Sinh thời, trên nhiều cương vị công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt với đồng bào, chiến sĩ cả nước; đặc biệt là đồng bào ở những khu vực khó khăn, miền núi và các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc nơi biên cương, đảo xa.
Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân. Sự ra đi của Tổng Bí thư đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mọi người dân Việt Nam.
Bằng nhiều cách khác nhau, người dân cả nước đã và đang bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cờ rủ trên đảo Trường Sa
Dù chưa một lần được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng Thượng tá Phạm Tiến Điệp - Chính trị viên đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cũng chung cảm xúc với hàng triệu người dân Việt Nam tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư.
Các chiến sĩ đảo Trường Sa tổ chức lễ thượng cờ rủ.
“Từ sáng sớm nay, tôi cùng các chiến sĩ bật ti vi, đài phát thanh để cùng theo dõi chương trình lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, anh Điệp nói qua điện thoại.
Theo dõi qua màn ảnh ti vi nhưng những cảm xúc, xót thương của các chiến sĩ vẫn luôn đong đầy. Các chiến sĩ đảo Trường Sa nói riêng và toàn quân nói chung luôn trân trọng, khắc ghi tình cảm và sự yêu thương của Tổng Bí thư trong suốt những năm qua.
"Trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, Tổng Bí thư mãi là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là biểu tượng cao đẹp của người Cộng sản kiên trung để mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa học tập và noi theo", Thượng tá Phạm Tiến Điệp chia sẻ.
Biến đau thương thành hành động, tập thể cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa xin hứa với Tổng Bí thư sẽ cố gắng học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa; đoàn kết đồng lòng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ra sức học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
“Chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vững vàng nơi đầu sóng; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền Quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin yêu và nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, anh Điệp khẳng định.
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
Buôn làng Tây Nguyên tiếc thương người "anh Cả"
Ông A. Gưch (SN 1950, người Ba Na, già làng Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thức dậy từ 5h sáng, mở chiếc ti vi ở góc nhà để theo dõi các thông tin lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông tuổi đã cao, không có điều kiện ra Hà Nội để được viếng Tổng Bí thư nên phải dậy thật sớm, theo dõi qua ti vi vì không muốn bỏ lỡ bất kỳ giây phút nào của lễ Quốc tang.
Nhìn hình ảnh cờ Tổ quốc giữa Quảng trường Ba Đình được kéo lên cùng dải băng đen, ông A. Gưch không kìm nén được sự xúc động, tiếc thương. Những kỷ niệm về lần vinh dự được gặp Tổng Bí thư tháng 4/2017 như thước phim hiện lại trong ký ức người già làng.
“Năm 2017, tôi được dân làng bầu làm vị trí Già làng Kon Rờ Bàng 2 và rất may mắn được gặp, trò chuyện cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần đến thăm làng. Người Ba Na ở làng Kon Rờ Bàng 2 luôn dành tình cảm đặc biệt cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và xem Tổng Bí thư như người anh Cả của buôn làng”, ông A. Gưch nói.
Còn nhớ khi đó, tại nhà rông, Tổng Bí thư ân cần hỏi thăm bà con nhân dân trong làng, động viên gia đình chính sách, người có công. Khi Tổng Bí thư về thăm làng điều kiện kinh tế còn khó khăn, thấy vậy, Tổng Bí thư nhắn nhủ với già làng cần đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau hơn nữa để phát triển kinh tế và quyết liệt đấu tranh chống lại các thế lực thù địch.
“Ngày nghe tin người anh Cả của buôn làng qua đời, lòng tôi như nghẹn lại. Mặc dù hiểu rằng đời ai cũng phải qua sinh-lão-bệnh-tử nhưng sự ra đi của Tổng Bí thư khiến tôi không thể kìm nổi nước mắt”, ông A. Gưch tâm sự. Ông vẫn nhớ những cử chỉ, dáng đi, nụ cười cùng lời nói trầm ấm của Tổng Bí thư với người dân làng.
Lần gặp ấy, buôn làng đã tặng Tổng Bí thư chiếc áo truyền thống Hơ Drông của người Ba Na, biểu tượng của sự kính trọng. “Trước mất mát to lớn này, tôi không biết làm gì ngoài việc xin thắp nén tâm nhang tiễn biệt người anh Cả”, ông A. Gưch chia sẻ.
