• Zalo

Tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup sau 10 năm: Giấc mơ lớn từ vạn giấc mơ nhỏ

Việt Nam bay lênThứ Sáu, 01/02/2019 13:04:00 +07:00Google News

Giấc mơ vô địch AFF Cup trở thành hiện thực sau 10 năm, bởi nó được tạo thành từ rất nhiều giấc mơ nhỏ nhoi, bình dị của những con người Việt Nam không biết đến hai tiếng "từ bỏ".

TOP 7

 

"Chức vô địch này không cảm xúc như 10 năm trước" - một cổ động viên bất giác nói với tôi khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc. Trên sân, cầu thủ vẫn ôm nhau ăn mừng, với niềm vui chợt như trẻ dại. HLV Park Hang Seo rưng rưng xúc động, nói ngày hôm ấy (ngày tuyển Việt Nam đánh bại Malaysia 1-0 trong trận chung kết lượt về) là ngày đẹp nhất trong cuộc đời ông.

Từ khán đài Mỹ Đình, niềm vui tỏa đi khắp cả nước, với màu cờ đỏ chói tràn ngập phố phường. Đêm hôm ấy, người Việt Nam được đón giao thừa sớm, được hạnh phúc với niềm vui mà "chúng ta đã phải chờ đợi suốt 10 năm, thì bốn phút bù giờ nữa có xá gì" - như lời của một bình luận viên truyền hình.

Nhưng, đúng là khoảnh khắc này không vỡ òa, sung sướng như 10 năm trước, khi Công Vinh chạy chỗ và tung cú đánh đầu hiếm thấy trong bóng đá đỉnh cao. Khi tuyển Việt Nam trở lại đỉnh cao châu lục, người ta vẫn "phê", song cảm giác bùng nổ có lẽ không còn vẹn nguyên.

Bởi chức vô địch này, nếu không thuộc về tuyển Việt Nam, thì chẳng thể thuộc về đội bóng nào khác nữa. bóng đá Việt Nam đang sở hữu thế hệ đủ tài năng, được dẫn dắt bởi một HLV đủ đẳng cấp để cổ động viên tin tưởng: chức vô địch sẽ thuộc về chúng ta, không sớm thì muộn. Nói cách khác, tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup là chuyện đương nhiên. Mà mọi thứ đương nhiên, không dễ tạo nên cảm xúc mãnh liệt.

1 9

 

Người ta hay dùng từ "thế hệ vàng" để nói về những lứa cầu thủ tạo nên kỳ tích. 20 năm trước, những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Minh Chiến khiến khán giả nức lòng khi đè bẹp Thái Lan ba bàn không gỡ, vào đến chung kết Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup). Thế hệ vàng của những năm cuối thế kỷ XX được yêu mến bởi thứ bóng đá hào hoa, phong nhã và đậm chất cống hiến, đến mức Hồng Sơn hay Huỳnh Đức còn trở thành "người trong mộng" của bao cô gái trẻ.

10 năm sau đó, một thế hệ vàng tiếp theo ra đời, khi Công Vinh, Minh Phương, Tài Em, Tấn Tài, Như Thành, Hồng Sơn (thủ môn),... cùng "phù thủy" Henrique Calisto bước lên đỉnh cao khu vực. Trước danh hiệu AFF Cup năm ấy, tuyển Việt Nam không thắng trên dưới 10 trận, bị chỉ trích là "đội tuyển yếu kém nhất trong lịch sử". Đáp lại, các học trò của thầy "Tô" đạp lên dư luận, tiến một mạch tới vinh quang.

Vinh quang lớn nhất của bóng đá Việt Nam sau nửa thế kỷ. 

aff2008

 Chức vô địch AFF Cup 2008 của bóng đá Việt Nam.

Mọi thế hệ muốn được khắc vào sử sách, cần phải có một danh hiệu để bảo chứng cho thành công. Dù thế hệ ấy có cùng nhau viết nên cổ tích Thường Châu với là cờ đào anh dũng bay trong tuyết, bước lên hàng ngũ đệ tứ anh hào châu lục ở ASIAD và khiến cả dân tộc phải nghiêng ngả theo từng bước chạy, thế hệ ấy cũng cần phải có một chức vô địch.

