Ngày 13/8, chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Tân Chính, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) cho biết, cách đây 3 ngày, gia đình chị mổ một con lợn để bán.
Khi mổ ra thì phát hiện trong dạ dày con lợn có một vật cứng màu đen, hình bầu dục, xung quanh có rất nhiều lông.
Cả gia đình chị đều tỏ ra rất ngạc nhiên, vì dù đã hành nghề mổ lợn suốt 20 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên chị Tuyết thấy một vật thể lạ như vậy.
Tưởng con lợn ăn phải quả mít nên không thể tiêu hóa được, gia đình chị đem rửa sạch rồi vứt ngoài sân suốt 2 ngày.
Tuy nhiên, khi chị Tuyết đi kể với hàng xóm thì được biết đó có thể là cát lợn quý hiếm, có tác dụng chữa nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Sau đó, chị vội mang vật thể tưởng là quả mít vào nhà thì ngửi thấy mùi thơm như mùi thuốc bắc, cân lên có khối lượng lên đến 600g.
Được biết, hiện tại đã có một số người tìm đến nhà chị Tuyết hỏi mua vật thể nghi là "cát lợn" này với giá cao.
Video: Cát lợn trị giá 3 tỷ ở Nghệ An thực chất là gì?
Theo các nhà nghiên cứu, "cát lợn" (hay còn gọi là trư sa, trư bảo) là một loại kết tụ vật chất trong hệ tiêu hóa của con lợn như trong dạ dày, ruột, mật. Do sự kết tụ lâu ngày trong những điều kiện bất lợi nên loại vật chất này giống như một loại ngọc quý.
"Cát lợn" được tạo thành nếu thời gian đủ dài sẽ có mùi thơm thảo mộc nhẹ nhàng.
Những con lợn có "trư sa" thường ít lông, ăn ít, thân nhiệt cao, thân mình gầy gò, hai mắt có lúc đỏ, liên tục kêu réo suốt ngày đêm, rất ít ngủ.
Theo dân gian Trung Quốc, "cát lợn" là dược liệu cực kỳ quý hiếm, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, an thần, trị mất ngủ, hôn mê, động kinh... Tuy nhiên, trong y học hiện đại vẫn chưa có nhận định nào về công dụng của "cát lợn".
Bình luận