Những hồi ức chỉ còn trong bức ảnh
Vinh dự là người từng dự buổi gặp gỡ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, ông Đinh Công Lon (SN 1957, dân tộc Mường, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) nói: “5 giờ sáng, bố con tôi đã dậy rồi. Tôi cùng con mang cờ Tổ quốc, dải băng đen cùng cây tre nhỏ đã chuẩn bị sẵn từ tối qua, mang ra hiên nhà treo”.
Do không có điều kiện được về Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên cả tuần nay, ông Lon luôn đau đáu, muốn làm điều gì đó bày tỏ lòng kính yêu nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước. Ông cùng các con bàn bạc, quyết định treo cờ rủ trước hiên nhà tưởng nhớ Tổng Bí thư.
Ông Đinh Công Lon xem lại những bức ảnh kỷ niệm trong lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm địa phương.
Nhìn lá cờ Tổ quốc treo rủ bên hiên nhà, ông bồi hồi nhớ lại 8 năm trước, Tổng Bí thư về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc huyện Tân Lạc.
“Tổng Bí thư rất giản dị, tác phong nhanh nhẹn, ân cần đi một vòng bắt tay, trò chuyện, thăm hỏi từng cụ già, em nhỏ. Tổng Bí thư ân cần thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của bà con”, ông tâm sự. 8 năm trôi qua nhưng nhân dân xóm Lũy Ải vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm.
Thẫn thờ ngồi bên cửa voóng nhà sàn, ông Đinh Công Lon nâng niu trên tay bức ảnh Tổng Bí thư về thăm và chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình. Nhiều cụ trong làng hôm nay cũng đến nhà ông Lon cùng ôn lại kỉ niệm về chuyến thăm của Tổng Bí thư và theo dõi lễ Quốc tang qua màn hình ti vi.
Giáo viên, học sinh Hà Nội nghẹn ngào tiễn đưa Tổng Bí thư
Giáo viên, học sinh trường THCS - THPT Lương Thế Vinh tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có mặt ở trường sớm hơn mọi ngày, hơn 2.100 học sinh, giáo viên trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) chung một cảm xúc tiếc thương. Cả thầy và trò không ai bảo ai tất cả đều lặng lẽ xếp hàng ngay ngắn giữa sân trường để chuẩn bị cho buổi tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khoảnh khắc cờ rủ từ từ được kéo lên cũng là lúc khúc nhạc Hồn tử sĩ vang khắp sân trường, cả thầy và trò trường Lương Thế Vinh kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh Tổng Bí thư.
Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng nói với phóng viên Kim Nhung: “Tôi cũng như các thầy cô và các thế hệ học sinh trong trường dù chưa một lần được tiếp xúc với Tổng Bí thư. Tuy nhiên, nhân cách lớn của Tổng Bí thư luôn là điều mà chúng tôi kính trọng và noi theo.
Nhà trường tổ chức lễ tưởng niệm để bày tỏ tình cảm của thầy trò trường THCS - THPT Lương Thế Vinh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua đây giúp các em học sinh hiểu thêm được những phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư. Tổng Bí thư sẽ mãi là tấm gương sáng để các thế hệ giáo viên và học sinh noi theo”.
Gạt đi những giọt nước mắt, cô giáo Trần Thị Thành chia sẻ, ngoài lễ tưởng niệm được nhà trường tổ chức, các giáo viên tùy bộ môn giảng dạy sẽ có những cách thức để truyền tải đến học sinh, cho các em hiểu về cuộc những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư cho đất nước, nhân dân. Điều đó sẽ giúp các em rút ra được những bài học về việc làm người, chăm chỉ học tập, phấn đấu trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
“Điều khiến Tổng Bí thư được cả nước thương mến chính là nhân cách của ông. Chúng tôi sẽ dạy và kể cho học sinh nghe những câu chuyện về Tổng Bí thư để các em thấy rằng, Tổng Bí thư là con người vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi. Tất cả những điều vĩ đại đều được làm nên từ những điều tưởng như nhỏ bé nhất. Tôi mong các em sẽ noi gương Tổng Bí thư, trở thành những người có trách nhiệm với bản thân, với xã hội, với Tổ quốc và dân tộc”, cô giáo Trần Thị Thành tâm niệm.
