• Zalo

Tự truyện nhà thơ 16 vợ: 4 cô cùng thầm yêu trộm nhớ

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 19/08/2014 05:31:00 +07:00 Google News

(VTC News) - “Trăng suông ngắm bốn nàng hoa/ Trăng cười hớn hở cho ta một nàng”.

(VTC News) - “Trăng suông ngắm bốn nàng hoa/ Trăng cười hớn hở cho ta một nàng”.


Phần 2: Mối tình đầu

Có một điều mà tôi nghiệm ra, trong suốt cuộc đời mình, toàn bị phụ nữ chủ động, còn tôi bị động. Có lẽ, phong thái hào hoa của gã trai mới lớn (trong hoàn cảnh đàn ông ra hết mặt trận, chỉ còn lại những người thương tật, kẻ hèn nhát) đã hấp dẫn các cô gái.

Sau nhiều lần trêu ghẹo, thì 4 cô nàng Cúc, Hồng, Liên, Lan của hợp tác xã Hợp Thành đã chủ động tiếp cận tôi giới thiệu, làm quen. Sự hồn nhiên, dễ gần của các cô gái khiến tôi cũng mạnh dạn hơn.

Thi thoảng cả nhóm con gái này đến nhà tôi đọc sách, mượn sách. Nhà tôi nhiều sách, đủ cho các cô đọc hết đời, nên chúng tôi có rất nhiều cơ hội gặp nhau.

Lần nào gặp, các cô cũng trêu ghẹo, nhưng lạ thay, tôi có cảm tình, rung động với cả 4 cô gái. Mỗi cô có nét đẹp riêng, có sự cuốn hút riêng. Trò chuyện với cô này, tôi lại nhớ cô kia. Có cả 4 nàng cùng ở bên trò chuyện, tôi thấy vui nhất.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành sống cô đơn một mình trong ngôi nhà tồi tàn 

Vô đề 101

Say sưa vật lộn thú vui
Trắng tay tay trắng sống đời tự do

Sướng khổ đâu chỉ đói no
Hạnh phúc đâu chỉ hẹn hò… ái ân

Dại khôn đâu chỉ một lần
Mười phân đâu đã mười phân vẹn mười

Trăm năm vui – khóc – buồn – cười
Con người ai chẳng con người… người con

Non non nước nước non non
Vần xoay xoay tít mãi còn vần xoay

Nguyễn Đăng Hành
Ngày đó, dù chưa một lần yêu, chưa một lần cầm tay con gái, nhưng bằng trái tim nhạy cảm vốn có của mình, tôi biết rằng, cả 4 nàng đều mến tôi. Cả 4 nàng đều tìm cách hẹn hò tôi, khi thì bãi mía, khi bờ đê, khi lò gạch, lúc bãi lau sậy bờ sông. Tôi làm thơ tặng các nàng, bình luận về các nhân vật trong các tiểu thuyết mà tôi thích.


Lần ấy, sắp đến rằm tháng 8, Trung Thu, Cúc hẹn tôi ra bờ ruộng, nửa kín nửa hở, hẹn tối 14, hai đứa gặp nhau ở lò gạch cạnh nghĩa địa Giang Cao.

Chỉ vài ngày nữa là tới 14 âm lịch, mà sao lâu như hàng thế kỷ. Tôi chắc chắn rằng Cúc đã phải lòng, hẹn tôi ra lò gạch để tỏ tình. Suốt mấy ngày tôi như kẻ mất hồn, hồi hộp, háo hức. Cúc hẹn 8 giờ tối, nhưng sốt ruột quá nên 7 giờ tôi đã run rẩy mò ra lò gạch.

Trăng lưng chừng trời, trăng sóng sánh mặt ruộng. Tôi trèo lên một đống gạch xếp khối bằng phẳng ngồi đợi. Bóng trắng nhờ nhờ của một cô gái đi dọc bờ ruộng, tiến đến đống gạch tôi đang ngồi. Tôi cất tiếng: “Cúc đấy à?”. Không có tiếng đáp lời. Bóng trắng ấy trèo lên đống gạch. Hóa ra là Hồng.

Tôi kinh ngạc, há hốc, không nói được câu nào. Hồng bảo: “Hồng muốn gặp Hành, nên nhờ Cúc nhắn hộ”. Từ sợ chuyển sang cảm giác sung sướng. Phải thú thực rằng, tôi thích, tôi yêu cả 4 nàng, nhưng tôi vẫn thích Hồng nhất.

