• Zalo

Tuyển Việt Nam dự World Cup có thể quảng bá chẳng kém ASIAD

Thể thaoThứ Hai, 26/05/2014 08:15:00 +07:00Google News

Ông Phạm Văn Tuấn là người đi lên từ bóng đá, từng làm Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ trước nên có cái nhìn về bóng đá Việt Nam khá sắc sảo.

Ông Phạm Văn Tuấn là người đi lên từ bóng đá, từng làm Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ trước nên có cái nhìn về bóng đá Việt Nam khá sắc sảo.


PV - Ông đón nhận sự thất bại của ĐT nữ Việt Nam trước Thái Lan với tâm trạng nào?

Ông Phạm Văn Tuấn: Buồn lắm, tiếc lắm, đấy là tâm trạng chung của người hâm mộ Việt Nam. Nếu chúng ta đoạt vé đi dự World Cup, tôi nghĩ hình ảnh đất nước sẽ được quảng bá chẳng kém gì đăng cai Asiad, mà chẳng tốn kém hàng tỉ đô la.

Bóng đá nữ Trung Quốc là bài học, hình ảnh Trung Quốc và trình độ bóng đá nữ  của họ khác hẳn sau khi có ĐT nữ dự World Cup. Tôi nghĩ khả năng chớp cơ hội, thời cơ nghìn năm có một vấn là vấn đề muôn thuở của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã quá nhiều lần để vuột cơ hội lớn tạo cảm hứng cho nền bóng đá thoát ra khỏi khó khăn.

- Ông có thể nói rõ ý của mình?

Ông Phạm Văn Tuấn: Rõ ràng, chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt. Chiến thắng mới chỉ dựa vào 2 yếu tố cơ bản: tiền thưởng cộng tinh thần cầu thủ tốt cộng với sự lạc quan đám đông! Lẽ ra, chúng ta phải tập trung được sự tư vấn, tương tác, hiến kế của nhiều thành phần trong xã hội, làm sao để đoạt được vé đi dự World Cup với cơ sở cụ thể.

Nhưng tôi nghĩ việc bóng đá nữ thua cũng là kết cục hợp lý thôi. Về lối chơi, chúng ta vẫn thua từ trong ra ngoài, chơi phòng ngự 3-5-2 thậm chí có lúc 5-3-2, thiếu tự tin. Lực lượng của chúng ta đã già nua, toàn những gương mặt cũ. Trong số đó ai cũng biết quá nhiều em vất vả trường kỳ.

Bóng đá nữ lâu nay chưa được coi trọng đầu tư. Giải VĐQG chỉ 6 đội, năm nào thi đấu cũng xảy ra vấn đề này nọ. Lực lượng kế cận mỏng, chỉ tập trung vài ba địa phương có phong trào bóng đá nữ tạm được. Tóm lại, nền tảng bóng đá nữ của chúng ta rất mong manh.

 Ông Phạm Văn Tuấn (phải) (Ảnh: Quang Minh)

- Việc chọn trợ lý cho tân HLV trưởng người Nhật Bản cũng đang nóng lên. Quan điểm của ông thế nào về quy trình và các tiêu chí chọn trợ lý HLV trưởng ĐTQG?

Ông Phạm Văn Tuấn: Chúng ta biết một điều, lâu nay khâu chọn trợ lý cho các HLV trưởng ĐTQG vẫn chưa coi trọng đến tiêu chí hàng đầu là trình độ, uy tín chuyên môn và khả năng quản lý của anh ta. Thay vào đó vẫn là mang tính thân sơ, dây rợ.

Thậm chí như việc chọn anh Hoàng Văn Phúc trước đây chúng tôi nghe dư luận, và cả giới chuyên môn phàn nàn rất nhiều, lo lắng rất nhiều, tôi cũng quý anh Phúc về nhiệt tình nhưng thú thực về chuyên môn và kinh nghiệm nắm ĐTQG của anh Phúc vẫn còn mỏng.

Tổng cục vẫn ưu tiên các HLV được nhiều người chấp nhận như Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn lúc đó. Nhưng họp Thường trực VFF chỉ mình tiếng nói của tôi chưa đủ. Và kết quả dư luận đã đúng hay sai về trường hợp anh Hoàng Văn Phúc mọi người đều biết.

Bóng đá Việt Nam cần lắng nghe ý kiến của dư luận, nhiều lúc tôi nghĩ tiếng nói dư luận quan trọng lắm, họ có trăm tay ngàn mắt, nhưng khổ nỗi dư luận không thể quyết.

- Rút lui khỏi cuộc chạy đua nhiệm kỳ VII, ông đánh giá thế nào về thế hệ lãnh đạo VFF bây giờ? Ông có nhận xét gì về quy trình chọn trợ lý HLV trưởng ĐTQG hiện nay?

Ông Phạm Văn Tuấn: Nhìn chung là tốt. Bộ phận kêu gọi tài chính có anh Lê Hùng Dũng là tốt, phụ trách chuyên môn có anh Trần Quốc Tuấn sức trẻ. Tuy nhiên, việc chuyên môn và việc kêu gọi tài chính cần chuyên biệt, cả 2 lĩnh vực cần phải tạo ra cơ chế để tỏa sáng đừng để tài chính chi phối chuyên môn và ngược lại.

Nhưng tôi nghĩ vấn đề chuyên môn mới là nghiêm trọng, ngày xưa anh Trần Quốc Tuấn còn làm Tổng thư ký VFF còn có thể nói do nhiều việc mất tạo trung về chuyên môn, nhưng giờ đây anh phụ trách chuyên môn thì cần tập trung hơn, cần tạo ra dấu ấn rõ ràng hơn của anh ấy để tạo niềm tin với mọi người, trước mắt  là những người đã tin tưởng, hỗ trợ vun đắp cho sự nghiệp của anh Tuấn trước đây và cũng là bạn của bố anh ấy như anh Vũ Hạng, Lê Thế Thọ…

Trước hết, về chuyên môn, anh Tuấn phải  có những tham mưu, quyết sách chuẩn xác trong việc sử dụng con người, để chọn ra được những người tài đích thực cần thiết cho ĐTQG cũng như cho bóng đá Việt Nam. Việc các tên tuổi như anh Hoàng Gia, Tuấn Long, Như Thuần, Triệu Quang Hà được tiến cử tôi không bàn luận, nhưng rõ ràng bóng đá Việt Nam còn có rất nhiều gương mặt có thể làm trợ lý giỏi, hữu ích cho HLV trưởng.

Tôi nghĩ đến lúc cần 2 tiêu chí cho việc chọn trợ lý: trình độ chuyên môn được giới chuyên môn ghi nhận; và cũng nên có tính vùng miền Bắc-Trung-Nam, bởi ĐT tập trung cả nước, việc kết nối cho cầu thủ 3 miền thành khối thống nhất không phải đơn giản. Trợ lý không thể mãi là người nhợt nhạt về cá tính lẫn trình độ chuyên môn.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất thẳng thắn, tâm huyết và chân tình.


Theo TT&VH
Bình luận
vtcnews.vn