Dưới cơn mưa nặng hạt, hơn 20 con người làm gì với quả bóng trên mặt sân sũng nước?! Trên khán đài, có người đàn ông đứng tuổi, hết ngồi lại đứng suốt buổi, vung tay chỉ đạo không khác một HLV đích thực. Còn có cả một thanh niên vào vai bình luận viên, kiêm cameraman, kiêm chỉ đạo viên rất sôi nổi…
Đấy là khung cảnh tại SVĐ Thống Nhất, khi như thường lệ, TP.HCM lại mưa như trút vào cuối buổi chiều qua (28/9). Họ có phải những người “không bình thường”, khi giờ này, ai ai cũng hối hả trở về tổ ấm của mình?!
1. Có dõi theo bước chân của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng mấy ngày qua mới thấy hết những cơ cực. Ngày 2 buổi, họ tập luyện quần quật, bất kể nắng mưa, chỉ khi nào mưa quá to mới buộc phải thu quân. Trên đường trở về đại bản doanh khách sạn Đệ Nhất, mỗi cầu thủ lại lủng lẳng một đôi bịch đá, người bó đầu gối, kẻ bó đùi, gót chân…, dáng đi khệnh khạng, nhìn như người ngoài hành tinh.
Đấy là liệu pháp làm lạnh, bên cạnh việc tắm và ngâm người trong nước ấm thường xuyên, đảm bảo cho cầu thủ kịp hồi phục, sẵn sàng cho các buổi tập liên tục sáng/chiều.
Chuyên gia thể lực người Đức, Martin Forkel, cùng đội ngũ bác sỹ người Việt phụ trách công đoạn này. Chườm đá là một trong những phương thức đơn giản, nhưng lại hiệu quả, giúp giảm đau, giảm sưng, khi các mạch máu co lại.
Cả “ê-kíp” đến chục con người BHL ĐT Việt Nam, từ chánh tướng Nguyễn Hữu Thắng đến các trợ lý giúp việc, y bác sỹ…, như những con ong thợ, ai vào việc người nấy, răm rắp và rất chuyên nghiệp. Đội ngũ giúp việc cho HLV trưởng đã, đang và vẫn âm thầm, để đảm bảo các kế hoạch của đội bóng không bị ngưng trệ. 'Thần thiêng nhờ bộ hạ', họ giữ vai trò rất quan trọng ở đội bóng.
Và, cầu thủ. Trong vài năm trở lại đây, kể từ thời Falko Goetz, đến Toshiya Miura và lúc này là Nguyễn Hữu Thắng, các cầu thủ được phục vụ tốt hơn rất nhiều. Ngoài tư trang là đôi giầy, họ gần như không phải bận tâm đến bất cứ thứ gì khác, như bơm, xách, thu gom bóng theo tổ trực…
Công việc của họ là hoàn thành các buổi tập một cách tốt nhất và sẵn sàng tâm thế bước vào các trận đấu, giải đấu.
2. Trở lại, cần phải cắt nghĩa từ “không bình thường” mà chúng ta nêu ở đầu bài viết. Ở đâu có ĐT Việt Nam, ở đó có các CĐV sát cánh, hò reo, nhảy nhót ra trò. Với những ai chưa (hoặc không) ý thức được giá trị khi nhìn vào sẽ cảm thấy vẻ như họ là những người ăn không ngồi rồi.
Nhưng, họ rất quan trọng. Có họ trên khán đài Thống Nhất, những ngày qua, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng hẳn thấy ấm áp hơn nhiều.
Không điên thì không cổ vũ bóng đá và ngược lại, đấy là thuộc tính nằm lòng của phần lớn các fan cuồng với môn thể thao vua.
Tình yêu dành cho trái bóng, cho ĐTQG là có thật, mặc dù vậy, họ cũng có công việc, gia đình, biết tự trọng, biết nhận thức đúng sai, biết rõ cái nào hợp lý và không hợp lý. ĐT Việt Nam và các cấp quản lý phải lưu tâm điều này, bởi họ là những người dễ tổn thương, mủi lòng.
Khi trái bóng (trận đấu giao hữu với ĐT CHDCND Triều Tiên trên sân Thống Nhất vào chiều 6/10 tới) còn chưa lăn, nhưng những ngày qua, mâu thuẫn đã xuất hiện giữa các Hội nhóm CĐV và BTC trận đấu, cao hơn là VFF, xung quanh việc ấn định giá vé bán.
Theo đại diện CĐV, chị Hoàng Yến, giá vé tối thiểu là 100.000 đồng quá cao, so với đời sống của phần đông CĐV và chất lượng phục vụ.
Nếu không khéo léo xử lý tình huống, BTC không những mất nguồn thu, mà ĐT Việt Nam cũng bị vạ lây, thiếu đi sự sát cánh, chống lưng của CĐV ở chặng đường chông gai trước mặt. Cái chung hay cái riêng quan trọng hơn?!
Bình luận