Họ là thế hệ vàng, nhưng họ có thể trở thành kim cương. Vậy tại sao không vô địch?

Chúng ta phải vô địch, không phải vì không vô địch bây giờ thì chẳng biết bao giờ. Chúng ta phải vô địch, vì thế hệ này, đội tuyển này, các cầu thủ này, và cả chiến lược gia này. Họ quá sạch, quá đẹp, quá kiên cường. Tuyển Việt Nam quá xứng đáng để đòi lại ngai vàng khu vực, qua đó đính chiếc kim cương cuối cùng còn thiếu lên vương miện, để vững niềm tin và bước khỏi ao làng, nhổ neo ra biển lớn châu lục.

Chúng ta phải vô địch. Vì giấc mơ 10 năm này không chỉ là giấc mơ chung của những người con máu đỏ da vàng của dân tộc Việt Nam. Mà vì giấc mơ này được tạo nên từ rất nhiều những giấc mơ nhỏ. Giấc mơ của những con người bình dị, nhưng không bao giờ chấp nhận hai tiếng "bỏ cuộc" trong từ điển của cuộc đời.

AFF 2018-7 6

Đội tuyển Việt Nam ăn mừng chiến thắng tại Mỹ Đình. (Ảnh: Duy Thành)

2 13

Trong đêm tuyển Việt Nam bước lên ngôi vô địch, khi những Quang Hải, Đình Trọng, Công Phượng, Anh Đức,... trở thành tâm điểm của mọi ống kính máy quay, tôi bất giác nhìn về những cậu bé nhặt bóng ngoài sân. Những cậu bé đội mũ, tay ôm khư khư quả bóng để trao cho những "người hùng". Biết đâu đây, 10 năm nữa, những cậu bé này sẽ trở thành thần tượng mới, đưa bóng đá Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu. 

Hệt như câu chuyện của Đức Huy, Duy Mạnh. Những cậu nhóc đội trẻ vinh dự được nhặt bóng trong trận chung kết AFF Cup 2008, giờ lại viết tiếp trang sử, mang vinh quang về cho Tổ quốc như những người hùng thuở xưa.

"... Sau khi đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008, chúng tôi lẽo đẽo chạy theo các anh để ăn mừng ké, để xin áo và xin những đôi giày các anh đang đi. 

10 năm sau, 2 cậu bé nhặt bóng năm đó nay là những tuyển thủ, thi đấu ở đúng giải đấu đó. Chúng tôi góp 1 phần công sức nhỏ nhoi vào thành công của đội tuyển. Chúng tôi giành chức vô địch AFF Cup 2018 trên cương vị những người trực tiếp chơi bóng trên sân! Hai chúng tôi đã là những nhà vô địch ở giải đấu mà 10 năm trước chúng tôi chỉ là những cậu bé nhặt bóng!

Nhân đây, tôi cũng muốn gửi gắm mấy dòng tâm sự cho những cậu bé hiện tại có hoàn cảnh và ước mơ giống hệt anh năm đó. Các em hãy cứ làm việc chăm chỉ và hết mình. Cộng thêm cả may mắn thì tất cả giấc mơ đều thành sự thật. Vì... không ai đánh thuế giấc mơ của các em hết".

Hành trình dài nhất không phải từ Bắc Cực tới Nam Cực, không phải từ lời nói tới việc làm, cũng không phải từ con số không đến người hùng,... Mà hành trình dài nhất của một đời người, chính là biến được giấc mơ thành sự thật. Ai cũng có giấc mơ, song không phải ai cũng dám thực hiện. Những ai dám cất bước và đánh đổi tất cả để chinh phục cuộc hành trình, người đó mới tận hưởng được hạnh phúc sau cùng. 

