Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra trong 6 ngày với chủ đề “Tạo dựng một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người”.
Sự kiện sẽ tập trung vào ba ưu tiên chính, bao gồm kết nối xây dựng một khu vực tự cường và thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững; củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân.
Đánh giá ý nghĩa của sự kiện đối với hợp tác phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “APEC là diễn đàn kinh tế khu vực bao gồm 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay với rất nhiều sự bất ổn, thách thức, diễn đàn kinh tế APEC lần này sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế bàn thảo về các vấn đề thách thức này và các biện pháp để khắc phục, cũng như là sự phối hợp về chính sách giữa các nền kinh tế, làm thế nào để mang lại sự phục hồi kinh tế nhanh nhất, cũng như là bảo đảm nền kinh tế phát triển lành mạnh và vững mạnh trong thời gian tới.
Chủ đề 'kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả' đã nói lên mục tiêu của Diễn đàn APEC lần này. Với 3 trọng tâm là kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm, tôi tin chắc rằng các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế sẽ bàn thảo rất nhiều vấn đề được sự quan tâm của kinh tế thế giới hiện nay.
Những vấn đề nổi nhất, quan trọng nhất, bức xúc nhất hiện nay như duy trì chuỗi cung ứng bền vững, chuyển đổi số, thương mại số, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu, kinh tế xanh… là những vấn đề mà cả thế giới hiện nay đang rất quan tâm".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC và kết hợp các hoạt động song phương tại thành phố San Francisco từ ngày 14/11 tới 17/11. Chuyến công tác của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm Hội nghị cấp cao APEC đầu tiên diễn ra tại Mỹ đồng thời đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập APEC.
Chia sẻ về ý nghĩa chuyến đi của Chủ tịch nước, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn APEC năm nay cho thấy sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung, cũng như đối với tiến trình APEC nói riêng. Việt Nam là một thành viên rất tích cực, trên thực tế Việt Nam đã 2 lần đăng cai Chủ tịch APEC.
Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp, sáng kiến thúc đẩy tiến trình APEC và việc tham gia của Việt Nam cũng thể hiện sự ủng hộ đối với các nguyên tắc, các tiến trình của APEC. Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng với các nước thành viên để đưa tiến trình này phát triển hơn nữa, bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững và đem lại những cơ hội mới, thuận lợi mới và đặc biệt là điều kiện để khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay, những bất ổn, thách thức do tình hình thế giới đang rất phức tạp đặt ra.
Việc tham dự APEC năm nay tại Mỹ cũng là một cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với Mỹ sau khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Nhân dịp dự APEC, Chủ tịch nước và đoàn cũng có rất nhiều hoạt động tại San Francisco, gặp gỡ các giới chính quyền của Mỹ cũng như là các học giả, các doanh nghiệp của Mỹ để triển khai các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được khi quyết định nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”.
Diễn đàn Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hiện có 21 nền kinh tế thành viên, bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.
Trong 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận