Từ nhỏ, nhiều người xem phim chưởng đã thích mê những cú lộn nhào, bay lên không trung. Càng mê hơn những cú ra đòn, đỡ đòn bằng tay nhanh, mạnh, đẹp đến từng động tác nhỏ nhất của Chân Tử Đan hay Lý Liên Kiệt. Tuy nhiên, thực tế ở các trận đấu thực chiến ngoài đời thực, rất hiếm có những chiêu thức ra đòn hay đỡ đòn nhanh như thế, các chiêu thức khinh công cũng gần như mất tích.
Ví như trận Đoàn Bảo Châu tỷ thí Flores vừa rồi, võ sư Đoàn Bảo Châu chỉ thấy có một hai cú đá là giống Karate, lúc bí quá ông ấy lao vào ôm ngang bụng đối thủ vật xuống, chẳng khác đánh lộn là bao.
Tại sao các cao thủ võ lâm đấu võ ngoài đời thực không đẹp như trên phim? Liệu đó có phải là thực tế khi võ thuật không được chiếu rọi qua lăng kính điện ảnh, qua bàn tay đạo diễn như trong phim hay được sắp xếp, phân thế đầy tính biểu diễn như trong tập luyện, đối luyện?
Để hiểu rõ hơn về điều này, VTC News có cuộc phỏng vấn Đại võ sư Lê Kim Hòa – Phó chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam, kiêm Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền TP.HCM, võ sư Vũ Hải – Phó Tổng thư ký Hội Võ thuật Hà Nội, người vào vai Hùng “Cá rô” trong bộ phim đang rất ăn khách “Người phán xử” và võ sư Hà Huy Tường, quyền Tổng biên tập Báo Thể thao TP.HCM.
Video: Màn tỉ thí nghẹt thở giữa Vịnh Xuân quyền của Diệp Vấn với Hồng Gia quyền của Hồng Kim Bảo
- Các cao thủ tỷ thí ngoài đời thực sao không thấy đẹp như trên phim, thưa võ sư?
Đại võ sư Lê Kim Hòa: Võ trong phim và võ ngoài đời khác nhau nhiều. Trong phim, người ta phải làm các động tác nhanh hơn, cắt ghép hợp lý hơn. Võ thực nhiều khi có các tình tiết bị phô song vào phim đã không còn.
Võ ngoài đời không thể hoàn hảo bằng võ trong phim.
Đại võ sư Lê Kim Hòa
Tóm lại, võ ngoài đời không thể hoàn hảo bằng võ trong phim. Có những cái võ thực không thể làm như trong phim được. Và rõ ràng, võ phim phải có sự dàn dựng, cắt ghép mới làm được.
- Vậy võ thuật trong phim có phải là kinh nghiệm đúc kết của võ ngoài đời, được nâng cao tới cảnh giới cao nhất của người luyện võ?
Võ sư Hà Huy Tường: Nó không hoàn toàn như vậy. Phim ảnh rõ ràng là võ nghệ thuật, đề cao từ chất “nghệ” của các môn võ. Các đòn đánh đều được chỉnh sửa, quay nhiều góc độ khác nhau và đi sâu vào cái đẹp của quyền thế.
Khi vào thực chiến, các động tác phải tiết giảm để hướng đến sự hiệu quả. Tôi ví dụ như đòn đá vòng cầu nếu đúng kỹ thuật phải là 3 động tác: Nâng gối, úp hông và rũ chân. Thực tế trong thi đấu người ta chỉ cần 2 động tác nâng gối và úp hông luôn.
Võ sư Vũ Hải: Thực tế, võ trong phim ảnh và ngoài đời rất khác nhau. Nhưng võ thuật trong phim vẫn phải xây dựng có sự hợp lý trong kịch bản và có chất đánh như thực.
Ví dụ, xây dựng hình tượng nhân vật công an thì phải đánh võ công an, nhân vật đường phố phải đánh võ đường phố. Hầu như các bộ phim, tôi thường đọc kịch bản trước và xây dựng võ sau.
Chúng ta cũng phải hiểu, Việt Nam không có hệ thống máy quay hiện đại nên không thể làm kỹ xảo như nước ngoài. Tất cả các phim tôi làm, từ anh em đóng thế đến anh em võ thuật đều phải tập phải đánh thuần thục như thật ngoài đời và một cảnh quay có thể phải quay 3, 4 lần mới xong.
Video: Võ thực chiến khác xa võ thuật trong phim
- Việc nhiều người quá tin tưởng vào sự huyền diệu của võ thuật trong phim, khi đối diện với thực tế, liệu có khiến người ta mất niềm tin với võ thuật hay không?
Võ sư Hà Huy Tường: Câu chuyện Từ Hiểu Đông ở Trung Quốc dùng võ hiện đại MMA đánh thắng một võ sư Thái Cực quyền Ngụy Lôi đã khiến người yêu võ thuật Trung Quốc nhận ra nhiều điều.
Ngoài yếu tố giải trí ra, nếu làm quá, võ thuật trong phim chắc chắn có những tác động không tích cực, dễ gây lầm tưởng về sự huyền diệu, phi thực tế của võ trong phim
Võ sư Hà Huy Tường
Về phong trào, võ vẫn phải có tính thẩm mỹ cao, thậm chí phải phủ lên võ một lớp sương mờ để cho nó kỳ ảo. Nhưng khi chúng ta làm hơi quá trong phim thì sẽ tạo phản ứng ngược.
Câu chuyện nội công “điện giật” của Nam Huỳnh Đạo hiện tại là một ví dụ.
Vậy nên, ngoài yếu tố giải trí ra, nếu làm quá, võ thuật trong phim chắc chắn có những tác động không tích cực, dễ gây lầm tưởng về sự huyền diệu, phi thực tế của võ trong phim.
Cá nhân tôi cho rằng, làm phim võ thuật cần tôn trọng tính thực tế của võ. Có thể nó không đẹp mắt nhưng có thể quay ở góc độ nào để vừa lột tả được tính thẩm mỹ, vừa lột tả được tính thực dụng như vậy người xem mới không ngộ nhận.
- Tại sao khi thực chiến ngoài đời không còn nhìn thấy những đòn thế đẹp mắt như các võ sinh tập luyện, đi quyền hàng ngày?
Đại võ sư Lê Kim Hòa: Việc tập luyện võ mang lại cho võ sinh những kỹ năng phòng vệ, giúp họ chững chạc, tự tin, và có sức mạnh nhờ công phu tập luyện hàng ngày. Tuy nhiên, khi thực chiến sẽ phát sinh nhiều yếu tố như bản lĩnh, tinh thần, áp lực thi đấu, dẫn đến việc áp dụng các đòn thế khác đi rất nhiều.
Thông thường, giao đấu thực chiến không có định hướng sẵn, nên việc xoay chuyển, áp dụng đòn thế là không hề dễ dàng.
Không phải ai ở bất cứ thời điểm nào, tình thế nào cũng có thể phô diễn được hết một bài bài quyền đã luyện. Nói cách khác, việc áp dụng đòn thế hoàn toàn dựa vào khả năng trình độ của mỗi người.
Khi thi đấu đối kháng sẽ phát sinh tự vệ tự nhiên, phản xạ tự nhiên khiến cho đòn thế mất đi, hoặc không còn phản xạ võ thuật để đánh ra đòn, ra thế.
Một điểm quan trọng nữa, khi thi đấu đối kháng sẽ phát sinh tự vệ tự nhiên, phản xạ tự nhiên khiến cho đòn thế mất đi, hoặc không còn phản xạ võ thuật để đánh ra đòn, ra thế.
Khi ấy, những người có công phụ tập luyện, có thể lực, sự nhanh nhẹn, bản lĩnh hơn sẽ đánh ra lực tốt hơn, trúng đích hơn. Ngược lại, người ít tập luyện, dễ đánh mất tính tự chủ và không ứng dụng được đòn thế.
Võ sư Vũ Hải: Bạn nghe một người học giỏi võ trong một võ đường có vẻ rất ghê gớm nhưng thực tế chiến đấu không như trong tập luyện. Nó khác hẳn và nó phụ thuộc vào kinh nghiệm trường đời.
Tôi cũng ví dụ luôn, một võ sinh tập luyện rất giỏi ở võ đường, nhưng nếu không tập luyện trên võ đài sẽ không thể bằng một võ sĩ thường xuyên tập luyện trên võ đài. Tại sao, vì thi đấu đối kháng trên võ đài luôn sát thực tế hơn.
Bên cạnh đó, khi ra thực tế còn có sự khác biệt về trường phái. Việc ứng dụng các đòn thế như trong tập luyện rất khó nhuần nhuyễn.
- Vẻ đẹp võ thuật trong phim chính là tinh hoa của các môn phái, là động lực quảng bá nền văn hóa võ học của các dân tộc?
Võ sư Hà Huy Tường: Tôi đồng ý với ý kiến này. Muay Thái có những bộ phim về giả cắp tượng phật rất hay. Nó tôn vinh sự bay bổng của những đòn đánh gối trên không, những bộ chỏ của Muay Thái.
Thực ra những bộ chỏ trong võ cổ truyền Việt Nam cực kỳ sắc bén và đánh rất đẹp và hiểm tới mức năm 1993 Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam phải cấm đánh chỏ gối trong các cuộc thi. Tuy nhiên những người làm phim ở Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng của võ Việt Nam nên chúng ta chỉ thấy nhiều đòn chỏ, đòn gối trong Muay Thái.
Trước đây, phim Dòng máu anh hùng của Jonny Trí Nguyễn đã phát huy được các đòn thế của Vovinam và Vovinam cũng đã bước ra được thế giới và phát triển như ngày hôm nay.
1. "Ngay từ đầu, khi sang Việt Nam, võ sư Flores đã nói rất rõ ông muốn gặp võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt. Mục đích là để giới trẻ hiểu rằng, võ thuật không phải là điều gì đó quá thần thánh và cường điệu nó lên. Võ sư Flores muốn gặp võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt để chứng minh cho mọi người thấy rằng những gì ông Kiệt đã làm là cường điệu về võ thuật", Katleen Phan Võ, con gái của vị chưởng môn Vịnh Xuân Chính Thống - Nam Anh trả lời phỏng vấn Trí thức trẻ.
Video: Công phu "truyền điện" của Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt
2. "Công phu truyền điện là mọi người tự nói, chúng tôi chưa bao giờ đề cập như thế. Chúng tôi khẳng định luôn là không có truyền điện.
Đó là một loại nội công tâm pháp của bản môn. Những người tập cùng nhau lâu năm, có sự tương tác nhất định sẽ lãnh hội được giá trị. Sư phụ chúng tôi thi triển nhằm mục đích giúp các võ sinh nâng cao năng lực thể chất và tinh thần.
Môn phái không có ý định đưa lên quảng cáo, vô ý một đồ đệ quay, đưa lên mạng. Thêm nữa, thời gian qua nước ngoài có một số video lừa bịp nên chúng tôi bị ảnh hưởng", Trưởng Tràng Nam Huỳnh Đạo, võ sư Huỳnh Quốc Hùng trả lời phỏng vấn VnExpress.
Bình luận