Những “cơn bão” trên thị trường chứng khoán thời gian vừa qua đã thu hút mọi sự chú ý của nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư quên đi một thị trường cũng rất “nóng”. Đó là thị trường ngoại hối.
Trong nửa đầu năm 2018, tỷ giá USD/VND cũng có những biến động rất mạnh, khi tăng “leo thang”, lúc giảm rất sâu. Từ bây giờ tới cuối năm, nhiều dự báo cho rằng, tỷ giá tiếp tục tăng.
Trồi sụt thất thường
Trong quý 1/2018, tỷ giá USD/VND đã có nhiều phiên tăng, giảm mạnh. Tuy nhiên, sức nóng của thị trường chứng khoán khiến tỷ giá bị lu mờ. Thế nhưng, tới cuối tháng 5, nhà đầu tư mới giật mình khi giá đồng bạc xanh leo lên mức cao nhất năm và hướng tới mốc rất cao 23.000 đồng/USD.
Cụ thể, trong ngày “lịch sử” 29/5/2018, tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá đã vọt lên 22.810 đồng – 22.880 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 145 đồng/USD, tương ứng 0,64% ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Tại các ngân hàng khác, đồng bạc xanh cũng nóng tương tự. Trong ngày 29/5, tỷ giá tại Ngân hàng TCMP Á Châu (ACB), Ngân hàng TCMP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TCMP Công thương Việt Nam (VietinBank) lần lượt niêm yết ở mức 22.810 đồng/USD – 22.880 đồng/USD, 22.800 đồng/USD – 22.890 đồng/USD và 22.804 đồng/USD – 22.884 đồng/USD.
Tuy nhiên, ngay sau khi đạt đỉnh, đồng USD bất ngờ đảo chiều giảm mạnh. Tới ngày 11/6/2018, đà giảm vẫn tiếp tục. Tại Vietcombank, tỷ giá giao dịch ở mức 22.765 đồng/USD – 22.835 đồng/USD, giảm 45 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với “đỉnh” thiết lập trong ngày 29/5.
Các ngân hàng còn lại cũng điều chỉnh giá USD giảm sâu. Trong đầu giờ sáng 11/6, tỷ giá tại ACB, Eximbank và VietinBank lần lượt niêm yết ở mức: 22.770 đồng/USD – 22.840 đồng/USD, 22.750 đồng/USD – 22.840 đồng/USD và 22.759 đồng/USD – 22.839 đồng/USD.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD áp dụng cho ngày 11/6 là 22.567 đồng (tăng 9 đồng so với cuối tuần qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN là 22.700 đồng (mua) và 23.215 đồng (bán).
Nên tăng lãi suất USD
Tỷ giá đang trồi sụt thất thường nhưng theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, xu hướng chính của đồng USD trong những tháng cuối năm vẫn là tăng, thậm chí còn tăng mạnh.
Giải thích cho nhận định này, ông Hiếu cho rằng, lạm phát, nhập siêu đang quay trở lại là những yếu tố chính gây áp lực cho tỷ giá. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng trên thị trường chứng khoán để rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng ảnh hưởng tới đồng USD.
Ngoài ra, diễn biến của đồng USD ở thị trường thế giới cũng được ông Hiếu đánh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá trong nước. Cụ thể, trong các tháng tới đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD, từ đó tăng giá đồng USD. Đồng USD vì vậy cũng tăng giá theo trên thị trường Việt Nam.
Những yếu tố trên được ông Hiếu dự báo sẽ khiến đồng USD tăng nóng ở thị trường trong nước.Theo ông Hiếu, để hạn chế đà tăng của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại nhiều chính sách liên quan đến USD. Một trong những biện pháp ông Hiếu nhấn mạnh chính là tăng lãi suất tiền gửi USD.
Ông Hiếu phân tích: “Nhiều năm qua, để giảm chính sách đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước đã đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%. Chính sách này giúp USD bớt nóng nhưng người dân vẫn có xu hướng nắm giữ đồng USD”.
Vì vậy, theo ông Hiếu, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên tăng lãi suất tiền gửi USD để thu hút người dân gửi USD vào ngân hàng, từ đó giúp nguồn cung USD dồi dào hơn.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết, thời gian qua khi thị trường USD biến động mạnh, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá. Vì vậy, ở thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối.
Video: Thủ đoạn mới ăn cắp tiền trong tài khoản ngân hàng
Bình luận