Một thống kê sẽ khiến tất cả những người yêu mến đội tuyển Việt Nam phải sửng sốt, và đương nhiên là vui mừng: kể từ khi Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á được tổ chức lần đầu tiên là kỳ Tiger Cup 1996, cho đến AFF Suzuki Cup 2016 hôm nay, đây mới là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam toàn thắng ở vòng bảng của AFF Cup.
20 năm và 11 giải đấu, trải qua ba thế hệ, từ thế hệ vàng đầu tiên của Hồng Sơn, Huỳnh Đức đến thế hệ thứ hai của Minh Phương, Tài Em và bây giờ là thế hệ hôm nay của Xuân Trường, Quế Ngọc Hải, đội tuyển Việt Nam thời kỳ nào cũng có nhân tài. Đặc biệt là AFF Suzuki Cup 2008, tuyển Việt Nam còn vô địch, nhưng chưa bao giờ chúng ta lại có được thành tích áp đảo như hôm nay.
Tuyển Việt Nam thắng đội chủ nhà Myanmar ngay trận khai mạc bất chấp sức ép của khán đài, lạnh lùng hạ gục Malaysia ở trận thứ hai, và dùng đội hình với một nửa cầu thủ dự bị, chỉ đá 10 người từ phút thứ 7, bản lĩnh đánh bại Campuchia.
Mà Campuchia là đội bóng không hề dễ bị bắt nạt, Malaysia phải toát mồ hôi hột mới đánh bại được họ, còn Myanmar cũng phải nhờ may mắn mới vượt qua được Campuchia, vậy mà Việt Nam chỉ dùng 10 người cũng đánh bại được đội tuyển xứ sở “Biển hồ”.
Nhiều chuyên gia và báo giới khu vực chẳng hề xã giao khi đánh giá tuyển Việt Nam năm nay rất mạnh. Sức mạnh này đương nhiên là đến từ nội lực cầu thủ Việt, khi HLV Hữu Thắng sở hữu một tập thể đồng đều có sự pha trộn giữa sức trẻ của những Văn Thanh, Hoàng Thịnh với kinh nghiệm của các cựu binh là Công Vinh, Thành Lương, Văn Quyết.
Đội tuyển có sự kết hợp tuyệt vời giữa hai lớp nhân tài tốt nhất của hai lò đào tạo trẻ hàng đầu Việt Nam, đó là Hoàng Anh Gia Lai JMG với đại diện tiêu biểu là Xuân Trường, Văn Toàn, với lò Sông Lam Nghệ An của hậu vệ Quế Ngọc Hải và thủ môn Nguyên Mạnh.
Ba năm qua, bóng đá Việt Nam trình làng được một lứa cầu thủ trẻ rất tuyệt vời, đó là lứa của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Ngọc Hải, Hoàng Thịnh, Nguyên Mạnh, Duy Mạnh … nhưng các vấn đề của người lớn đã khiến các em không thể đến được với nhau trong đội hình đội tuyển quốc gia.
Người hâm mộ thì bị chia hai phe trong "cuộc chiến" truyền thông giữa hai lứa cầu thủ này. Dù HAGL thắng hay SLNA thắng, kết cục đội tuyển Việt Nam vẫn là kẻ thua cuộc.
Chỉ đến khi Hữu Thắng lên, mọi thứ mới được giải quyết. HLV Hữu Thắng đã làm được cái điều mà Toshiya Miura trước đó không làm được, đấy là đoàn kết được lò đào tạo của SLNA (tượng trưng cho truyền thống của bóng đá Việt Nam) với lò đào tạo của HAGL (tượng trưng cho phong cách hiện đại theo hướng Châu Âu của bóng đá Việt Nam).
Hữu Thắng là mẫu lãnh đạo sở hữu cái uy khiến cầu thủ trẻ từ nơi khác phải phục. Riêng đối với các cầu thủ xứ Nghệ, Hữu Thắng nhận sự tôn trọng tuyệt đối bởi anh là bậc tiền bối ở SLNA.
Luận về mối quan hệ với cấp liên đoàn, Hữu Thắng từng là đội trưởng đội tuyển quốc gia, anh có thâm niên thi đấu trong làng V-League, đủ để biết đối nhân xử thế vừa lòng các bên.
Đối nội, đối ngoại đều tốt, không có gì lạ khi Hữu Thắng kích thích được sức mạnh của toàn đội.
Clip: BLV Quang Huy đánh giá Việt Nam có cửa thắng Indonesia
Tuy nhiên, để có thể đạt vị thế “uy quyền” đó, tự bản thân con người Hữu Thắng có cái đặc biệt hơn so với các lớp HLV khác. Hữu Thắng sống nghĩa khí theo kiểu "người trong giang hồ". Hữu Thắng luôn chơi đẹp với đàn em, sẵn sàng cống hiến và hết mình vì mục tiêu chung, và Hữu Thắng sẽ đứng đó, trong cương vị của người đàn anh bảo vệ tất cả và bảo ban tất cả.
Chọn Hữu Thắng là để “có chiến thắng”, và còn bởi cái chất xứ Nghệ trong anh đã mang đúng cái hồn Việt, trong lịch sử luôn đứng ra cáng đáng khi ngặt nghèo nhất.
Trong cái giai đoạn mông muội của bóng đá Việt Nam giữa hai tiếng “chuyên nghiệp”, trong những mảng tối của giới cầu thủ và những nghi án hậu trường, bóng đá Việt Nam đôi khi cần những người như Hữu Thắng chứ không phải cần một nhà sư phạm bóng đá đơn thuần.
Bình luận