Ths.BS Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngày 8/5 khoa tiếp nhận cùng lúc 5 em nhỏ, tuổi từ 3 – 11 tuổi (Thôn Cây Táu, xã Đồng Quý huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) được gia đình đưa tới khoa nhi trong tình trạng ngộ độc, nôn nhiều sau ăn hạt thầu dầu.
Người nhà các bệnh nhi cho biết, 5 trẻ đi chơi với nhau, thấy cây có quả đã hái một chùm và chia nhau ăn. Nhận thấy các bé có biểu hiện giống nhau như đau bụng, nôn, buồn nôn, gia đình đã hỏi và tìm ra quả lạ mà các bé hái ăn là quả thầu dầu nên đã đưa nhóm trẻ đến Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Dương để cấp cứu, sau đó, các bé tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Theo BS Giang, xác định các trẻ ngộ độc quả thầu dầu, các bác sĩ đã cho bệnh nhi uống than hoạt, truyền dịch, bù điện giải, đảm bảo hô hấp và tuần hoàn, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Sau 3 tiếng cấp cứu, điều trị tích cực, cả 5 bệnh nhi đều được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục được điều trị.
Đây là ca ngộ độc tập thể quả lạ thứ 3 trong thời gian gần đây. Trước đó, tháng 4/2017 tại Nghệ An, Hà Tĩnh xảy ra tình trạng hàng chục học sinh đau bụng, nôn mửa sau ăn quả ngô đồng.
BS Giang cho biết, độc tố có ở toàn thân cây ngô đồng, tuy nhiên bộ phận chứa chất độc nhiều nhất là hạt. Độc chất là ricin trong hạt thầu dầu rất độc, chỉ cần nhai một hạt thầu dầu đã bị nôn mửa, trẻ em ăn 3 - 4 hạt có thể tử vong bởi độc chất này gây ức chế tổng hợp protein của ruột, từ đó làm tổn thương niêm mạc ruột.
Sau ăn hạt thầu dầu, người bệnh thường có các triệu chứng đau bụng, nôn nhiều, trường hợp nặng có nôn ra máu; tiêu chảy phân lỏng, nhiều lần; có các dấu hiệu mất nước; rối loạn tri giác, liệt dây thần kinh sọ não; gan to, vàng da, suy gan; tiểu ít, suy thận; tụt huyết áp... nặng nhất là tử vong.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng đưa ra cảnh báo về các loại cây, hoa, quả có độc tố nguy hiểm. Một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải được Cục An toàn thực phẩm cảnh báo gồm:
Cây lá ngón (Gelsemium elegans); cây cà độc dược (Datura alba Lour)… có chứa alcaloid độc.
Cây Trúc đào (Nerium oleander L.); cây Thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.); cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.); Bông tai (Asclepias curassavica L.)… có chứa Glycosid tim
Cây thầu dầu (Ricinus communis L.); cây Ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa Protein độc (Toxalbumin ).
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trẻ em không ăn bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống, tuyệt đối không ăn các loại quả lạ để phòng nguy cơ ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng.
Video: Bình Dương - Ngộ độc tập thể phải cấp cứu sau khi ăn mỳ tôm
Bình luận