Hồng trải tấm nilon mang theo xuống nền đống gạch, rồi chúng tôi cùng ngồi ngắm trăng. Hồn tôi lủng lẳng trên tận cung trăng. Tôi thấy mình là chú Cuội, còn Hồng là chị Hằng. Tôi thấp thỏm chờ đợi Hồng nắm tay tôi, chủ động ngỏ lời, rồi…

Sau mấy phút im lặng, Hồng hỏi:

- Hành sắp nhập ngũ à?

- Ừ! – Tôi đáp gọn lỏn.

- Đi đừng quên Hồng nhé!

- Quên làm sao được!

- Hành ơi! Cúc thích Hành lắm. Kỳ lạ thật, cả cái Lan, cái Liên nữa, cũng đều thích Hành. Thế mà chúng nó cứ gán cho mình với Hành.

Nghe Hồng nói thế, tôi ậm ừ, không biết nói thế nào. Lát sau, Hồng tiếp lời :

- Hành thích đứa nào?

- Tớ thích tất cả! – Tôi bí quá nên nói cùn như vậy. Nhưng trong lòng thực sự thích Hồng nhất.

- Phải thích ai nhất chứ? – Hồng đấm thùm thụp vào vai tôi.

- Cúc thì thông minh, dễ gần. Lan ý tứ, dễ mến, Liên thì hài ước, dễ cảm…

- Còn Hồng chắc vô duyên, khó gần? – Hồng chặn lời tôi phụng phịu.

Không hiểu sức mạnh ở đâu kéo đến, tôi chộp lấy tay Hồng bảo “không!”. Đúng lúc đó, sau lưng tôi vang lên những tiếng cười khúc khích. Liên bước ra từ sau đống gạch: “Ô! Anh chị họp giao ban sớm quá nhỉ?”.

Cúc và Lan xách bọc gì lủng lẳng, cười nắc nẻ. Lúc này, tôi mới biết mấy cô nàng lừa tôi ra lò gạch, để bóc mẽ tôi. Đất dưới chân như sụt xuống. Tôi nghĩ bị mấy cô nàng nỡm, lừa cho một mẻ. Từ bé tôi đã có tính tưởng bở.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành sợ sau này chết vợ con không ai cúng, nên anh tự in ảnh treo trên bàn thờ và ngày rằm thắp hương... cúng mình. Thế nhưng, mới đây, bàn thờ bỗng đổ ụp xuống vì mối mọt.

Lan và Cúc mở bọc nilon, lấy hoa quả, bánh kẹo xếp ra ngoài. Cúc bảo: “Đêm nay trăng thanh gió mát, chúng tôi làm thủ tục cho 2 bên tìm hiểu…”.

Tôi cùng 4 nàng ngồi trên đống gạch ăn uống, ngắm trăng. Được ăn quả, ngắm “hoa”, tôi nổi hứng nhìn trăng làm câu thơ: “Tròn xoe bạc trắng sáng ngời/ Căng đầy lơ lửng giữa trời bao la”.

Tôi vừa ngừng lại ngẫm nghĩ tứ tiếp, thì Cúc giục: “Hay quá, tiếp đi!”. Tôi đọc tiếp: “Trăng suông ngắm bốn nàng hoa/ Trăng cười hớn hở cho ta một nàng”. Cúc bảo: “Không được. Các chị không phải để tế Cuội đâu. Còn 3 nàng để cho ai?”. Cả đám cười rúc rích. Cúc lại tiếp:

- Thế chú Cuội thích hoa nào?

- Thích tất! – Tôi hồn nhiên.

- Tham thế? Không được!

- Tớ quý cả 4.

- Chỉ có Hồng là hợp nhất, môn đăng hộ đối. Bố Hồng, bố Hành là thợ mộc, mẹ Hồng, mẹ Hành đều buôn bán. Cả bọn đều thống nhất Hồng và Hành hợp nhất! – Cúc tuyên bố.

- Tao ứ thèm. Muốn ăn gắp bỏ tay người! – Hồng nói thế, rồi cả bọn lại cười nắc nẻ.

Đêm trôi thật nhanh. Trăng lên giữa trời. Cúc tuyên bố giải tán, nhưng dường như chưa ai muốn về. Cúc moi gạch thành hố, trút hoa quả, bánh kẹo xuống, rồi xếp gạch đậy lại. Cúc bảo: “Cất vào đây, mai anh chị hẹn hò tiếp còn có cái mà ăn”. 3 nàng cười rúc rích bỏ về trước.

Hồng nắm lấy tay tôi. Tôi thở hổn hển, run bần bật. Hồng bảo: “Tối thứ 7 đợi mình ở đây nhé!”.

