Một lần nữa, Manchester United trở thành trò cười trên thị trường chuyển nhượng. Theo báo giới Anh, Quỷ đỏ muốn bán Alexis Sanchez ngay ở mùa hè này, nhưng không đội bóng nào muốn có Sanchez vì mức lương quá lớn. Sanchez nhận 500.000 bảng/ tuần trước thuế, tương ứng 24 triệu bảng/ năm. Lương của Sanchez có thể nuôi không ít đội bóng tại Hà Lan.
Không muốn "nuôi báo cô", MU đang đề nghị chung tay trả 50% mức lương cho Sanchez với đội bóng tiếp nhận anh. Nói cách khác, Quỷ đỏ sẽ trả 12 triệu bảng tiền lương năm, đội muốn sở hữu Sanchez trả 12 triệu bảng còn lại. Đội chủ sân Old Trafford phải tốn tiền để... đẩy cầu thủ đi, thay vì có sự phục vụ của anh ta.
18 triệu bảng là số tiền MU chi ra cho người đại diện cầu thủ, tính từ khoảng thời gian 1/1/2017 đến 31/1/2018, xếp thứ tư nước Anh, đứng sau Liverpool, Manchester City hay Chelsea. Song cần nhớ, Chelsea vô địch FA Cup, Man City vô địch Ngoại hạng Anh và cúp Liên đoàn Anh (2 lần), Liverpool vào chung kết Champions League, đứng nhì bảng Ngoại hạng Anh. Từng đồng tiền chi ra đổi lấy thành tích.
Còn với MU, vị trí thứ 6 hiện tại và 0 danh hiệu trong khoảng thời gian này đánh tụt vị thế của Quỷ đỏ xuống một nấc.
Người ta đã nói nhiều về sự lãng phí của MU. Thực tế thì, từ Real Madrid, Barcelona đến Man City, Chelsea, Liverpool đều có không ít hợp đồng "hớ". Barca tốn hơn 200 triệu euro cho Ousmane Dembele và Philippe Coutinho, những cầu thủ chưa có đóng góp đáng kể. Chelsea mua Danny Drinkwater, Davide Zappacosta, Ross Barkley, hầu như không thu lại hiệu quả. Liverpool thời Roy Hodgson, Kenny Dalglish hay Man City của Roberto Mancini, Manuel Pellegrini cũng tương tự.
Mọi thương vụ chuyển nhượng đều có rủi ro, và tất nhiên, MU gặp rủi ro cao hơn khi không có một GĐKT với tầm nhìn và khả năng thẩm định đủ tốt. Nhưng với Quỷ đỏ, vấn đề không chỉ nằm ở mua sai người, mà còn là định hướng sai khi chiêu mộ cầu thủ.
Tại sao MU chấp nhận trả mức lương không tưởng cho Sanchez - cầu thủ khi ấy đã 30 tuổi, khó có thêm tiến bộ chuyên môn? Câu chuyện có lẽ không nên giải thích theo hướng... chuyên môn. Đoạn clip ra mắt của Sanchez ở MU với cây đàn dương cầm có 150.000 lượt xem ngay sau khi phát hành, được chia sẻ bởi 206.000 tài khoản Twitter, cao gấp gần 40 lần so với clip ra mắt của Kevin de Bruyne ở Man City.
Theo chuyên gia thể thao, sự có mặt của Sanchez cũng giúp MU mở rộng thị trường Nam Mỹ và tăng doanh thu bán áo đấu. Vấn đề tương tự được đặt ra khi Quỷ đỏ chiêu mộ hàng loạt tên tuổi lớn như Radamel Falcao, Angel di Maria hay Bastian Schweinsteiger. Thương mại đặt trước, chuyên môn tính sau. Tất cả đều ra đi "không kèn không trống".
Di Maria từng nói anh bị "ép" phải đá cho MU. Trông mong gì ở thành công từ một cầu thủ như vậy? Hay Paul Pogba, dù được đá thường xuyên và đóng góp nhiều hơn hẳn, song cá tính và sự đỏng đảnh của cầu thủ này cũng không phải xúc tác cần thiết để đem đến sức mạnh cho tập thể. Anh công khai mời gọi Real Madrid, đi bộ trong 64% số dặm di chuyển trên sân và tự chơi bóng với nhịp độ của mình.
Một cầu thủ như thế sẽ không có chỗ đứng, nếu MU hôm nay còn là MU hoàng kim của Sir Alex Ferguson.
Trong cuốn hồi ký, Sir Alex Ferguson từng nói về thế hệ 1992 huyền thoại như sau. "Nếu cố hình dung suốt 20 năm đó mà không có các chàng trai 'cây nhà lá vườn' này, thì tôi gần như không biết lấy gì làm nền tảng cho đội. Họ mang lại sự ổn định. Những chàng trai được MU đào tạo mới là những người có sẵn trong người và cống hiến cho CLB một thứ quan trọng: tinh thần Manchester United".
Đội hình Quỷ đỏ ở chung kết Champions League 1999 hay Barca giai đoạn thành công 2008-2011 có điểm chung: cốt lõi nằm ở lứa cầu thủ tự đào tạo.
Ajax Amsterdam từng mua Frankie de Jong với giá 1 euro (cho mượn thêm vài cầu thủ trẻ), tương ứng với một tô phở, để rồi mài giũa và biến anh trở thành ngôi sao 75 triệu euro. Ở De Toekomst (lò đào tạo của Ajax), mọi cầu thủ đều được giáo dục rằng đội bóng là trên hết, được chơi thứ bóng đá thấm nhuần tinh thần Ajax và lứa cầu thủ trẻ trung, tài năng có tới hơn 70% sẽ và chung kết Champions League của CLB Hà Lan hôm nay là thành quả.
Khi bóng đá bị xâm thực bởi dòng chảy thương mại, xu hướng thành công nhờ đào tạo trẻ nhạt dần đi, song có một thứ không thay đổi, đó là đội bóng muốn thành công cần có tập thể hiểu được họ phải nỗ lực cho điều gì. Khi triết lý được nhất quán trong các chính sách, mọi viên ngọc thô đều có thể hoá thành "ngọc tinh".
Đấy là điều MU không thể trông đợi ở Pogba, Sanchez. Nhiệt huyết đâu mua được bằng tiền. Bài học đó, Paris Saint-Germain đã thấm, cớ sao Quỷ đỏ lại muốn lặp lại?
Những chiếc cúp từ thời Sir Alex Ferguson hay màn ngược dòng năm 1999 được nhắc đi nhắc lại mỗi khi Quỷ đỏ lâm nguy. Thay vì kiến tạo tương lai, MU lại... ăn mày dĩ vãng. Quỷ đỏ không thể mãi bấu víu vào hào quang xưa cũ, đúng như lời khẳng định của cây bút Jonathan Wilson. MU cần nhìn về tương lai, ở đâu? Ở Marcus Rashford, Scott McTominay, Mason Greenwood hay Tahith Chong.
CĐV giương cao tấm biểu ngữ "Rashford mang dòng máu đỏ" để thị uy niềm tự hào vào sản phẩm của lò đào tạo Quỷ đỏ. Không cần cứ phải trưởng thành từ lò trẻ MU mới chơi được tinh thần MU, song khán giả thừa hiểu ai muốn cống hiến cho đội bóng, ai không.
Đến một đứa trẻ cũng có thể chỉ cho Louis van Gaal sai lầm trong trận thua West Ham khiến MU mất vé đi Champions League, thì tại sao BLĐ của một đội lớn lại không nhìn thấy mục tiêu thương mại đang huỷ hoại tính chuyên môn và những giá trị cốt lõi của đội chủ sân Old Trafford thế nào?
Bình luận