• Zalo

Từng muốn bỏ học trường Y vì áp lực, 8X trở thành bác sĩ, giảng viên nổi tiếng

Kinh nghiệm sốngThứ Năm, 18/11/2021 16:25:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Kết thúc 2 năm đầu đại học, không thấy hứng thú với ngành Y, Việt Hằng từng có ý định bảo lưu kết quả để thực hiện ước mơ du học.

Tiến sĩ trẻ Đào Việt Hằng (sinh năm 1987, sống tại Hà Nội) hiện là giảng viên Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Duyên với nghề

Đào Việt Hằng sinh ra và lớn lên trong gia đình bố, mẹ đều làm việc trong lĩnh vực y khoa. Từ nhỏ, Hằng quen với việc bố mẹ thường xuyên đi làm về khuya, ngủ không đủ giấc, làm việc hơn 10 tiếng/ngày nên tâm lý “sợ” làm bác sĩ. Hằng luôn ước mơ du học ngành truyền thông hoặc chọn một chuyên ngành phù hợp với tính cách hướng ngoại.    

Tuy nhiên, lên lớp 11, ông ngoại chị qua đời, để lại tâm nguyện: “Ông mong sẽ có một cháu gái trong gia đình làm bác sĩ”. Hằng quyết định rẽ ngang sang học khối B để thi vào trường Đại học Y Hà Nội. Ban đầu, bố mẹ không đồng tình về quyết định này vì sợ Hằng vất vả. Bố mẹ mong con gái thực hiện được con đường mong muốn từ trước. 

Từng muốn bỏ học trường Y vì áp lực, 8X trở thành bác sĩ, giảng viên nổi tiếng - 1

Tiến sĩ, bác sĩ trẻ Đào Việt Hằng, Đại học Y Hà Nội.

Là học sinh của trường chuyên THPT Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Hằng học đều các môn. Khi chuyển từ khối D sang học khối B, chị đầu tư vào môn Sinh nhiều nhất, riêng Toán, Hóa do có nền tảng kiến thức từ trước nên chị không gặp nhiều khó khăn trong quá trình ôn luyện. 

Đỗ vào Đại học Y Hà Nội năm 2005, Hằng vui mừng nhưng cũng gặp phải nhiều áp lực trong năm đầu tiên. Là “dân chuyên” ngoại ngữ, từ nhỏ Hằng khá năng động, thích các hoạt động xã hội, giao lưu và tâm lý học thoải mái. Nhưng vào trường Y, Hằng bị sốc khi thấy sinh viên khác rất chăm chỉ với phong cách “học giảng đường” (học lý thuyết cả ngày, tối lại vào giảng đường ôm sách học đến khuya). 

Kết thúc 2 năm đầu đại học, nữ sinh chưa tìm được sự hứng thú với ngành Y và gặp áp lực khi cường độ học tập cao. Hằng từng có ý định bảo lưu kết quả học để thực hiện ước mơ du học. Một người thầy tâm huyết đưa ra lời khuyên trước khi bảo lưu Hằng nên cố thêm một kỳ, thử đến bệnh viện gặp bệnh nhân để có trải nghiệm đầy đủ trước khi đưa ra quyết định.

Hằng làm theo lời của thầy và bắt đầu đi lâm sàng, gặp gỡ, trò chuyện với bệnh nhân. Sau nhiều lần đến bệnh viện thực hành, quan sát, được hướng dẫn từ thầy, chứng kiến nhiều ca bệnh hay, những hoàn cảnh bệnh nhân, Hằng dần thay đổi suy nghĩ và bắt đầu hứng thú với các môn học hơn. Hằng tìm thấy niềm vui, say mê trả lời những câu hỏi thực tế không viết trong sách vở trên từng ca bệnh và hạnh phúc vô bờ mỗi khi chứng kiến người bệnh được ra viện trở về.

Năm 3 đại học, Hằng hứng thú với các hoạt động nghiên cứu khoa học và học tiếng Anh chuyên ngành nên tham gia vào nhóm nghiên cứu khoa học FSH, câu lạc bộ tiếng Anh, hoạt động của nhóm tiếng Anh chuyên môn USMLE trong trường. Từ những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học tập, chị giành học bổng đi du học ngắn hạn 3 tháng ở Thụy Điển - khóa học nền tảng đầu đời giúp chị vững tin hơn vào con đường đã chọn. 

Kết thúc 6 năm đại học, Hằng nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và nằm trong top 5 bạn sinh viên xuất sắc nhất khóa. 

Hơn 60 bài báo nghiên cứu

Sau tốt nghiệp, chị được nhận về Bộ môn Nội tổng hợp của trường Đại học Y Hà Nội làm giảng viên. Với mong muốn được nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực tiêu hóa, Hằng tham gia nhiều khóa đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài và học thẳng lên tiến sĩ trong hơn 3 năm (2013 – 2016).

