Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang rộ lên trào lưu #10yearschallenge (thử thách 10 năm) đầy thú vị. Để tham gia, người chơi cần lấy lại hình ảnh của mình cách đây 10 năm để làm phép đối chiếu với hình ảnh hiện tại. 10 năm là quãng thời gian không dài với một đời người, song lại đủ lâu để chúng ta chiêm nghiệm và học được nhiều điều hay từ những thất bại quá khứ.
Hôm nay, đối tượng tham gia thử thách 10 năm sẽ là tuyển Việt Nam. Hãy nhìn lại 10 năm trước để xem chúng ta có gì.
Cách đây đây đúng một thập kỷ, tuyển Việt Nam, khi ấy vừa chinh phục đỉnh cao AFF Cup đầu tiên trong lịch sử, đứng trước hai nhiệm vụ quan trọng. Một là giành vàng SEA Games, giải cơn khát mà những thế hệ tiền bối không thể thoả mãn. Hai là vượt qua vòng loại Asian Cup 2011 và tiếp nối thành công có được ở đại hội bóng đá châu Á cách đấy hai năm.
Để rồi, chúng ta thất bại ở cả hai mục tiêu. Thế hệ tài năng của những Tấn Trường, Xuân Hợp thua trận chung kết SEA Games 2009 trước Malaysia với bàn thua tức tưởi (Xuân Hợp đốt lưới nhà), dẫu đã có giải đấu thành công trước trận đấu cuối và hạ chính Malaysia ở vòng bảng. Vòng loại Asian Cup cũng chứng kiến nỗi đau của các học trò HLV Henrique Calisto khi tuyển Việt Nam bị Trung Quốc đè bẹp tới 6-1 ở Hàng Châu, thua Syria 0-1 ngay trên sân nhà và không có vé dự vòng chung kết.
Nếu 2008 là nốt thăng, 2009 lại là nốt trầm, để rồi sau đó, mở ra bản nhạc buồn cho bóng đá Việt Nam đến tận trước năm 2018.
Pha đốt lưới nhà ở chung kết SEA Games khiến cổ động viên Việt Nam "chết lặng"
10 năm trước, bóng đá Việt Nam đứng trước cơ hội đổi đời, vươn mình ra biển lớn song không thực hiện được. Ngày hôm nay, khi thế hệ của những Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng, Đình Trọng một lần nữa trở lại đỉnh cao, chúng ta có rút ra bài học quá khứ để trụ lại trên vinh quang hay không?
Thời gian sẽ trả lời. Ở trên cao, gió luôn thổi mạnh. Áp lực của thành công luôn đè nặng, buộc cả đội bóng phải vận động để duy trì thành công một cách bền vững. Không phải ngẫu nhiên, dù thành công vang dội trong năm 2018, song bóng đá Việt Nam vẫn chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn ở Asian Cup (vượt qua vòng bảng) và chưa bao giờ được liệt vào hàng ứng viên. Bởi để tạo được vị thế vững chắc, chúng ta cần "chân đế" vững vàng, duy trì sự lớn mạnh trong nhiều năm và biết cách ứng xử với thành công hiện tại.
Thế hệ 2008, người khựng lại, người trượt dài từ đỉnh vinh quang. Thế hệ 2018 hôm nay lãnh trọng trách nặng nề hơn hẳn, khi đội bóng của HLV Park Hang Seo trở thành hạt nhân trong đề án phát triển bóng đá Việt Nam. Chúng ta không còn chỉ nhìn thấy "ao làng" với những Malaysia, Singapore, Philippines trăm năm vẫn vậy. Bóng đá Việt Nam hôm nay đã dám mơ lớn, nhìn ra biển lớn và đặt mục tiêu World Cup sau đây bảy năm.
Những giấc mơ xa xôi, nhưng người hâm mộ có quyền hy vọng, bởi lứa cầu thủ hiện tại đủ bản lĩnh, niềm tin để làm nên chuyện lớn. Asian Cup 2019 sẽ là bước đệm thuận lợi cho lứa cầu thủ với độ tuổi trung bình trẻ nhất giải, để chúng ta hướng tới những kỳ vọng hơn hơn. Và nếu coi sân chơi châu Á hôm nay là bước đệm, tất cả có thể tự hào với những gì thầy trò HLV Park Hang Seo làm được.
Trận một, ta đá cho Iraq nín thở, phải chờ tới phút cuối mới cầm chắc chiến thắng. Trận hai, ta dù gặp đội bóng số một châu Á như Iran, kẻ đã làm khổ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, vẫn bình tĩnh triển khai lối chơi và thiếu chút may mắn để có bàn thắng. Trận ba, ta đánh bại Yemen, qua đó nắm vé vào vòng 1/8 sau 12 năm chờ đợi.
Asian Cup 2019 cũng là giải đấu tầm cỡ đầu tiên, tuyển Việt Nam tham dự với tư cách nhà vua Đông Nam Á. Trên đỉnh vinh quang, ta nhìn thấy bạt ngàn núi cao, song bên kia bến bờ vinh quang là vực sâu thăm thẳm, chực chờ để nuốt chửng đội tuyển bất cứ lúc nào. 10 năm trước, bóng đá Việt Nam từng sa chân xuống vực và chờ rất lâu mới manh nha trở lại, nên hôm nay, các học trò của thầy Park cần phải thấm thía giá trị của thành công.
Rất khó để bước lên đỉnh cao, nhưng còn khó vạn lần hơn nữa nếu chúng ta muốn trụ lại và tìm đến những đỉnh cao mới.
Vinh quang hôm nay không phải để tận hưởng, mà hãy xem đó là động lực. Hôm tới, khi bước vào cuộc chiến sống còn với Jordan ở vòng 1/8 Asian Cup, các tuyển thủ hãy nhớ lời dạy của HLV Trần Minh Chiến: đá bóng bằng cảm xúc nguyên thuỷ và chiến đấu với bầu nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn.
"Trước khi quyết định điều gì, hãy nhớ về cái giây phút mà các em chơi bóng lần đầu. Hãy nhớ cái cảm giác đứng trên mảnh ruộng quê hương, đá vào quả bóng nhựa và mơ một ngày nào đó được chạy trên thảm cỏ xanh".
Và xin nhớ kỹ bài học của các tiền bối. Thất bại không phải điều gì đáng xấu hổ. Trái lại, đó là chân đế vững chắc để các cầu thủ luôn tỉnh táo, bản lĩnh và giữ cho mình ngọn lửa quyết tâm rực cháy trong tim.
Bình luận