Những khoảnh khắc chạm đến trái tim
Xuyên suốt sự nghiệp cầu thủ và huấn luyện viên, Nguyễn Hữu Thắng luôn nhấn mạnh "bóng đá là của những người đàn ông". Có thể xem đây là tôn chỉ hành nghề của nhà cầm quân xứ Nghệ.
Những học trò, đàn em Hữu Thắng từ Huy Hoàng, Trọng Hoàng đến Quế Ngọc Hải, Hoàng Thịnh đều thấm nhuần tư tưởng dùng sức mạnh tinh thần bù đắp khiếm khuyết chuyên môn. Đội tuyển Việt Nam dự AFF Suzuki Cup 2016 cũng xây dựng dựa trên tiêu chí ấy: người được chọn có thể không hay nhất về chuyên môn, nhưng có ý chí mạnh mẽ nhất.
Nhìn lại quá trình tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2016, có quá nhiều câu chuyện đáng biểu dương về tinh thần thi đấu. Hai ngày trước trận giao hữu với Indonesia ở Mỹ Đình, ông nội tiền vệ Thành Lương mất. Anh xin về chịu tang ông đúng một ngày (chiều hôm trước vắt qua sáng hôm sau) rồi trở lại tập, thậm chí còn ra sân trong trận đấu ngày hôm sau.
Kết thúc vòng bảng, đội tuyển trở về TP.HCM. Biết Văn Quyết nhớ con, đồng đội hỏi sao không thu xếp cho vợ con bay từ Hà Nội vào chơi vài ngày? Văn Quyết trả lời: "Về có 1-2 ngày, em không muốn vợ con vất vả. Hơn nữa, em muốn tập trung toàn bộ cho trận đấu".
Sau trận lượt đi trên đất Indonesia, nơi Quyết ghi một bàn từ chấm penalty, anh lặng lẽ đăng một tấm ảnh "chúc mừng sinh nhật" con trai Văn Sơn trên facebook. Lúc đó, bạn bè mới biết, số 10 đã dự sinh nhật tròn 1 tuổi con trai qua facetime.
Rồi câu chuyện thủ môn Nguyên Mạnh không thể có mặt lúc vợ lâm bồn sinh con gái vì bận tập trung. Hay mới đây, Vũ Minh Tuấn vắng mặt trong trận lượt đi với Indonesia vì cha mất.
Ngày trở lại, tiền vệ của Than Quang Ninh - sau khi ghi bàn nâng tỉ số lên 2-1 kéo đội tuyển từ cõi chết trở về - đã tạo nên một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của thể thao Việt Nam năm 2016 bằng cử chỉ chắp tay, mắt rưng rưng hướng lên trời gửi bàn thắng quí giá ấy cho người cha đã khuất. Chính những câu chuyện xúc động ấy là thứ chạm đến trái tim người hâm mộ!
Clip: Thẻ đỏ đáng tiếc của Nguyên Mạnh
Thể thao cần kết quả
Hôm qua, huấn luyện viên Hữu Thắng đã khóc. Không chỉ mình anh mà còn rất nhiều cầu thủ khác. Trong phòng họp báo, Hữu Thắng gọi đó là những giọt nước mắt đàn ông, của những nỗ lực tột cùng nhưng không đi đến được kết quả như mong muốn.
"Những giọt nước mắt hạnh phúc" ấy đáng được thông cảm và chia sẻ bởi nó giống như 120 phút đầy xúc cảm, chạm đến trái tim hàng chục triệu người hâm mộ Việt Nam đêm qua.
Nhưng thể thao thành tích cao cần kết quả ! Không biết đây là lần thứ bao nhiêu chúng ta kỳ vọng, rồi lại vỡ vụn niềm tin. HLV Hữu Thắng chọn xây dựng đội tuyển bằng tinh thần chiến binh thép mà quên mất rằng, kim loại cứng rắn đến đâu cũng có lúc vỡ nát. Thứ không thể vỡ, không phải cứng rắn như sắt thép, mà uyển chuyển mềm mại như nước kia.
Đến đây, người viết nhớ lại những liệu pháp tâm lý rất hay mà các đời huấn luyện viên trước đã làm, như chuyện anh Hoàng Anh Tuấn cho các cầu thủ U19 Việt Nam xem đoạn clip đồng bào lũ lụt: "Đồng bào ta còn đối diện chuyện sống chết, đối thủ của các con có đáng để chúng ta phải sợ không!?"; hay là cờ tổ quốc và những câu chuyện về Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt mà thầy Calisto kể cho các học trò.
Bóng đá cần chuyên môn chứ không chỉ tinh thần. Người hâm mộ có quyền đặt câu hỏi tại sao huấn luyện viên Hữu Thắng sử dụng Đình Đồng trọn vẹn cả 2 trận bán kết trong khi đây là mắt xích yếu nhất; hay ngoài Hoàng Thịnh ra đội tuyển không còn ai đá được tiền vệ trụ, trong khi về lý thuyết mỗi vị trí cần ít nhất 2 cầu thủ đảm đương.
Về khả năng đọc tình huống và đưa ra quyết định thay người, nhà cầm quân xứ Nghệ cũng kém nhạy bén hơn hẳn ông thầy cũ Alfred Riedl đã ở tuổi 67.
Một đồng nghiệp của tôi viết trên facebook rằng, anh nể phục Hữu Thắng vì anh ấy đã tạo ra một đội tuyển mạnh mẽ, bản sắc, rắn rỏi, có cá tính đúng như con người anh Thắng; khác hẳn những đội bóng nhợt nhạt thiếu sinh khí của hai huấn luyện viên nội tiền nhiệm trước đây.
Nhưng, bóng đá không chỉ cần tinh thần ...
Bình luận