Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ sáu, sân chơi chủ yếu của các mã cổ phiếu công nghệ, sàn Nasdaq đã đi xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng, giảm tới 21,5% so với đỉnh ngày 29/8.
Chỉ số S&P 500 đang lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017. Đây cũng chính là “vực” tháng 12 sâu nhất tính từ cuộc Đại suy thoái cách đây 10 năm. Bên cạnh đó, chỉ số công nghiệp cũng chạm đáy kể từ tháng 10/2017.
Cả ba chỉ số này dao động giữa thua lỗ và tăng hơn 1%. Chúng nhận được sự hỗ trợ nhất thời sau khi chủ tịch FED tại New York, John Williams, nói trên CNBC rằng FED sẵn sàng xét lại quan điểm của mình và theo dõi các tín hiệu thị trường chứng minh tăng trưởng kinh tế có thể không như mong đợi.
Phát biểu đó phần nào thúc đẩy các cổ phiếu ở nước ngoài. Điển hình như tại London, FTSE kết thúc phiên cuối tuần với hơn 9 điểm được tăng, đạt mức 6.721.
Tuy nhiên những lợi ích đó đã sớm bốc hơi khi những lo lắng kinh tế một lần nữa lại bao trùm. Trả lời The Guardian, chiến lược gia đầu tư tại Inverness Counsel, Tim Ghriskey cho biết những bình luận ôn hòa của John Williams có thể chỉ ra những mối quan ngại tiềm ẩn từ một số nhà hoạch định chính sách của FED.
“Những lời bình của Williams chỉ giúp thị trường trong thời gian đầu, còn sau đó chỉ là một cuộc bán tháo. Khi FED nói điều gì như thể họ sẽ xem xét lại mọi thứ, lúc đấy sẽ dấy lên những nghi ngờ rằng FED có bí mật nào đó mà chúng ta không hề hay biết”, Ghriskey nói.
Các cổ phiếu công nghệ và dịch vụ truyền thông chịu sự chi phối của đợt bán tháo, lần lượt giảm 2,3% và 2,7%.
Nhóm Faang (Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google) cũng ghi nhận kết quả kém. Cổ phiếu Facebook giảm 5,4%, của Amazon giảm 4,8% và Netflix giảm 5%. Cổ phiếu của cả Apple lẫn Google đều giảm hơn 2%.
Tình trạng hỗn loạn ở Washington đã đẩy thêm sự bi quan vào thị trường chứng khoán Mỹ.
“Thị trường tiếp tục phản ứng với khả năng đóng cửa của chính phủ, lo ngại về sự chững lại của tăng trưởng quốc nội cũng như toàn cầu, thêm vào đó là sự bất mãn về định hướng chính sách của Fed”, Ryan Larson, người đứng đầu giao dịch cổ phiếu Mỹ tại RBC Global Asset Management, nhận định.
Diễn biến không mấy tốt đẹp tại Phố Wall còn gây ra những ảnh hưởng không nhỏ ở những thị trường khu vực khác.
Các thị trường chứng khoán trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã kết thúc tuần giao dịch trong sắc đỏ. Theo đánh giá của trang Trading Economics, các nhà đầu tư vẫn thận trọng trong bối cảnh lo ngại về việc tăng lãi suất của Mỹ cũng như những lục đục, bất ổn nơi nội bộ chính phủ quốc gia này.
Chỉ số Nikkei 225 giảm 1,1% xuống còn 20.166 do đồng Yen giữ mức tăng theo nhu cầu đảm bảo an toàn. Shanghai Composite mất 0,8% xuống còn 2.516. Tại Úc, S&P/ASX 200 giảm 0,7% còn 5.468 điểm.
Cho dù vậy, một số thị trường vẫn ghi nhận kết quả thuận lợi chẳng hạn như Hang Seng ở Hồng Kông hay Kospi tại Hàn Quốc. Hai chỉ số này lần lượt tăng 0,5% và 0,1%.
Theo trang Washington Examiner, mối lo ngại chính vẫn đến từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Hai nước dự kiến sẽ đàm phán vào tháng 1. Trước đó, Nhà Trắng đã cảnh báo rằng họ chuẩn bị ban hành thuế quan trị giá 267 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận.
Bên cạnh đó, trong quá khứ, việc đóng cửa chính phủ không dẫn đến sự biến động đáng kể trên thị trường. Khả năng cao các nhà đầu tư vẫn còn khá mệt mỏi sau quyết định tăng lãi suất lần thứ tư của FED trong năm nay. Chủ tịch FED, Jerome Powell đã cảnh báo về một sự điều tiết nền kinh tế trong năm 2019.
Bình luận