Không phải ai cũng nỗ lực đến sức để chơi được nhiều vị trí trên sân, đáp ứng kỳ vọng của mọi HLV và nhẫn nại chờ đợi như Đức Huy. Không phải ai cũng đứng lên sau cú sốc bị loại khỏi đội U19, vượt qua chấn thương, sức ép để khẳng định bản thân như Duy Mạnh. Càng không phải ai cũng đủ lì lợm, bản lĩnh để đứng dậy sau những pha bóng xấu chơi của đối thủ như Quang Hải. 

vietnam malaysia16 16

 Tinh thần thép là yếu tố giúp bóng đá Việt Nam thăng tiến vượt bậc trong một năm qua. (Ảnh: Duy Thành)

Báo chí quốc tế từng kinh ngạc vì điều đó, rằng nghị lực nào đã giúp những con người bình thường tạo nên những câu chuyện phi thường. Rằng chẳng có điều kỳ diệu nào hết. Thành quả hôm nay là phần thưởng cho những kẻ dám mộng mơ, dám thực hiện. Điên một lần, nhưng như Steve Jobs nói: "Chính những kẻ điên sẽ thay đổi thế giới này".

3 12

 

Một chàng trai mang hai dòng máu Việt - Nga đang ngồi bên cửa sổ, tay gõ màn hình máy tính, tai lặng nghe tin tức về danh hiệu AFF Cup của tuyển Việt Nam. Anh ngủ gục, trong cơn mơ, anh mơ thấy mình góp mặt trong thành phần vô địch của đội tuyển. Anh choàng tỉnh, nhận ra mình đang ở văn phòng kế toán. Anh ước giá như ngày xưa mình đủ dũng cảm để trở về Việt Nam thử việc...

Viễn cảnh nói trên rất có thể trở thành hiện thực nếu Đặng Văn Lâm không đủ quyết tâm với giấc mơ của mình. Trên trang cá nhân của Lâm, người ta đào lại được "bức thư" kêu cứu của anh cách đây bốn năm. Lâm muốn về Việt Nam thử việc, muốn được dự SEA Games đầu tiên, cũng là cuối cùng khi anh còn đủ độ tuổi. Lâm viết thư với thứ tiếng Việt... lai tạp, sai chính tả, song câu cuối cùng được viết rõ ràng, rành mạch và thấu tận con tim của bất cứ ai.

"Lâm chịu không nổi được nữa khi thấy các bạn đang tập mà không có Lâm ở đó". Bởi Văn Lâm là thế, không chọn thì thôi, đã chọn là phải theo đến cùng.

dang van lam-1 5

Thủ tướng chúc mừng thủ thành Đặng Văn Lâm trong ngày đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. (Ảnh: Duy Thành)

Nhiều người nói vui, rằng so với các đồng đội, con đường của Văn Lâm là gian truân và khó nhọc hơn cả. Lâm từng ký hợp đồng đào tạo trẻ với HAGL nhưng không được trọng dụng, không để lại dấu ấn khi được gọi lên U19 Việt Nam, từng bị đẩy sang Lào chơi cho Hoang Anh Attapeu rồi cho mượn đến CLB TP.HCM trước khi trở lại Nga năm 2014. Ngày Lâm về nhà, bố của Lâm sắp xếp cho con trai học ngành kế toán, dứt khoát bỏ nghiệp "quần đùi áo số" nay đây mai đó, chẳng nhìn thấy chút tương lai.

Nhưng Lâm nhìn thấy tương lai, và thế là Lâm không dừng lại. Nếu không phải chàng trai kế toán "hụt" năm ấy là Đặng Văn Lâm, bóng đá Việt Nam đã vĩnh viễn mất đi một thủ môn giỏi.

"Những người theo dõi tôi cũng biết con đường của Lâm chưa bao giờ dễ cả, nhưng đấy mới là động lực để tôi không ngừng nỗ lực và phấn đấu. Trong máu Lâm có 'tinh thần người Việt Nam' và tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc". Nói là làm, Văn Lâm vượt qua sức ép khủng khiếp từ khán đài Lạch Tray để tỏa sáng ở Hải Phòng. Lâm đánh gục nỗi đau bị trợ lý HLV cầm dao truy đuổi, đẩy lui chấn thương để trở lại với phong độ không thể ngăn cản. Lâm cũng đứng dậy sau nỗi buồn phải ngồi nhà xem ASIAD, dù anh hoàn toàn xứng đáng với suất bắt chính.

Lâm vượt qua tất cả. Bởi chàng thủ môn này sống để biến giấc mơ trở thành hiện thực, dẫu đó là giấc mơ... phi lý, khó tin và rất dễ nhầm thành ảo mộng. Sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, Lâm quay lại cầu nguyện và ôm chặt khung gỗ - "người bạn" mà anh bảo vệ suốt những năm tháng thanh xuân. Nhưng Lâm không chỉ bảo vệ khung gỗ, mà Lâm còn canh giữ cho giấc mơ vô địch vĩ đại của dân tộc này.

dang van lam 3

Không có nỗ lực phi thường, sẽ không có Văn Lâm thủ môn tài năng hôm nay. (Ảnh: Hà Thành)

4 14

Quỳnh hương là loài hoa đặc biệt, không nở lúc bình minh, mà chỉ khoe sắc khi màn đêm buông xuống. Quỳnh hương nở muộn, nhưng tỏa hương sắc ngào ngạt, khiến mọi loài hoa trên thế gian phải ghen tỵ, trầm trồ. Giữa lòng đội tuyển Việt Nam với hàng trăm thứ hoa rực rỡ, Anh Đức chính là đóa quỳnh hương. Là "củ gừng", càng già, càng khiến đối thủ phải chảy nước mắt vì cay.

Không chỉ riêng các tuyển thủ hiện tại, mà tính trải dài trong lịch sử bóng đá Việt Nam, rất hiếm tuyển thủ đạt đến mức độ giàu sang, viên mãn như Anh Đức. Anh có chuỗi cửa hàng thể thao nức tiếng toàn quốc, sở hữu thương hiệu riêng, nắm nhà hàng và trở thành ông chủ khi tuổi đời còn trẻ. Có lẽ vì thế, Anh Đức bị cho là... hết động lực. Việc gì phải lăn lộn cùng trái bóng, khi mọi thứ đã rất dư dả?

Người đời nói anh như thế, và càng thêm niềm tin khi Công Vinh "tố tội" anh hết động lực. Tám năm sau AFF Cup 2010, Anh Đức mới trở lại khi nhận được lời khuyên "còn khát khao, còn phải cống hiến" của người thầy kính yêu Mai Đức Chung. Anh Đức xách giầy trở lại, lao vào tập luyện như thời còn trẻ, để rồi ghi bàn thắng duy nhất, giúp tuyển Việt Nam đánh bại Malaysia.

Anh Duc 14

Anh Đức là đóa hoa nở muộn. (Ảnh: Ngọc Anh)

Nếu không có pha xoay người dứt điểm như một quả pháo rời nòng của Anh Đức, chưa biết điều gì đã xảy ra. 

Ở tuổi 33, Anh Đức vần vũ trên sân, hòa nhập cùng tập thể trẻ trung, năng động và tưởng như không còn vị trí cho "người già". Người ta hay trêu Anh Đức với Phan Văn Đức là hai... chú cháu. Đúng thật, khoảng cách thế hệ và sự xuất hiện của những người trẻ tài năng khiến sự "lão hóa" của Anh Đức càng được thể hiện. Nhưng cơ thể "già", tâm hồn vẫn trẻ. Anh Đức tự đốt mình cháy mãnh liệt trong lần cuối cùng, tựa đóa quỳnh hương rực sáng trong đêm.

Anh ghi bàn, anh kiến tạo, anh tì đè, anh chạy về phòng ngự như một hậu vệ... Nhìn Anh Đức chơi bóng như thế, ai dám nói anh không còn động lực cống hiến cho tuyển? Anh Đức vẫn còn vẹn nguyên động lực, song "quân" phải thờ đúng "tướng". Sự có mặt của tiền đạo Becamex Bình Dương đã nâng tầm bản lĩnh cho tuyển, nhưng phải nói ngược lại, rằng chính đội tuyển đã giúp Anh Đức được sống mùa xuân thứ hai trong cuộc đời.

Mùa xuân mà không tiền tài nào có thể mua được. Chỉ có khát vọng và tinh thần bất khuất mới giúp tiền đạo này hồi xuân lần nữa.

5 15

Cũng như Anh Đức, HLV Park Hang Seo đang sống lại mùa xuân thứ hai trong đời. 16 năm trước, thầy Park bị sa thải khỏi cương vị HLV trưởng Olympic Hàn Quốc sau thất bại trước Olympic Iran ở bán kết ASIAD - thành tích khó chấp nhận khi tuyển Hàn Quốc vừa vào bán kết World Cup 2002. Từ vị thế trợ lý của HLV Guus Hiddink, HLV Park Hang Seo bị báo chí gọi là "người nhận tội" cho sự ảo tưởng của bóng đá xứ kim chi.

Sự nghiệp của ông xuống dốc, sa sút, phải lang bạt ở những đội bóng vừa và nhỏ ở K-League như Sangju Sangmu, Daegu FC, Chunnam Dragons hay Changwon City,... trước khi có lần đầu xuất ngoại trong đời và viết lại câu chuyện sự nghiệp của mình.

Để rồi, từ vị thế người từng bị coi là "lạc thời", HLV Park Hang Seo đã dạy cho tất cả, trong đó có cả người Hàn Quốc, rằng làm thế nào để xây dựng được đội bóng vững mạnh. Bằng cách nào, thầy Park đưa U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam và tuyển Việt Nam cùng tạo nên thành công chỉ sau 14 tháng ngồi ghế huấn luyện?

park hang seo 3

HLV Park Hang Seo "tái sinh" ở dải đất hình chữ S. (Ảnh: Duy Thành)

Ông không tạo nên cuộc cách mạng. Không hề. Ông từng tâm sự: "Các cầu thủ Việt Nam có những tố chất không thua kém cầu thủ Hàn Quốc". Tức là nội lực đội tuyển đã mạnh từ trước. Những gì toàn đội cần là phương pháp và định hướng đúng đắn, từ một người thầy đúng đắn. Khi người thầy ấy bật khóc vì "không thể làm điều gì đặc biệt trong sinh nhật của học trò", chúng ta hiểu, bóng đá Việt Nam đã tìm được đúng người.

Ai đó từng nói: tuyển Việt Nam là của nhân dân, được nuôi sống bằng tiền của nhân dân, nên phải có trách nhiệm thi đấu, cống hiến để mang lại niềm tự hào cho nhân dân. Được khoác lên mình màu áo tuyển, đặt tay lên lá cờ đỏ sao vàng khi Quốc thiều vang lên, đó là sứ mệnh.Ông nuôi giấc mơ của người cha già để che chở cho giấc mơ của đàn con trẻ. Ông quát tháo khi đàn con có biểu hiện yếu nhược, ông rưng rưng khi đại gia đình phải chia tay các thành viên, và ông bật khóc như đứa trẻ, khi các cầu thủ tạo nên phép màu

Thầy Park không phải người tạo ra lửa. Ông là người thắp lên ngọn lửa nhỏ trong trái tim mình để thổi bùng lên ngọn lửa lớn, sưởi ấm màu cờ đỏ tươi trong cơn mưa tuyết lạnh giá ở Thường Châu.

Thành công của bóng đá Việt Nam không tạo nên những người hùng. Mà họ đã giúp ta định nghĩa lại, rằng người hùng không cần mặt nạ và áo choàng đen, cũng không cần sức mạnh siêu nhiên để thay đổi thế giới. Người hùng là những con người bình dị với xuất phát điểm bình thường. Họ nuôi nấng những giấc mơ riêng, như bao người khác, nhưng họ dám đấu tranh để niềm hy vọng tồn tại và sinh sôi mỗi ngày.

Những giấc mơ nhỏ gặp nhau, hòa chung với nhau để tạo nên giấc mơ lớn. Giấc mơ vô địch của cả dân tộc sau tròn 10 năm chờ đợi đã thành hiện thực. Và hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tạo nên một giấc mơ khác, khi vận hội của bóng đá Việt Nam đã tới. Một giấc mơ xa hơn, lớn hơn, khó khăn để thực hiện hơn, nhưng có sao đâu, khi tất cả đang sánh vai nhau để mang niềm tin trở lại dải đất này!.

>>> Đọc thêm: Nước mắt Xuân Hưng và nỗi buồn vô hạn của HLV Park Hang Seo

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn