Hơn 3 năm trước, khi Công Phượng cùng lứa đầu của Học viện HAGL đình đám trong màu áo U.19 Việt Nam, Quang Hải chỉ đóng vai phụ. Cùng với thời gian, từ màu áo U.17, U.19, U.21 rồi đội 1 với chức vô địch V.League 2016, tấm vé World Cup U.20 thế giới trong màu áo U.19 Việt Nam…, tiền vệ trưởng thành từ lò đào tạo Hà Nội T&T tiến những bước dài rất vững chắc và còn tiến xa. Còn Công Phượng, thật đáng tiếc 2 năm qua vẫn vật vã đi tìm chính mình, với ánh hào quang từ những giải trẻ giao hữu.
Từ chuyện của “của để dành” Quang Hải
“Cách làm của chúng tôi khác HAGL. Với cầu thủ trẻ, Hà Nội T&T sử dụng có tính toán, đan xen giữa nhiều lứa, thế hệ, dìu dắt nhau để họ học hỏi, trưởng thành từng bước. Chúng tôi không dùng toàn cầu thủ trẻ như HAGL, bởi ở sân chơi khắc nghiệt như V.League, đưa tất cả trẻ vào sân thì thời điểm căng thẳng có tính chất quyết định rất dễ mắc sai lầm, không thể hiện được và đánh mất nhiều thứ…”.
Khi nhắc đến Quang Hải và 90 phút xuất sắc trước Than Quảng Ninh trong trận ra quân mà tiền vệ này có 2 bàn thắng “độc và lạ” với một pha dứt điểm từ xa “phong cách Ronaldo” rồi quả đá phạt góc hẹp tung lưới, so sánh lực lượng trẻ măng của CLB Hà Nội với dàn cầu thủ trẻ của HAGL, HLV Chu Đình Nghiêm đã thẳng thắn như thế. Với trường hợp Quang Hải, ông thầy này không giấu sự tự hào và cho rằng, gương mặt nổi bật chưa đầy 20 tuổi chính là minh chứng cho “nguyên tắc bóng đá, không chỉ của Hà Nội T&T”.
“Có nhiều điểm, cậu ấy còn hơn cả Thành Lương” - HLV Phan Thanh Hùng nhận xét như thế. Trận Siêu Cúp quốc gia 2017, Than Quảng Ninh không thắng CLB Hà Nội về thế trận hay lối chơi, mà chỉ thắng tỉ số nhờ có những… “sát thủ” (Patiyo 2 bàn và Vũ Minh Tuấn 1 bàn). Nhưng 1 tuần sau đó, họ thất bại khi gặp lại, bởi đối thủ có một nhân tố xuất sắc - đó là Quang Hải, cầu thủ do chính ông Hùng góp công gây dựng, đào tạo.
Hết lượt đi V.League 2016, HLV Phan Thanh Hùng nhấc Hải khi đó mới 17 tuổi lên đội 1. Tự tin, không bị ngợp trước các anh lớn và ý định đăng ký V.League được đưa ra nhưng ban huấn luyện gạt đi, thậm chí khi tập còn yêu cầu đá rát để “cho biết sự khắc nghiệt”. Là viên ngọc thô, được đội bóng thủ đô tìm cách giữ gìn và khoanh vùng để đào tạo, Quang Hải được “thử lửa” ở đội hạng Nhất, phải sau mùa thứ 2 mới được đôn lên Hà Nội T&T.
Thậm chí, dù ở đội 1 nhưng 2 năm liền cầu thủ này vẫn khoác áo các đội trẻ để được thi đấu nhiều. Trước những lời đề nghị xin mượn hay mời ra nước ngoài thi đấu dạng hợp tác, Hà Nội T&T đều từ chối với trường hợp “của để dành” Quang Hải.
Được thi đấu nhiều bên các đàn anh toàn “có trình” như Văn Quyết, Thành Lương, Ngọc Duy, Gonzalo, Samson… kèm cặp chỉ bảo, Quang Hải trưởng thành rất nhanh. Ở trận quyết định tại V.League 2016, cầu thủ mới 19 tuổi này chơi chững chạc, có thể đảm nhiệm vai chính.
Thế nên không ngạc nhiên khi Thành Lương, Văn Quyết vắng mặt, còn Hoàng Vũ Samson không đảm bảo thể lực, chìa khóa trong các phương án tấn công của CLB Hà Nội được trao cho Quang Hải trong trận khai mạc V.League 2017.
Đến nỗi lo với Công Phượng
Khi tập trung ĐT Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2016, Công Phượng cũng như các cầu thủ HAGL “bám” những cầu thủ như Thành Lương, Văn Quyết rất sát. Từ chuyên môn lẫn cách ứng xử tình huống trong và ngoài sân, họ đều hỏi để được chỉ bảo trong luyện tập lẫn thi đấu. Đó là lý do khi nói về việc Công Phượng không thể hiện được mình, đánh mất cảm giác lẫn sự tự tin sau 1 năm chỉ tập chay bên Nhật không được thi đấu, Thành Lương tiếc nuối rằng “giá như Phượng được chơi bên cạnh các anh lớn thường xuyên hơn”.
Được tập, va vấp, truyền đạt kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện như là quy luật của bóng đá, Lương “dị” lấy chính mình ra để chiêm nghiệm khi lên đội 1 Hà Nội ACB hơn 10 năm trước. Đá xong giải U.21, 17 tuổi lên đội 1 và được xếp ở chung phòng với các đàn anh. V.League 2006, HLV Hoàng Văn Phúc cũng sử dụng Lương rất cầm chừng, nhiều trận xếp dự bị hoặc chỉ cho đá một hiệp đầu giải. Cũng phải mất 2 mùa vừa đá vừa học từ những thứ nhỏ nhất như cách điều hòa hơi để giữ sức, khi nào chuyền, khi nào đột phá…, Lương mới tự chỉnh sửa được cách chơi bóng bản năng và có thể độc lập trong vai trò trụ cột. Thế nên với tình trạng của Công Phượng, những cầu thủ như Thành Lương rất chia sẻ.
Khi bầu Đức giải tán cả đội 1 để bốc nguyên lứa U.19 lên đá V.League, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, chỉ ra những nguy cơ. Và sau hơn 2 năm, nỗi lo “chín ép” đó đã hiện hữu. Những gương mặt đầy triển vọng U.19 ngày nào, quá nửa chững lại và thậm chí có dấu hiệu đánh mất mình, trong đó Công Phượng chỉ là điển hình, nhìn Hồng Duy, Văn Sơn, Đông Triều và cả Thanh Tùng nữa thì hiểu được vấn đề.
Phượng nổi sớm, chín sớm nhưng lên đội 1 gặp quá nhiều vấn đề khi bị đẩy lên, gồng gánh trọng trách của một ngôi sao, thậm chí bị khai thác thương mại triệt để. Và sau thất bại ở V.League 2015, bầu Đức “giải cứu” bằng cách đưa Phượng sang Nhật “du học” nhưng rồi phải quay về HAGL để được thi đấu, tìm lại chính mình. Tuy nhiên, những gì nhìn thấy từ AFF Cup 2016, giải U.21 Quốc tế Báo Thanh Niên rồi trận khai mạc với SHB Đà Nẵng mà Công Phượng mờ nhạt với cách chơi cá nhân, lạc nhịp với chính đồng đội, mọi thứ không hề đơn giản.
Cần có thời gian và cơ hội nhưng không thể không lo, khi HAGL đang phải đối diện với bài toán khó, hệ quả của sự chủ quan, cách làm duy ý chí. Ngay như bài học 2015, mùa này họ lại mắc phải khi không dùng tiền đạo ngoại mà dồn gánh nặng lên những cầu thủ trẻ như Công Phượng, Văn Toàn. Và nhìn lại cả hành trình, có vẻ Phượng mới chính là “nạn nhân”.
Đừng trách và chỉ nên tiếc cho Công Phượng thôi, khi nhìn vào sự trưởng thành sau những bước đi vững chắc của Quang Hải.
Bình luận