Tôi nhận ra đàn bà thật tử tế. Họ tử tế cả trong tình yêu, thứ mà ta thường đề cao tính sở hữu. Tôi thừa biết cả 4 nàng đều thích tôi, nhưng sóng tình kín đáo, nhường nhịn cho nhau.

Nguyễn Đăng Hành và 2 đứa con với người vợ cuối cùng 

Sau đêm đó, tôi và Hồng gần gũi nhau hơn. Tôi hay qua nhà Hồng. Hồng cũng hay qua nhà tôi. Hồng là con cả, sau còn 4 em nhỏ. Bố mẹ Hồng đều tháo vát.

Bố Hồng cũng làm thợ mộc, nhưng không cao tay bằng bố tôi. Tính ông xuề xòa, chân thành. Ông nghiện rượu. Bố tôi hơn tuổi bố Hồng rất nhiều. Bố Hồng chỉ bằng tuổi anh cả của tôi. Nhà tôi lại giàu có hơn nhà Hồng. Vì thế, bố tôi có ý coi thường bố Hồng. Vậy nên ông cũng lạnh nhạt, hắt hủi mối quan hệ của chúng tôi.

Có lần, tôi đang nằm trong buồng riêng, nghe rõ tiếng Lý: “Bác ơi, anh Hành có ở nhà không ạ?”. Tôi đang định nhổm dậy thì nghe tiếng bố tôi chửi oang oang: “Nó có bao giờ ở nhà đâu. Cái thằng trời hành đó chết ở đâu rồi”. Sợ Hồng ghét bố, nên tôi nằm im, coi như không có ở nhà.

Dù hai đứa yêu nhau, tình trong như đã, nhưng mặt ngoài còn e. Thi thoảng chỉ dám liếc nhau, rồi ngó nghiêng xung quanh xem có ai không mới cầm tay một cái như kẻ trộm. Tuyệt nhiên không có chuyện trai gái. Chỉ có những cái nhìn và ánh mắt đầy ý tứ.

Hồng hẹn tôi ra chân đê, chỗ bãi ngô. Ngồi trò chuyện hồi lâu, Hồng chỉ về phía xa bảo: “Hành ơi! Cái gì kia nhỉ?”. Tôi bảo: “Lạ đếch gì. Thằng Thành với cái Hà đang ôm nhau chứ còn cái gì!”.

Tôi ngu thật, mãi mới hiểu ý của Hồng. Tôi ngồi xích lại gần. Hồng ôm chầm lấy tôi. Hai đứa hôn nhau quấn quýt. Nhưng lạ thật. Nụ hôn, cái ôm đầu đời chẳng có cảm giác gì, chẳng sung sướng như đám thanh niên lớn hơn thường kể. Tôi chỉ thấy vừa run, vừa sợ. Nhưng cảm giác nụ hôn đầu đời tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in.

Chúng tôi hôn nhau chán chê thì về, hẹn địa điểm gặp gỡ cho hôm sau. Tình yêu của chúng tôi trong sáng, đẹp đẽ. Lúc tâm sự ở ruộng ngô, lúc bãi sông, lúc lò gạch, lúc chèo thuyền trên đầm sen. Tôi thấy cuộc đời như một giấc mộng. Tôi đã làm không biết bao bài thơ với cảm hứng từ cuộc tình trong sáng ấy.

Thấm thoắt đã một năm trôi qua, đến ngày tôi phải nhập ngũ. Đêm trước ngày nhập ngũ thật lắm cảm xúc. Tôi sắp trở thành người quan trọng của đất nước, được cầm súng giết giặc, nhưng cũng sắp phải xa rời mảnh đất thân yêu bên bờ sông Hồng hoang hoải, nơi có Hồng, người con gái tôi yêu. Cả Lan, Liên, Cúc nữa, những cô gái mang cho tôi những cảm xúc khác lạ, mà chỉ đến tuổi dậy thì tôi mới cảm nhận được.

Đêm cuối cùng bên bãi ngô, tôi và Hồng quyến luyến không rời. Trăng sắp tàn trên ngọn ngô, Hồng cởi chiếc áo đang mặc đưa cho tôi: “Mai Hành lên đường bình an nhé. Hành mang theo tấm áo này và đừng quên Hồng”.

Đó là chiếc áo vải nilon giá 15 đồng, rất đắt tiền thời đó. Hồng là cây đập trong đội tuyển bóng chuyền, cao to nhất đội, nên áo của Hồng tôi mặc vừa khít.

Tờ mờ sớm hôm sau, chúng tôi chia tay bịn rịn ở ga Thượng Thanh – Thượng Cát (Gia Lâm). Tôi bắt đầu một cuộc đời người lính.

Còn tiếp…


Nguyễn Đăng Hành
Bình luận
vtcnews.vn