới đến vùng. Pháp sở hữu các đội bóng từ lứa tuổi thiếu nhi ở các vùng nhập cư ngoại ô Paris được Chính phủ đầu tư, bảo trợ. Nhật Bản có hệ thống bóng đá học đường quy mô. Ở J-League 1 và 2, mỗi CLB lại có một tuyến trẻ hùng hậu và tài năng còn hơn Hà Nội FC hay HAGL.
Chỉ khi cả hệ thống bóng đá vào cuộc tạo ra tấm lưới, các tài năng mới không bị bỏ sót, quên lãng. Vấn đề là V-League có quá ít đội bóng đào tạo trẻ tử tế, chuẩn mực. Vấn đề đầu tiên vẫn là... tiền đâu? PVF, HAGL, Hà Nội FC, Viettel hay phần nào đó là SLNA là những lò/học viện hiếm hoi đào tạo được những cầu thủ giỏi, song từng ấy vẫn là quá ít. Tiềm năng bóng đá trẻ chưa được khai thác tối đa, chứ chưa nói đến chuyện giúp các cầu thủ trưởng thành như thế nào.
"Việc đào tạo trẻ phải liên tục. Các CLB cũng phải có nền tảng chắc chắn, còn ở Việt Nam hiện tại các lứa trẻ vẫn chưa được đầy đủ. Quan điểm của tôi là giải trẻ lập ra để giúp cầu thủ cọ xát, cái đích vẫn là U23 hoặc ĐTQG. Nói cho cùng, đội trẻ hết lứa này lứa khác ra lò, đến hẹn lại lên, không thể đòi hỏi lứa nào cũng tốt như lứa nào.
Một mặt bóng đá Việt Nam phải chú trọng đào tạo trẻ để các lứa đồng đều, song một mặt, các nền bóng đá đào tạo trẻ tốt cũng không thể sản sinh lứa nào cũng hay. Các giải trẻ lập ra để cọ xát, xây chắc nền móng thôi", BLV Quang Huy nhận định.
Một lứa cầu thủ có quá ít nhân tố hay như U18 Việt Nam hiện tại chỉ là phần ngọn. Phía dưới nó, bản thân chùm rễ đã có vấn đề.
Bóng đá Việt Nam không cần lứa nào cũng phải có Công Phượng, Quang Hải. Thế hệ nào cũng hay thì không có định nghĩa "thế hệ vàng". Dẫu vậy, mỗi thất bại của một đội trẻ là cơ hội để nhìn lại: liệu chúng ta làm thế đã đủ tốt hay chưa?
Một bài học được tiếp thu 3 năm nhưng vẫn chưa có nhiều thay đổi. Khi khán giả chẳng còn ai để nhìn, Quang Hải, Văn Hậu dẫu là trụ cột ở ĐTQG, vẫn cứ phải miệt mài trở về "gánh" bóng đá trẻ.
Bình luận