Tham gia buổi trò chuyện thân mật của chúng tôi có 3 em sinh viên đại diện cho lứa học sinh khóa đầu tốt nghiệp với tấm bằng Giỏi tại trường Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga MEPhI.
Ấn tượng đầu tiên khi gặp các em là khuôn mặt sáng ngời đầy tự hào của những sinh viên ưu tú với hy vọng đem kiến thức phục vụ cho sự phát triển cho đất nước.
Sinh viên Phan Văn Cương, Đặng Văn Anh và Đào Thu Giang rất cởi mở khi chia sẻ những kiến thức của các em về năng lượng hạt nhân và tiềm năng ứng dụng trong đời sống.
Cương tâm sự rằng lựa chọn ngành điện hạt nhân là quyết định đúng đắn của em từ trước đến giờ. Mặc dù dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận không còn được phê duyệt nhưng tương lai của hạt nhân là rất lớn bởi những ứng dụng hữu ích trong các ngành về y tế như áp dụng các phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư gan, lai tạo các giống cây trồng có năng suất cao, hay ứng dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất và khai thác.
Ngoài ra, nếu dự án Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân được chấp thuận đó sẽ là bước đệm để sinh viên tốt nghiệp tại Nga có cơ hội quay trở lại Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến phục cho sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, an toàn hạt nhân vẫn là vấn đề được đem lên bàn cân khi cân nhắc về các dự án liên quan đến loại năng lượng này.
Em Giang chia sẻ về quan điểm của mình: “Qua nhiều năm học tập và cũng đã có thời gian thực tập tại nhà máy điện hạt nhân thế hệ 3+ tại Novovoronezh em thấy rằng an toàn là ưu tiên hàng đầu của mọi nhà máy điện hạt nhân hiện đại.
Với rất nhiều cải tiến và ứng dụng những công nghệ mới thì hiện nay mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân đã nằm ở mức rất cao, loại trừ gần như triệt để khả năng rò rỉ phóng xạ (mức độ xấu nhất của tai nạn hạt nhân) ra môi trường bên ngoài.
Điều đáng lo ngại của điện hạt nhân đó là nhân tố con người, cần phải có nguồn nhân lực trình độ cao, dày dặn kinh nghiệm, để có thể vận hành tốt và đưa ra những quyết định đúng đắn nếu như có xảy ra tai nạn bất ngờ tại nhà máy điện hạt nhân.
Nếu trong tương lai Việt Nam muốn phát triển điện hạt nhân thì chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, học hỏi thêm các kiến thức vật lý liên quan, để bồi dưỡng được một đội ngũ nhân sự thực sự có khả năng tiếp nhận công nghệ mới.
Bên cạnh đó một nhà máy điện hạt nhân hoạt động thì cũng cần phải có một chuỗi nhà máy phụ trợ, vì thế cũng cần phải phát triển đồng bộ các nhà máy này để đảm bảo sự vận hành của nhà máy điện hạt nhân".
Kết thúc buổi trò chuyện, khi nói về các dự định sắp tới, cả 3 em đều muốn đem kiến thức đã được học để ứng dụng vào cuộc sống.
Sinh viên Đặng Văn Anh và Đào Thu Giang trả lời rằng với kiến thức về khoa học kỹ thuật và điều hành nhà máy, các bạn sẽ dự định trở lại đất nước và làm việc trong các nhà máy điện năng khác như nhà máy nhiệt điện, thủy điện,… hay cá bộ phận của tập đoàn EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Còn Cương sẽ tiếp tục theo học tại trường MEPhl để hoàn thành cấp học chuyên sâu của mình và hy vọng có thể làm công việc liên quan đến năng lượng hạt nhân trong tương lai.
Bình luận