Bệnh nhân, y bác sĩ đồng lòng hướng về lễ Quốc tang
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân đều dậy từ rất sớm mở các trang báo điện tử, ti vi để theo dõi thông tin, hình ảnh đầu tiên trong lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong buồng bệnh của khoa Viêm gan, bệnh nhân Phạm Văn Hải (xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) hướng mắt ra ngoài cửa sổ, nhìn xa xăm, lòng nặng trĩu khi theo dõi những hình ảnh lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ khi mới nghe tin, ông và các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đều không dám tin đó là sự thật, tất cả đều rất thương tiếc Tổng Bí thư. “Đây là mất mát quá lớn với toàn thể nhân dân Việt Nam”, ông Hải nghẹn ngào nói. Dù chưa một lần có cơ hội được gặp Tổng Bí thư, nhưng những quyết sách quan trọng của Tổng Bí thư đã đem lại cho ông Hải niềm tin tưởng vào Đảng, vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Ông càng kính phục và trân trọng những công lao đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho nước nhà đến hơi thở cuối cùng. “Tôi rất xúc động khi biết được dù sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn không ngừng làm việc vì dân vì nước”, ông Hải nói. Người đàn ông quê Nam Định cũng lấy làm tiếc vì sức khỏe không đủ tốt để cùng người dân cả nước đến nhà tang lễ kính viếng Tổng Bí thư.
Gần một tuần kể từ ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, chị Hà Thị Mai Lan (khoa Dược) cùng các đồng nghiệp vẫn không dám tin đó là sự thật.
"Tôi rất buồn và thương khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất. Mỗi lần lướt mạng hay có tin gì liên quan về bác tôi đều khóc cả. Cảm giác như mất đi người thân của mình. Vô cùng thương tiếc bác, người Cộng sản kiên trung, vị Tổng Bí thư giản dị, hết lòng vì dân”, nữ dược sĩ nói.
Nữ cán bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mong cho sự nghiệp mà bác để lại tiếp tục được kế thừa, phát triển để Việt Nam được hùng cường, người dân Việt Nam được bình yên, hạnh phúc.
“Các thế hệ đi sau mãi mãi biết ơn những hy sinh, công hiến của bác cho đất nước. Những gì Tổng Bí thư đã làm thật vĩ đại”, chị Lan xúc động nói.
Tỏ lòng tưởng nhớ sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng loạt các bệnh viện đều treo cờ rủ.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước buổi họp giao ban, toàn bệnh viện, tập thể cán bộ nhân viên của bệnh viện dành một phút mặc niệm, thể hiện sự tiếc thương, bày tỏ lòng thành kính đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhớ mãi lời dạy của Tổng Bí thư
Không mang quốc tịch Việt Nam nhưng ông K.V.S.R Subbaiah - Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCP Việt Nam đóng tại Phú Yên cũng chung niềm tiếc thương khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.
Video: Ông K.V.S.R Subbaiah chia sẻ
Ông K.V.S.R Subbaiah cho biết đã có mặt từ sáng sớm ở công ty, cùng các công nhân treo cờ rủ, dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phút nghiêng mình trước sự ra đi của vị lãnh đạo kiệt xuất, ông K.V.S.R Subbaiah nhớ lại kỷ niệm may mắn được một lần tiếp đón, làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần về thăm công ty vào ngày 3/5/2016. Mặc dù thời gian thăm rất ngắn ngủi nhưng để lại cho ông K.V.S.R Subbaiah nhiều ấn tượng đẹp.
“Khi trò chuyện, Tổng Bí thư rất quan tâm đến những người nông dân trồng mía và bán mía trực tiếp đến nhà máy. Tổng Bí thư khuyên công ty đặt ưu tiên và quan tâm người nông dân lên hàng đầu. Có chính sách đãi ngộ nông dân để nông dân gắn bó lâu dài với công ty. Đó cũng là hướng đi công ty kiên trì theo đuổi trong gần 10 năm qua”, ông K.V.S.R Subbaiah nhớ mãi.
Bình luận