Với rất nhiều khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu ở nước ngoài, nữ bác sĩ trẻ chọn được cho mình hướng đi chuyên môn rõ ràng: Các khóa chuyên sâu về nội soi tiêu hóa tại Đại học Ajou (Hàn Quốc), Đại học Nagoya (Nhật Bản), học bổng chuyên sâu về bệnh lý gan của Hội gan mật châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Chiba (Nhật Bản), siêu âm gan đàn hồi tại Ấn Độ. 

Bên cạnh các khóa học chuyên môn đơn thuần, bác sĩ Hằng trong vai trò là một nghiên cứu viên lâm sàng, giảng viên trẻ vẫn luôn có mong muốn được kết nối, giao lưu, phát triển thêm kỹ năng khác. chị từng được lựa chọn tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng lãnh đạo cho bác sĩ trẻ tại Diễn đàn Y tế thế giới năm 2016 tại Đức, nghiên cứu viên trẻ của khu vực ASEAN năm 2019, APEC 2021 và Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ Việt Úc 2021.

Từng muốn bỏ học trường Y vì áp lực, 8X trở thành bác sĩ, giảng viên nổi tiếng - 2

Tiến sĩ Đào Việt Hằng xuất bản 2 đầu sách: Điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng đốt nhiệt sóng cao tần (2017) và Bệnh lý tự miễn – dị ứng đường tiêu hóa (2018); 4 bài báo quốc tế và 60 bài báo trong nước.

Kỷ niệm khiến Hằng nhớ mãi sau những chuyến đi du học ngắn hạn đó là khoảng thời gian sang Nhật học 6 tháng. Chị kể: “Thời gian đầu không biết tiếng Nhật, xuống sân bay không có wifi, thẻ sim di động, tô ngơ ngác, lạc 2 - 3 tiếng mới tìm được về nơi ở. Đến phòng, tôi loay hoay tìm cách kết nối internet và nhận được thông báo gấp của bệnh viện cảnh báo thời tiết xấu, có bão to. Khi đó tôi hoảng loạn vô cùng và cảm thấy tủi nhân, nhớ nhà. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng suy nghĩ tích cực hơn và dần ổn định sinh hoạt để yên tâm học tập”. 

Ròng rã suốt hơn 3 năm làm nghiên cứu sinh về đề tài “Đốt nhiệt sóng cao tần điều trị ung thư gan”, Hằng không nhiều thời gian cho bản thân mà lặp đi lặp lại thời gian biểu: Sáng học lý thuyết bù tín chỉ của chương trình thạc sĩ, trưa lại tranh thủ thực hiện kỹ thuật đốt sóng cao tần cho bệnh nhân ung thư gan, chiều đi lâm sàng tại bệnh viện đến 10 giờ tối. Tuy nhiên, niềm vui từ công việc chuyên môn khi trực tiếp thực hiện kỹ thuật và theo dõi người bệnh giúp khoảng thời gian học nghiên cứu sinh của chị bạn trôi qua rất nhanh. 

Nhớ lại quãng thời gian này, nữ bác sĩ trẻ vẫn cảm thấy mình thật may mắn vì đã chọn đề tài gần với thực tiễn, giúp cho người bệnh được tiếp cận kỹ thuật điều trị tốt, chuẩn hóa được quy trình thực hiện. Hơn nữa, dữ liệu thực tiễn từ đề tài đã giúp bác sĩ ở trên các tuyến khác có cơ hội tiếp cận, tham khảo. 

Ngày bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2016, bác sĩ trẻ Đào Việt Hằng cảm nhận được trách nhiệm to lớn của bản thân với chịng việc mình đã chọn. Từ đây, chị thực sự trở thành bác sĩ nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực tiêu hóa. 

Năm 2017, theo sự luân chuyển công tác của bộ môn, chị được phân công về Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và tiếp tục nghiên cứu bệnh lý đường tiêu hóa, phương pháp nội soi chẩn đoán, can thiệp.

Chị còn cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa gan mật cùng nhiều đơn vị y tế khác chung sức phát triển thuật toán trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa, xây dựng ứng dụng điện thoại thông minh nâng cao chất lượng nội soi cho người bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới để thăm dò chức năng co bóp của đường tiêu hóa... 

Tính đến thời điểm hiện tại, tiến sĩ Đào Việt Hằng công bố 2 đầu sách: Điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng đốt nhiệt sóng cao tần (2017) và Bệnh lý tự miễn – dị ứng đường tiêu hóa (2018); 4 bài báo quốc tế và 60 bài báo trong nước. "Tôi chưa khi nào thỏa mãn về những thành quả cá nhân đã đạt được bởi ngành Y là ngành học cả đời, học mọi lúc, mọi nơi với vô số câu hỏi cần giải đáp”, nữ tiến sĩ trẻ nói.

Phan Linh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp