USD xác lập đỉnh cao mới trong hai thập kỷ vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lên biên độ 3% - 3,25% và báo hiệu thêm nhiều mức tăng lớn hơn tại các cuộc họp sắp tới.
Các dự báo mới của Fed cho thấy, lãi suất chính sách của họ sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm nay, trước khi đạt đỉnh 4,6% vào năm 2023 nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát tăng nóng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo của mình cho biết, Fed buộc phải hành động tích cực để kiềm chế lạm phát, thậm chí những hành động của Fed có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Biên độ 3% - 3,25% cũng là lãi suất cao nhất của Fed tính từ tháng 1/2008.
Shaun Osborne, Giám đốc điều hành kiêm Chiến lược gia FX, tại Scotiabank (Toronto) cho rằng, USD đã bị định giá quá cao. Kể từ đầu năm, chỉ số DXY đã tăng gần 16%, mức tăng phần trăm hàng năm lớn nhất kể từ từ năm 1972.
Sức mạnh hiện tại của USD có thể được giải thích bởi khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ và cam kết liên tục của Cục Dự trữ Liên bang về việc tăng lãi suất.
Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong năm nay. Sau khi tăng 5,7% vào năm 2021, GDP được giảm với tốc độ 1,6% hàng năm trong quý đầu tiên của năm 2022, tiếp theo là giảm 0,6% trong quý thứ hai, khiến nhiều người cho rằng kinh tế Mỹ đang suy thoái .
Tuy nhiên, việc làm và các chỉ số quan trọng khác cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh mẽ, mạnh hơn nền kinh tế của các đối tác thương mại lớn. Ví dụ, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu đang trong cơn khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến ở Ukraine và sau đó là sự mất mát khí đốt tự nhiên của Nga.
Ngày 20/9 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cũng đã tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày hôm nay và được dự báo sẽ tăng lãi suất.
Fed đã tăng lãi suất 4 lần kể từ đầu năm đến nay, một động thái đã thúc đẩy đáng kể USD và làm giảm giá trị các đồng tiền khác khi chênh lệch lãi suất ngày càng tăng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đang có xu hướng đạt mức cao nhất trong thập kỷ...Các chuyên gia nhận định USD sẽ còn tăng mạnh trong tương lai bởi nó vẫn được coi là tài sản trú ẩn an toàn.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm, chạm mốc 0,9810 USD. Đồng tiền chung của châu Âu chốt phiên ở mốc 0,9852 USD, giảm 1,2%. Bên cạnh đó, so với đồng yên Nhật, đồng USD tăng nhẹ so với các đồng tiền khác, đạt mốc 144,695 yên. Trong khi đó, đồng bảng Anh cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm là 1,1237 USD và giao dịch lần cuối ở mức 1,1272 USD, giảm gần 1%.
Tỷ giá USD trong nước
Tại thị trường trong nước, cuối phiên giao dịch ngày 21/9, tỷ giá trung tâm USD/VND tại Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.301 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 23.700 đồng (bán ra).
Tỷ giá USD trong các ngân hàng thương mại hôm nay niêm yết chủ yếu ở mức 23.515 đồng/USD (mua) và 23.830 đồng/USD (bán).
Cụ thể, đầu sáng nay, Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.515 - 23.825 đồng/USD. Ngân hàng BIDV giao dịch mua - bán USD ở mức 23.550 - 23.830 đồng/USD.
Tỷ giá euro tham khảo tại Ngân hàng Nhà nước là 22.516 - 23.909 đồng/EUR. Tại Vietcombank là 22.864 - 24.144 đồng/EUR (mua - bán). BIDV là 23.012 - 24.078 đồng/EUR (mua - bán).
Bình luận