Liên Xô lần đầu tiên hạ thủy lớp tàu tuần dương tên lửa dẫn đường vào cuối những năm 1970. Khi Chiến tranh Lạnh đang bước vào giai đoạn căng thẳng, cả Liên Xô và Mỹ đều cho ra mắt những mẫu tàu chiến mới, như một phần của cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra.
Nếu không xét đến tàu sân bay, thì tàu tuần dương Kirov của Liên Xô là loại tàu chiến lớn nhất thế giới được chế tạo sau Thế chiến 2. Dựa trên kích thước và vũ khí được trang bị, các tàu Kirov thường được xếp vào lớp tàu tuần dương chiến đấu.
Lớp Kirov có tất cả các phẩm chất cần có để trở thành một chiếc tàu chiến đáng gờm, nhưng hiệu quả hoạt động trên thực tế của chúng lại bị hạn chế. Moskva chỉ đủ sức duy trì một chiếc tàu Kirov còn lại, trong bối cảnh hạm đội hải quân của họ đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Lịch sử của lớp Kirov
Khi nghiên cứu để phát triển tàu tuần dương lớp Kirov, các quan chức Liên Xô nhấn mạnh rằng lớp tàu này phải có khả năng chống lại hạm đội tàu ngầm của Mỹ. Cụ thể, Liên Xô yêu cầu lớp thiết giáp hạm mới phải có khả năng mang theo một lượng lớn tên lửa chống ngầm SS-N-14 và sau đó là tên lửa chống hạm P-700 Granit.
Cuối cùng, hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa Granit (được NATO định danh là SS-N-19 Shipwreck) đã trở thành vũ khí chính của tàu Kirov. Tên lửa Shipwreck được phát triển vào những năm 1970 để thay thế cho tên lửa P-70 Ametist và P-120 Malakhit cũ của Liên Xô, do chúng có tầm bắn ngắn.
Khi hải quân Mỹ xây dựng các nhóm tác chiến tàu sân bay, việc phát triển một hệ thống tên lửa được cho là phù hợp hơn với điều kiện của Liên Xô khi đó. Lớp Kirov được đặt tên để vinh danh chiếc đầu tiên trong loạt bốn tàu chiến được đóng trong Chiến tranh Lạnh.
Mặc dù Hải quân Liên Xô đã có kế hoạch đóng ít nhất năm chiếc tàu chiến tuần dương như vậy, nhưng sự sụp đổ của Liên Xô đã cản trở mục tiêu này. Kirov, chiếc tàu dẫn đầu của lớp bắt đầu được đóng vào giữa những năm 1970 tại Xưởng đóng tàu Hải quân Baltiysky ở thành phố Leningrad.
Đến năm 1980, tàu chính thức được đưa vào hoạt động và được các thành viên NATO đặt biệt danh là Baltic Combatant I (BALCOM). Frunze là tàu thứ hai trong lớp được hoàn thành, tiếp theo là Kalinin (nay là Đô đốc Nakhimov) và Yuriy (nay là Pyotr Veliky).
Những chiếc tàu này đều sử dụng năng lượng hạt nhân, chúng được thiết kế để trang bị nhiều loại cảm biến, bao gồm radar kiểm soát hỏa lực, radar tìm kiếm trên không/trên mặt nước và sonar gắn trên thân tàu.
Hệ thống đẩy của tàu tuần dương Kirov sử dụng cả năng lượng hạt nhân và tua bin hơi nước, về mặt lý thuyết cho phép tàu có thể đạt tốc độ tối đa 31 hải lý/giờ.
Tàu tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov
Trong khi hai tàu chiến lớp Kirov đầu tiên đã được đưa vào chế độ nghỉ hưu, thì tàu Đô đốc Nakhimov đã được chọn để trải qua quá trình hiện đại hóa vào năm 2006. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, chiếc tàu tuần dương này sẽ quay trở lại hoạt động vào một thời điểm nào đó, nhưng chưa xác định cụ thể. Một số chuyên gia tin rằng lớp tàu chiến này sẽ không bao giờ ra khơi nữa.
Hãng thông tấn TASS cho biết, tàu sẽ tái gia nhập hạm đội, được trang bị tên lửa chống hạm Zicron và phương tiện lướt siêu thanh Avngard. Tốc độ siêu thanh của Zicron sẽ khiến con tàu này trở nên cực kỳ nguy hiểm, bởi nó có thể xuyên qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của phương Tây.
Các nguồn tin của Nga khẳng định rằng Zicron có thể di chuyển với tốc độ Mach-8.0 (gấp 8 lần tốc độ âm thanh). Zicron hiện được xem là loại tên lửa nhanh nhất thế giới đang được biên chế. Sự bổ sung này sẽ giúp tàu Đô đốc Nakhimov hồi sinh và trở lại biển cả với sức mạnh mà nó từng được biết đến.
Bình luận