(VTC News) – Mẹ mất sớm, cha lao vào rượu chè, những tưởng con đường học vấn của cậu học trò Lại Thành Nhân ở Phù Mỹ (Bình Định) sẽ dở dang...
Mấy ngày nay, khi hay tin Nhân đỗ vào Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Kiến trúc TPHCM với 18 điểm, người dân ở thôn Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ, Bình Định, không ngừng đến chia vui với em. Thương hoàn cảnh của cậu học trò nghèo vượt khó nên người ít người nhiều đều biếu em chút tiền giúp em làm lộ phí để chuẩn bị lên đường nhập học.
Nhân sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ mất từ khi em lên 8 tuổi. Cũng từ đó, ba em vốn làm nghề phụ hồ bấp bênh lại lao vào con đường rượu chè khiến công việc và đời sống gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn.
Lại Thành Nhân kể về hoàn cảnh gia đình mình
Nhân là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Em trai của Nhân hiện đang là học sinh trường THPT số 1 Phù Mỹ còn anh chị của Nhân do không có bằng cấp nên phải đi tứ xứ làm thuê kiếm sống.
Để có tiền phụ giúp ba nuôi em và trang trải chi phí học tập, thời gian đầu Nhân đến các hộ dân trong vùng xin việc làm thêm, từ nhặt lựa đậu, hốt chở trấu đến bốc vác…
Năm Nhân lên lớp 10 Trường THPT số 1 Phù Mỹ, ba Nhân là ông Lại Hòa An, trong một lần leo giàn dáo phụ hồ bị ngã gãy chân không thể tiếp tục làm việc trong một thời gian dài nên gia cảnh càng khó khăn hơn khiến em nhiều lần định nghỉ học để đi làm để giúp ba.
Nhân vượt qua mặc cảm chấp nhận đi ở để có tiền ăn học
Tuy nhiên, thấy cảnh anh chị mình do không được ăn học đến nơi đến chốn nên phải lặn lội khắp nơi làm thuê làm mướn vất vả mà tiền công thì không được bao nhiêu nên Nhân quyết tâm vượt qua khó khăn để tiếp tục học với khát khao thoát nghèo.
“Để có việc ổn định hơn, em sang quán cháo vịt gần nhà xin rửa chén bát thuê. Cô chủ quán là mẹ của một cô bạn học cùng lớp nên lúc đầu em rất xấu hổ, tủi thân nhưng nghĩ lại nếu không làm thì không biết lấy gì để ăn học nên em đành chấp nhận”, Nhân sụt sùi kể.
Tuy nhiên, làm được một thời gian, thấy thương cho hoàn cảnh của Nhân và thấy công việc rửa chén bát thu nhập không cao nên cô chủ quán đã giới thiệu em đến làm cho tiệm tạp hóa của chị Nguyễn Thị Nhật Lệ (40 tuổi), ở thị trấn Phù Mỹ.
Nhờ sự giúp đỡ, đùm bọc của gia đình chị Lệ, Nhân có điều kiện theo đuổi ước mơ đèn sách để thoát cảnh nghèo đói của mình
“Khi vừa gặp Nhân, vợ chồng tôi thấy rất quý. Khi tìm hiểu và biết được hoàn cảnh khó khăn của cháu, chúng tôi đã ngỏ lời đưa Nhân về nhà vừa phụ giúp gia đình vừa nuôi ăn học luôn và được gia đình cháu đã đồng ý”, chị Lệ nhớ lại.
Về ở với gia đình chị Lệ, ngoài thời gian học ở trường, Nhân phụ giúp chị trông coi, bán hàng tạp hóa, làm chân giao hàng đến khách trong và ngoài thị trấn. Tối về, sau giờ tự học, Nhân còn tranh thủ thời gian kèm cặp việc học hành cho hai đứa con của chủ nhà.
Với bản tính hiền lành, chăm chỉ, chịu thương chịu khó nên Nhân được gia đình chị Lệ xem như con trong nhà nên từ chỗ ăn nơi ở đến việc học hành của em đều được chị chu cấp đầy đủ.
Ngoài giờ học, Nhân làm chân chạy hàng cho chị Lệ
“Ở với cô Lệ, tuy phải làm công việc nhiều hơn nhưng em rất vui vì không còn phải lo lắng về miếng cơm manh áo nữa, hàng tháng cô còn cho thêm ít tiền gửi về phụ giúp ba, việc học hành của em luôn được cô chú động viên khuyến khích”, Nhân cho biết.
Dù vừa phải “đi ở” vừa học nhưng với nghị lực, quyết tâm của mình, suốt 3 năm THPT em đều là học sinh giỏi của trường. Ngoài ra, Nhân còn là một Bí thư Chi đoàn năng nổ, được Tỉnh Đoàn, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Định tặng bằng khen.
Và niềm vui, niềm tự hào nhất đối với Nhân và gia đình là em vừa ghi tên mình vào danh sách tân sinh viên Trường Đại học kiến trúc TP.HCM.
Nhận được giấy báo trúng tuyển Nhân và cô Lệ rất vui nhưng cũng hết sức lo lắng về những khoản chi phí cho năm học
Theo giấy báo trúng tuyển của nhà trường thì ngày 10/9 tới đây, Nhân phải vào làm thủ tục nhập học với những khoản thu đầu năm tương đối lớn khiến em và gia đình hết sức lo lắng.
“Mấy hôm nay, khi Nhân nhận giấy báo nhập học, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì cháu đã không phụ lại tình yêu thương, đùm bọc của mọi người. Còn lo vì sự trợ giúp của gia đình tôi thì có hạn không biết nơi đất khách quê người cháu nó sẽ phải xoay sở như thế nào để có thể tiếp tục theo đuổi con đường học vấn”, chị Lệ lo lắng.
Hiện cậu học trò “đi ở” này rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của xã hội để tiếp sức cho em được đến giảng đường đại học.
Độc giả quan tâm, chia sẻ xin liên lạc số điện thoại của Lại Thành Nhân: 01645.916.713, hoặc tạp hóa Mỹ Lệ: 658 Quang Trung, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ (Bình Định).
Nghĩa Bình
Bình luận