Tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương và Chính sách An ninh Mạng Quốc tế thuộc Thượng viện Mỹ ngày 16/10 có phiên điều trần về chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và việc thực hiện Đạo luật Sáng kiến tái bảo đảm châu Á năm 2018. Nội dung phiên điều trần bao gồm các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như chính sách của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell tham gia phiên điều trần. Ông Stilwell cho biết, theo Đạo luật Sáng kiến tái bảo đảm châu Á, những nguyên lý cốt lõi của hệ thống quốc tế mà Mỹ ủng hộ đang bị thách thức bởi các hoạt động xây dựng và quân sự hóa trái phép các thực thể nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc.
Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa không chỉ đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này, các nước Đông Nam Á nói chung, mà tất cả các nước có giao thương, cũng như các quốc gia đánh giá cao tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Theo ông Stilwell, cách thức Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng giống như tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao nước này tại Diễn đàn khu vực ASEAN 2010 rằng “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ và đó là điều hiển nhiên”. Khái niệm này cho rằng nước lớn sẽ làm điều mình muốn còn các nước nhỏ sẽ phải chịu đựng. Đây là một mối đe dọa đối với chủ quyền, hòa bình, danh dự, và thịnh vượng của khu vực đa năng nhất trên thế giới.
Ông Stilwell nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên cái gọi là đường 9 đoạn là trái pháp luật và bất hợp lý. Các tuyên bố chủ quyền này, mặc dù không có cơ sở pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, đã gây ra nhiều tổn thất thực sự cho các nước khác. Thông qua các hành động gây hấn liên tiếp nhằm tuyên bố chủ quyền với đường 9 đoạn, Bắc Kinh đang ngăn cản các nước thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo trị giá 2.500 tỷ USD đồng thời gia tăng bất ổn và rủi ro xung đột.
Ông Stilwell cho biết Mỹ tiếp tục hoài nghi về sự chân thành của Trung Quốc trong việc đàm phán một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có ý nghĩa nhằm củng cố luật pháp quốc tế. Trong khi tuyên bố rằng họ cam kết đối với ngoại giao hòa bình, thực tế cho thấy lãnh đạo Trung Quốc – thông qua hải quân thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), các cơ quan thực thi pháp luật và dân quân biển – tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác. Việc liên tiếp quấy rối các tài sản của Việt Nam xung quanh Bãi Tư Chính là một ví dụ điển hình.
Nếu bộ Quy tắc ứng xử được Trung Quốc sử dụng nhằm hợp pháp hóa hành vi sai trái và các tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp của mình, và để tránh các cam kết mà Bắc Kinh đã tham gia theo luật pháp quốc tế, bộ Quy tắc ứng xử này sẽ có hại cho khu vực và mọi quốc gia đánh giá cao tự do trên biển.
Đạo luật Sáng kiến tái bảo đảm châu Á của Mỹ nhấn mạnh, chính sách của Mỹ là đảm bảo tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác. Mỹ hợp tác với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong huấn luyện trên biển và các chiến dịch chung nhằm duy trì tiếp cận mở và tự do và Mỹ cũng hoan nghênh những điều mới mang tính lịch sử trong vấn đề này.
Theo ông Stilwell, Mỹ đã tham gia các cuộc tuần tra chung giữa hải quân Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines trong khu vực Biển Đông hồi tháng 05/2019. Mỹ đã tổ chức cuộc diễn tập trên biển Mỹ-ASEAN đầu tiên tháng 09/2019 trên cơ sở mở rộng Sáng kiến thực thi luật hàng hải Đông Nam Á (SEAMLEI) năm 2018.
Cùng với các hoạt động thường nhật của tàu và máy bay Mỹ ở khu vực, trong năm 2019 Mỹ đã tiến hành Chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông nhiều hơn bất cứ năm nào trong vòng 25 năm qua để chứng tỏ rằng máy bay và tàu thuyền của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép.
Bình luận