• Zalo

Tướng Nguyễn Đức Nhanh kể chuyện đời, chuyện nghề

Thời sựThứ Hai, 24/09/2012 08:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội đã dành cho VTC News cuộc trò chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, gia đình...

(VTC News) – Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội kể một trong những điều quan trọng giúp ông hoàn thành nhiệm vụ là sự ủng hộ của nhân dân Thủ đô.

Sau nhiều lần hẹn, “vì nể và quý trọng báo chí”, như ông nói, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cũng đồng ý dành cho chúng tôi một cuộc gặp gỡ ấm cúng trong cái tiết trời se lạnh của mùa thu Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh trong cuộc gặp gỡ với PV VTC News. 
Ông không uống café mà gọi một ấm trà nhâm nhi trò chuyện tâm tình với nhóm phóng viên VTC News trong số hàng trăm nhà báo thường xuyên gọi điện “làm phiền” nhưng đều được ông vui vẻ trả lời bất kể thời gian nào.

Từng được giao trọng trách lãnh đạo lực lượng công an bảo vệ sự bình yên của Thủ đô, nhưng ông lại là vị tướng gần gũi với người dân, rất đời thường, bình dị.

Đã có quyết định chờ nghỉ hưu, nhưng chiếc điện thoại của ông không ngừng đổ chuông. Cuộc trò chuyện với chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại của người dân, cán bộ chiến sỹ công an yêu mến ông.

Một trong những đức tính khiến ông được người dân, cán bộ chiến sỹ dưới quyền yêu mến là trả lời mọi cuộc điện thoại. Bất kể ai, từ người dân, phóng viên, cán bộ… gọi điện thoại đều được ông trả lời. Nếu bận họp không thể nghe máy, chắc chắn ông sẽ gọi lại số gọi đến cho ông.

Ông tâm sự: "Mình rất ý thức việc nghe điện thoại bởi đó là nguồn thông tin vô cùng quý giá, giúp ích rất nhiều cho công tác điều hành. Chiếc điện thoại cũng là chiếc cầu nối giữa Giám đốc công an và người dân, giúp người dân hiểu đúng hơn, tin tưởng hơn vào ngành."

Trong số những cuộc gọi đến cho ông, người dân quan tâm nhất đến vấn đề gì?


Các cuộc gọi đến chủ yếu là của người dân Hà Nội, nhưng cũng có rất  nhiều cuộc điện thoại của người ở tỉnh khác, thậm chí nhiều người từ TP.HCM cũng gọi cho tôi.

Chủ yếu thì người dân gọi cho tôi thông báo tình hình an ninh trật tự, nơi này đang có vụ đánh chém nhau, nơi kia có tội phạm sử dụng súng, cướp giật, cờ bạc, tai nạn giao thông…

Có người gọi để xin xỏ do vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, đua xe… Lúc đó, tôi giải thích rằng nếu các bác không có lỗi thì nói trực tiếp với người làm nhiệm vụ ở đó. Nếu có lỗi thì nên nộp phạt để thể hiện sự nghiêm minh, nghiêm túc của pháp luật chứ tôi không thể can thiệp.


Nghe Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh trả lời phỏng vấn.

Có những người gọi góp ý về thái độ, tác phong của cán bộ chiến sỹ ở đơn vị này, đơn vị nọ; phản ánh tiêu cực của cán bộ cơ sở, thiếu tôn trọng nhân dân ở phường nọ, phường kia…

Thế rồi có những cuộc gọi đến hỏi con cái họ bị nghiện thì họ phải làm sao, rồi khởi tố vụ án đối với thân nhân của họ có đúng luật…

 

Có người gọi để xin xỏ do vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, đua xe… Lúc đó, tôi giải thích rằng nếu các bác không có lỗi thì nói trực tiếp với người làm nhiệm vụ ở đó. Nếu có lỗi thì nên nộp phạt để thể hiện sự nghiêm minh, nghiêm túc của pháp luật chứ tôi không thể can thiệp.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh
 
Những cuộc điện thoại này, nếu trả lời tất cả thì rất vất vả, nhưng nếu trả lời được thì ít nhiều cũng làm người dân thêm an tâm. Ví dụ mình không thể trả lời ngay rằng vụ án khởi tố có đúng luật hay không, cũng không thể giúp con cái họ hết nghiện ngay được.

Nhưng tôi cũng tư vấn rằng việc khởi tố có nhiều cơ quan chức năng, trong đó ngành công an chỉ là một mắt xích, rồi tư vấn cho con cái họ nên đến trung tâm cai nghiện… Việc giao tiếp này giúp nâng cao uy tín cho toàn ngành, còn cá nhân mình thì được dân yêu quý hơn.

Thế còn các nhà báo, những người thường “làm phiền” ông nhiều nhất, thưa Trung tướng?

Tôi rất quan tâm, thân tình và gần gũi với anh em báo chí. Có lúc đang họp nhưng anh em báo chí gọi điện thông báo chỗ này chỗ nọ xảy ra vụ việc. Ví dụ như năm 2010, xảy ra vụ nổ pháo hoa ở Mỹ Đình, tôi cũng nhận được thông tin từ anh em báo chí trong khi anh em phường, quận chưa nắm được.

Những thông tin của báo chí rất quý, giúp phát hiện ra tội phạm, giúp tôi có cái nhìn đa chiều hơn về một vấn đề, làm cho mình khách quan hơn khi ra quyết định. Cho nên tôi phải cởi mở và là “địa chỉ tin cậy” để anh em nhà báo tìm tới.

Những thông tin nhận được từ báo chí gồm tin an ninh trật tự, rất kịp thời và nhanh nhạy, đa phần đúng, thậm chí còn nhanh hơn cả trinh sát. Những thông tin này sau đó đều được sàng lọc và xử lý rất tốt.

Thứ hai là những thông tin về ngành, vì các phóng viên đi sâu sát vào các đơn vị, phản ánh trung thực cái gì làm tốt và chưa tốt, giúp cho việc xử lý, điều hành công việc của ngành tốt hơn.

Vì vậy, nếu những cuộc điện thoại nào chưa thể nghe hoặc gọi nhỡ tôi thường gọi điện lại. Việc này vừa thể hiện sự tôn trọng đối với người khác vừa biết được thông tin. Vất vả chút nhưng rất hữu ích.

Thành công của lực lượng 141 không tách rời vai trò chỉ đạo của
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khi ông còn là lãnh đạo.

Là người đứng đầu công an thành phố, quyết định triển khai nhiều công việc quan trọng bảo vệ bình yên cho thủ đô, chắc hẳn là Trung tướng còn có những trăn trở?

Tôi nghỉ hưu thấy tâm trạng mình rất phấn khởi, vui vẻ. Quá trình 43 năm phấn đấu đã hoàn thành, được Đảng, Nhà nước phong đến quân hàm Trung tướng, làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2 của Bộ Công an kiêm Giám đốc CATP Hà Nội, tham gia Đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy viên ủy ban nhân dân thành phố, thường vụ Thành ủy…

Tôi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 7 Huân chương (lao động, quân công, các huân chương chiến công). Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1969 – 1975 và nhận được Huy chương… cùng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

Cũng phải nói rằng cái được lớn nhất của CA Hà Nội là được người dân thủ đô yêu quý, tin cậy, báo chí đánh giá cao. Đây là điều quan trọng hơn cả những phần thưởng khác.

Cái được nữa là mình nghỉ để thế hệ sau có điều kiện phát triển, cống hiến cho xã hội. Mình cứ ngồi đó anh em mất đi cơ hội phấn đấu, cống hiến.

Sau 43 năm công tác và cống hiến cho ngành công an, được Đảng, Nhà nước, ngành, Thành phố cho nghỉ chế độ, tôi thấy phấn khởi. 43 năm công tác bận rộn và thật sự vất vả và bây giờ là lúc tôi được nghỉ ngơi để chăm sóc sức khỏe; lo cho gia đình vợ con, con cháu, người thân; tập thể dục thể thao; đi thăm hỏi bạn bè, người ốm, nhất là đám cưới, đám giỗ, ngày truyền thống của các gia đình, bạn bè, trong dòng họ...

Đón đọc kỳ sau: Tướng Nguyễn Đức Nhanh nói gì về đội ngũ kế cận?

Hải Hà - Nguyễn Dũng (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn