• Zalo

Tự mua thuốc trị đái tháo đường, trả giá bằng bàn chân phải hoại tử

Sức khỏeThứ Tư, 20/06/2018 07:17:00 +07:00Google News

Lại thêm một trường hợp bệnh nhân nhận hậu quả đáng sợ do tự mua thuốc trị tiểu đường uống điều trị tại nhà.

Anh Nguyễn Hữu C ,41 tuổi, ở Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội phải tháo bỏ ngón cái bàn chân phải do hoại tử. Theo các bác sĩ khoa Chăm sóc bàn chân - Bệnh viện Nội tiết Trung ương nơi anh C. điều trị, nếu anh đến bệnh viện chậm trễ hơn một vài ngày hoặc lớn hơn hiện tại 10 tuổi thì chân anh có nhiều nguy cơ phải tháo bỏ đến khớp gối.

Thông tin từ bệnh viện, anh C. bị bệnh đái tháo đường 17 năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, anh thường tự mua thuốc uống tại nhà, và do bận rộn công việc nên uống thuốc không đều đặn.

bc-s-ct-lc-chn-i-tho-ng-ptq

BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phẫu thuật loại bỏ phần thịt hoại tử ở chân anh C (Ảnh: BVCC)

Đến giữa tháng 5/2018, trên ngón chân cái của anh mọc một vài mụn nước nhỏ. Sau đó 2-3 ngày, những mụn nước ấy vỡ ra. Những cọ xát do di chuyển khiến những vết đó sưng và ngày càng lan rộng.

Ngón chân cái chuyển sang màu đen bầm như tụ máu. Đến ngày 19/5/2018, anh bị sốt mê man. Ngay ngày hôm sau, anh nhập viện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng tấy đỏ toàn bộ bàn chân phải, loét hoại tử nặng.

Các triệu chứng trên đều là biến chứng của căn bệnh đái tháo đường tuýp 1 mà anh đang mang. Không chỉ bị loét hoại tử bàn chân, anh còn bị biến chứng thần kinh ngoại vi, thần kinh tự động, phải cắt lọc phần thịt hoại tử và áp dụng các biện pháp điều trị cần thiết.

BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Từ một vài mụn nước tưởng chừng như vô hại, chỉ sau 5 ngày, bệnh nhân có nguy cơ phải tháo bỏ bàn chân, thậm chí cẳng chân. Đáng nói, trước khi nhập viện, bệnh nhân hoàn toàn không nghĩ rằng đây là do biến chứng của bệnh đái tháo đường mà chỉ phán đoán do bệnh ngoài da do nóng trong hoặc ảnh hưởng của bệnh thận".

Được biết, ngoài các vết loét ở chân, anh C cũng gặp nhiều biến chứng khác do căn bệnh đái tháo đường gây nên: Sụt cân nghiêm trọng từ 75kg xuống còn 49kg, người gầy yếu, mệt mỏi. Thị lực của anh cũng giảm sút nghiêm trọng: mắt phải 2/10, mắt trái 6/10. Anh cũng gặp những biến chứng về thận và các bộ phận khác trên cơ thể.

Bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ đái tháo đường trên toàn thế giới tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 – 2030). Đến năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người trưởng thành bị đái tháo đường và dự đoán sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040.

Hiện nay, ước tính cứ 11 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh đái tháo đường và năm 2040 thì 10 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc căn bệnh này.

BN-bin-chng-bn-chn-ptq

 Bệnh nhân C. điều trị tại bệnh viện (Ảnh: BVCC)

Đáng nói, đây là một trong những bệnh diễn biến khá âm thầm, không triệu chứng nên trong giai đoạn đầu người bệnh thường không biết hoặc biết nhưng không hề quan tâm đúng mức. Vì vậy, hậu quả mà nó để lại thường rất nặng nề.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới WHO bệnh đái tháo đường là “kẻ giết người” thầm lặng, gây ra những biến chứng nặng nề như: Mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành… Bệnh sẽ trở thành gánh nặng bệnh tật không chỉ đối với người bệnh, gia đình mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.

Số ca chết người toàn cầu của bệnh đái tháo đường năm 2015 là năm triệu người, trong khi đó số ca chết do HIV/AIDS là 1,5 triệu người, chết do bệnh lao là 1,5 triệu người và chết do sốt rét là 600 nghìn người. Như vậy, số ca người chết do đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hiểm.

Video: Thói quen ăn uống nào dễ dẫn đến bệnh tiểu đường?

Để phòng tránh mắc bệnh đái tháo đường, cần tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn. Bên cạnh đó, việc đi khám sức khỏe thường xuyên và xét nghiệm đường huyết định kỳ để phát hiện sớm bệnh, từ đó can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh là hết sức cần thiết.

Chi Lê
Bình luận
vtcnews.vn