• Zalo

Từ công nhân trở thành dịch giả nổi tiếng

Chân dungThứ Năm, 10/10/2024 08:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trước khi trở thành dịch giả, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc, ít ai biết Hoàng Xán Nhiên từng bỏ học và có cuộc sống làm công nhân vất vả trong nhà máy.

Sinh năm 1963 tại Phúc Kiến (Trung Quốc), Hoàng Xán Nhiên từ nhỏ đã chật vật với cuộc sống khó khăn và xê dịch. Trước khi thành công và trở thành người nổi tiếng, người đàn ông này từng trải qua nhiều đau khổ dằn vặt, thậm chí nghĩ đến việc tự kết liễu bản thân.

 Bị chế nhạo vì làm công nhân nhưng thích đọc sách

Năm 1978, Xán Nhiên theo mẹ đến sinh sống tại một ngôi làng chân núi tại Hồng Kông. Gia đình không có điều kiện nên cậu bé 15 tuổi khi ấy phải bỏ học đi làm công nhân nhà máy. Nơi làm việc yêu cầu sử dụng tiếng Anh nhưng ông còn không nhận biết được 26 chữ cái.

Cuộc đời Xán Nhiên trải qua nhiều vất vả. (Ảnh: Baidu)

 Cuộc đời Xán Nhiên trải qua nhiều vất vả. (Ảnh: Baidu)

Xán Nhiên chán ghét cuộc sống tại Hồng Kông khi mỗi ngày thức dậy đều phải đến nhà máy làm đi làm lại một việc là gắn các chiếc khuy lên quần áo. Nơi ở chật hẹp khiến anh luôn trong cảm giác bị kìm kẹp. Ở nơi đất khách, Xán Nhiên không có bạn bè và dần mất đi phương hướng.

Sau khi nhận lương, đồng nghiệp của Xán Nhiên thường tiêu vào cờ bạc và phụ nữ nhưng ông gần như tiêu hết vào việc mua sách báo, tạp chí.

Việc làm này của Xán Nhiên bị coi là ngược đời vì không ai lao động cực nhọc lại lấy tiền mua sách. Anh từng bị ám ảnh với những lời chế nhạo của những người xung quanh: "Học để làm gì? Đọc sách có ra tiền không?...", những câu nói này khiến Xán Nhiên ức chế đến mức muốn tự kết liễu bản thân.

Đến cha mẹ cũng không chấp nhận đam mê đọc sách của anh và coi điều này không có ích gì trong cuộc sống. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha, Xán Nhiên vẫn quyết tâm theo đuổi sở thích, vừa làm vừa ôn thi vào đại học. Sau đó, Xán Nhiên đỗ khoa Báo chí, Đại học Tế Nam.

Trở thành dịch giả, nhà thơ nổi tiếng

Thời gian học đại học, Xán Nhiên tập trung toàn lực cho việc học và phát triển bản thân. Anh dần quen với cuộc sống về đêm, đọc sách đến 4h sáng mỗi ngày. Sau thời gian học trên lớp, Xán Nhiên dành thêm thời gian để tự sáng tác.

Năm 1988, anh tốt nghiệp đại học, rồi trở thành phóng viên của một toà soạn báo. Quãng thời gian làm báo giúp anh gặp gỡ nhiều người và chứng kiến nhiều sự việc hiện tượng trong cuộc sống. Điều này giúp anh có cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn về con người.

Suốt quãng thời gian đó, anh vẫn thường xuyên sáng tác thơ và đam mê này giúp anh kiếm được khoản tiền kha khá.

Xán Nhiên nỗ lực theo đuổi đam mê. (Ảnh: Baidu)

Xán Nhiên nỗ lực theo đuổi đam mê. (Ảnh: Baidu)

Năm 28 tuổi, Xán Nhiên mắc bệnh nặng do lao lực sau thời gian dài thức đêm đọc sách. Từ đây anh mới bắt đầu thay đổi thói quen, điều chỉnh chế độ sinh hoạt của mình.

Sau khi kết hôn và sinh con, anh hài lòng với cuộc sống, tập trung làm việc, cống hiến và luôn giữ tinh thần thoải mái. 

Càng ngày anh càng được biết tới với nhiều tác phẩm nổi bật. Công việc dịch và sáng tác dù không đem đến cho anh sự giàu có nhưng lại mang đến danh tiếng. Sau những cống hiến của mình, Xán Nhiên được công nhận là dịch giả, nhà thơ của Trung Quốc.

Sau này, Xán Nhiên là tác giả của các tuyển tập thơ như “Thiền bên bể bơi”, “Tâm hồn tôi”, “Tuyển tập những điều kỳ diệu”… cũng cho ra đời tuyển tập các bài phê bình “Một góc nhìn cần thiết” và “Trong bóng tối của hai truyền thống”. Một số tác phẩm dịch nổi tiếng như "Nhân chứng và niềm vui", "Những bài thơ chọn lọc của Rilke", "Những bài thơ chọn lọc của Vallejo", "Về nhiếp ảnh", "Về nỗi đau của người khác", "Ký ức văn học trong Thiên niên kỷ mới”, “Hoạt động nội tâm”, “Đọc như thế nào, tại sao phải đọc”,...

Đến nay, ở tuổi ngoài 60, Xán Nhiên chọn cách ở ẩn để dành thời gian cho gia đình và tiếp tục dịch, sáng tác. 

Hiểu Lam(Nguồn: Sohu, SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn