• Zalo

Tương lai nào cho quan hệ Nga-Mỹ sau Hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin?

Thế giớiChủ Nhật, 15/07/2018 14:49:00 +07:00Google News

Ngày 16/7 tại thủ đô Phần Lan Helsinki lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh song phương Trump-Putin được tổ chức, ngoài nhận định về những vấn đề quốc tế quan trọng hai bên sẽ thảo luận, các chuyên gia không kỳ vọng có sự đột phá nào cho quan hệ Nga-Mỹ sau hội đàm này.

Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là điểm cuối cùng trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ.

Chuyến công du châu Âu dài nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 1/2017, bắt đầu với cuộc họp cùng các nhà lãnh đạo NATO tại Brussels, Bỉ, tiếp đến là chuyến thăm Vương quốc Anh. Ngày 15/7 ông Trump sẽ dành thời gian ở câu lạc bộ golf của mình ở Scotland và sau đó sẽ bay tới thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Trong khi ở Bỉ và Anh, Tổng thống Trump đã liên tiếp đưa ra các bình luận về cuộc hội đàm sắp tới với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trên truyền thông.

755315666463334

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ  Donald Trump tại Đức 7/2017. (Ảnh: Reuters) 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg, mô tả mối quan hệ với người đồng cấp Nga Putin, ông Trump nói: “Putin là bạn của tôi? Không, tôi không biết về ông ấy đủ nhiều. Tôi hy vọng một ngày nào đó ông ấy có thể trở thành một người bạn. Ông ấy là một đối thủ của tôi, không phải kẻ thù”.

Trong chuyến thăm tại Vương quốc Anh ngày 14/7 ông Trump cũng phát biểu rằng, ông hy vọng Mỹ-Nga sẽ làm tất cả để giảm thiểu căng thẳng và khẳng định hiện trạng quan hệ giữa hai nước như hiện nay là do sự phản đối từ giới tinh hoa Mỹ, theo RT.

Những vấn đề dự kiến được hai bên ưu tiên thảo luận 

Theo các chuyên gia, tại cuộc hội đàm lần này hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ thảo luận về tình hình tại Syria, Ukraine, các chủ đề về hiệp ước giải trừ vũ khí song phương và vấn đề Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Tổng thống Trump cũng từng nói: “Chúng tôi muốn bàn về Syria, Ukraine và các vấn đề quan trọng khác. Tôi rất hứng thú về những gì ông Putin sẽ nói”.

Trong khi đó, trợ lý của Tổng thống Nga Yuri Ushakov phát biểu: “Chúng tôi sẵn sàng xem xét tất cả các vấn đề quan trọng của chương trình song phương và quốc tế”.

Chủ đề trung tâm của hội nghị thượng đỉnh, theo ông Ushakov sẽ là trạng thái hiện tại và triển vọng cho sự phát triển của các mối quan hệ Nga-Mỹ trong khủng hoảng.

Theo quan điểm của chuyên gia cao cấp, phó chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Observer của Ấn Độ, Nandan Unnikrishnan, hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ nên thảo luận về các vấn đề quan trọng của thế giới một cách tổng thể, trước khi đi vào cụ thể từng vấn đề, cần trung thực nhìn nhận bản chất của vấn đề, tập trung vào những nơi có thể cùng nhau giải quyết, thay vì kiềm chế nhau để đưa ra những bản tuyên bố rỗng tuếch, Rbc dẫn lời. 

Cũng theo ông Unnikrishnan, 6 chủ đề sẽ được hội đàm song phương Trump-Putin ưu tiên thảo luận, đó là: Ukraine, NATO, Syria, an ninh mạng, Iran và Afghanistan.

“Chủ đề quan trọng nhất sẽ được ưu tiên thảo luận đó là sự ổn định chiến lược và hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân (không loại trừ vấn đề phi hạt nhân hoá Triều Tiên), sự phát triển quan hệ Nga-Mỹ dựa trên một cơ sở ổn định hơn”, theo giáo sư về chính sách của Nga và châu Âu tại Đại học Kent, Anh quốc, Richard Sakwa.

755315204539562

 Theo tổng hợp của Rbc.ru, Nga là quốc gia được ông Trump "gọi tên" nhiều nhất trên Twitter kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ với 261 lần, thứ 2 là Triều Tiên với 125 lần, Trung Quốc đứng thứ 3 với 94 lần. (Ảnh: Rbc.ru) 

Ít kỳ vọng về một kết quả đột phá

Ở Nga, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ các trang truyền thông và các nhà bình luận tỏ ra e dè khi đánh giá về một kết quả đột phá của hội nghị lần này, phần lớn cho rằng đó là vì tính cách của Tổng thống Donald Trump.

Tờ Rbc nhận xét: “Rất khó để có thể đưa ra điều gì khả quan về kết quả hội nghị Trump-Putin, ông Trump nổi tiếng là một người bốc đồng, hiếm khi xem xét hồ sơ một cách đầy đủ, điều này có thể làm ảnh hưởng tới hiệu quả cuộc hội đàm”.

“Căn cứ vào cường độ của những mâu thuẫn trong quan hệ Nga-Mỹ trong những năm gần đây, cuộc đối thoại song phương đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin được diễn ra đã là một thành tựu”, cựu đại sứ Pháp tại Nga, giám đốc trung tâm phân tích, nghiên cứu chiến lược của Pháp IRIS, Jean de Gliniasty chia sẻ ý kiến.

Theo ông Gliniasty, ngay lập tức để Nga và Mỹ hoá giải các mâu thuẫn và cùng giải quyết các vấn đề cụ thể hầu như là không thể, bởi rào cản lớn nhất giữa hai bên là cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ vẫn còn. Hơn ai hết, ông Trump cần hết sức cẩn trọng trong quan hệ với Matxcơva bởi cuộc bầu cử nghị viện giữa nhiệm kỳ vào mùa thu đang tới gần. 

Những cáo buộc này sẽ là bóng đen che phủ quan hệ Mỹ-Nga chừng nào ông Trump còn đương nhiệm, ông Gliniasty dẫn chứng trong khi ở châu Âu ông Trump phát biểu về các kỳ vọng trong cuộc gặp với ông Putin, ngày 13/7, Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục đưa ra các cáo buộc mới chống lại 12 công dân Nga – những người bị cáo buộc làm việc cho tình báo Nga và can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. 

Hơn nữa, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Thượng viện Mỹ sẽ ủng hộ bất cứ tuyên bố chung nào có thể đạt được giữa Trump và Putin, khi mà mới đây vừa trở về từ chuyến công du tới Matxcơva, một thượng nghị sỹ Mỹ đưa ra so sánh chính quyền Tổng thống Putin với Mafia.

“Lý tưởng nhất, chúng tôi muốn đạt được một thoả thuận về việc nối lại các kênh trên tất cả các vấn đề phức tạp”, Ngoại trưởng Nga Lavrov trả lời phỏng vấn RT.

Video: Ông Trump nói: "Ông Putin là đối thủ không phải kẻ thù của tôi"

Tương lai quan hệ Nga-Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh

“Có lẽ chúng ta đang chú trọng quá nhiều đến Hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin mà quên đi một thực tế rằng, hội nghị lần này sẽ ít có ảnh hưởng đến quan hệ song phương Matxcơva – Washington, bởi sự mất lòng tin sâu sắc và căng thẳng vốn là đặc trưng đối thoại giữa hai bên kéo dài hàng thập niên. Sự ngờ vực không thể biến mất chỉ với một cuộc đối thoại trực tiếp duy nhất. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên, nếu ông Trump đồng ý  ký vào một thoả thuận với ông Putin, mà sau đó chính ông ấy cũng không thể thực hiện”, nhà nghiên cứu thuộc trung tâm phân tích Chatham House ở London, Mathieu Buleg cảnh báo.

Theo ông Buleg, kết quả khả quan nhất mà hội nghị có thể đạt được đó là  một thoả thuận gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước về Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-III), sẽ hết hạn vào năm 2021. 

Chuyên gia người Anh nhận định thêm, rằng việc đi đến Hội nghị thượng đỉnh Helsinki đối với nhà lãnh đạo Nga là một “chiến thắng trong mắt đồng minh của Mỹ, đặc biệt là với Anh”. Khoan hãy nói về những kết quả nào sẽ đạt được, cho dù không một thoả thuận nào được ký kết, và kịch bản tồi nhất là hai nước tiếp tục đối đầu, thì việc ông Putin hội đàm riêng với ông Trump ở thời điểm này vẫn là một đòn giáng vào quan hệ của Mỹ với các đồng minh.

Ông Trump liên tục chỉ trích các đồng minh NATO về thiếu thiện chí gia tăng ngân sách quốc phòng, áp đặt gói thuế quan với các đồng minh và đối tác truyền thống trong EU, trong khi kêu gọi tái kết nạp Nga vào G-7 và không tiếc lời khen ngợi kỳ World Cup thành công của nước Nga.

Tuy nhiên việc Mỹ dồn dập tập trận với Ukraine ngay sát biên giới Nga hay tuyên bố ủng hộ Ukraine và Gruzia gia nhập NATO là một dấu hiệu cho thấy những tham vọng của ông Trump trên bàn đàm phán, có thể ông Trump đang muốn nắm nhiều lợi thế hơn một chút trước khi tới Helsinki, chuyên gia Buleg nhận định.

Dương Hà
Bình luận
vtcnews.vn