Mới đây, F&N Dairy Investments Pte. Ltd., một lần nữa đăng ký mua vào hơn 14,5 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk (mã chứng khoán VNM). Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ 11/7 đến 9/8 tới theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.
Nếu mua thành công đợt này, F&N sẽ nâng sở hữu tại Vinamilk từ hơn 251,2 triệu cổ phiếu (17,31%) lên 265,7 triệu cổ phiếu (18,31% vốn doanh nghiệp). Với mức giá VNM đang dao động trong khoảng 160.000-170.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến F&N phải chi ra số tiền 2.300 - 2.465 tỷ đồng cho đợt mua vào lần này.
F&N Dairy Investments chính là cổ đông lớn thứ 2 tại Vinamilk, sau Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 36,01% vốn, đồng thời là cổ đông nước ngoài lớn nhất tại doanh nghiệp này. Cùng với F&N BEV Manufacturing Pte.Ltd, cả hai đều là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Fraser & Neave Limited của Singapore, hiện tập đoàn này sở hữu tổng cộng 18,01% vốn tại Vinamilk.
F&N Dairy Investments từng nhiều lần đăng ký mua vào lượng cổ phiếu tương đương trong vài tháng gần đây nhưng không thành công. Nguyên nhân được cổ đông ngoại này lý giải là do điều kiện thị trường không phù hợp.
Đặc biệt, dù Tập đoàn Fraser & Neave Limited là doanh nghiệp đồ uống của Singapore nhưng thực chất đã bị ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thâu tóm.
ThaiBev cùng với F&N hiện là thành viên của TCC Holdings thuộc sở hữu của vị tỷ phú này, người đồng thời là chủ sở hữu TCC Holdings đã thâu tóm thành công Metro Cash & Carry Việt Nam hồi năm 2015. Một đơn vị thành viên khác của TCC Holdings là Berli Jucker cũng đã thâu tóm Phú Thái Group, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Cuối năm 2016, tỷ phú Thái Charoen đã thông qua các doanh nghiệp của mình là thuộc Tập đoàn F&N đã chi gần 500 triệu USD (khoảng 11.286 tỷ đồng) để mua 60% khối lượng cổ phiếu VNM do SCIC chào bán công khai.
Đến cuối năm 2017, chính đại gia này một lần nữa chi gần 5 tỷ USD (tương đương 110.000 tỷ đồng) mua lại 53,59% cổ phần tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco do Bộ Công thương thoái vốn. Thương vụ thực hiện thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage, một pháp nhân được thành lập tại Việt Nam.
Trên sàn chứng khóa, VNM đang có đà giảm giá tương đối mạnh, hiện được giao dịch với giá 165.000 đồng/cổ phiếu, giảm 20% so với vùng giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm. Đà giảm của cổ phiếu này cũng khiến Vinamilk đánh mất vị trí doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường vào 2 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là Vinhomes với giá trị niêm yết lên tới gần 302.000 tỷ đồng và Vingroup với giá trị 269.600 tỷ đồng.
Video: Vì sao tỷ phú Thái 'sốt ruột' tham gia Sabeco?
Bình luận