(VTC News) - Giá hải sản vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 thường bị đội lên khá cao, nhưng nếu biết cách du khách vẫn có thể thưởng thức chúng với giá cực mềm.
Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 trùng với khá nhiều chương trình cũng như lễ hội được tổ chức tại biển như Lễ hội bắn pháo hoa ở Đà Nẵng hay khai trương năm du lịch tại Đồ Sơn. Cộng thêm thời tiết oi bức của cái nắng đầu hè nên khách du lịch thường chọn địa điểm du lịch là những khu vui chơi, giải trí ở biển trong 4 ngày nghỉ lễ này.Giá hải sản vào những dịp nghỉ lễ luôn bị đội lên khá cao
Khách đầu mùa du lịch đổ về đông, cộng thêm khả năng phục vụ có hạn nên giá của những dịch vụ như trông xe, đi dạo quanh bờ biển bị đẩy lên một cách chóng mặt. Ví như trông xe máy vào giờ cao điểm, du khách đều bị “chém” đẹp từ 30.000 đồng cho đến 40.000 đồng/xe. Có nơi thậm chí còn cao hơn.
Nhưng leo giá khủng khiếp nhất vẫn cứ là giá hải sản được bày bán tại các chợ. Nắm được tâm lý thích thưởng thức những món ăn tươi sống sau khi tắm biển, các chủ cửa hàng rất “mạnh dạn” quát giá của những sản phẩm này lên gấp rưỡi. Cụ thể, giá cua ghẹ từ 100.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg, bạch tuộc từ 120.000 đồng/kg lên 180.000 cho tới 200.000 đồng/kg.
Với những mặt hàng chất lượng cao và khó kiếm như bề bề, tôm hùm, giá còn bị đẩy lên chóng mặt hơn. Như bề bề, thông thường chỉ rơi vào khoảng từ 150.000 đồng cho tới 180.000 đồng/kg nay được hét không dưới 250.000 đồng/kg. Nếu lựa mua những con to (khoảng 15 con/kg) thì giá chắc chắn không dưới 300.000 đồng/kg. Còn tôm, kể cả trả tới 600.000 đồng hoặc hơn nữa cũng không chắc có hàng để mua.
Giá cả leo thang như vậy nên không ít những khách du lịch đã ngần ngại thưởng thức hải sản, dù đã cất công đi cả trăm cây số để tới biển du lịch.Nhưng nếu ra tận bến mua, du khách vẫn có thể tậu được hàng rẻ mà lại chất lượng
Tuy nhiên, đó là chuyện của những năm cũ. Còn hiện nay, nếu tinh ý và khéo léo một chút, du khách hoàn toàn có thể thưởng thức những bữa hải sản thịnh soạn, mà vẫn vừa với túi tiền.
Thông thường, khách hàng hay mua hải sản tại những chợ đầu mối lớn vào buổi sáng. Giá tại những khu chợ này tuy có rẻ hơn giá trong đất liền chút đỉnh nhưng vẫn nằm ở mức tương đối cao so với đại bộ phận người dân.
Nếu kiên nhẫn chờ tới lúc hoàng hôn và cất công đi bộ một chút ra tận bến, nơi những thuyền, xuồng đi đánh bắt mới về, khách hàng rất có thể bị choáng khi hỏi giá. Cua ghẹ từ 150.000 đồng/kg ở các chợ giảm xuống còn có 60.000 đến 70.000 đồng/kg. Bạch tuộc cũng rớt giá xuống chỉ còn từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg.
Sở dĩ giá rẻ đến vậy bởi vì đó là giá mua tại thuyền, chứ không phải giá mua buôn ở các chợ. Thêm nữa, tâm lý của những người dân biển sau khi đi đánh bắt hải sản về đều muốn bán sớm thành phẩm, đổi lấy tiền để mua những nhu yếu phẩm hàng ngày.
Tất nhiên, sẽ chẳng có nhà hàng hoặc khách sạn nào nhận nấu hộ những món ăn trên. Đó là một phần lý do khiến du khách, dù có khá nhiều biết cách mua rẻ hải sản, vẫn ngần ngại chưa dám thử vì không biết làm cách nào để thưởng thức ngay tại biển.Cộng thêm một ít phí cho công chế biến, du khách hoàn toàn có thể thưởng thức một bữa hải sản vừa với túi tiền
Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. Những thuyền chài bán hải sản giờ còn mở thêm cả dịch vụ chế biến sẵn cho thực khách. Tiền công để chế biến rơi vào khoảng từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg, tùy vào loại thực phẩm.
Các món do những người thuyền chài nấu, thường là luộc như tôm luộc, ghẹ luộc hoặc mực luộc. Có rất ít thuyền nhận chế biến những món phức tạp như xào hay nướng.
Mặc dù vậy, đi tắm biển xong mà có một nồi tôm hoặc ghẹ luộc bốc hơi nghi ngút, với giá chỉ bằng phân nửa giá được niêm yết tại các nhà hàng cũng là giải pháp hữu hiệu cho những ai đi du lịch mà trong túi tiền bạc không quá rủng rỉnh.
Nguyễn Thắng
Bình luận