Người đại diện cầu thủ hay “cò” theo cách gọi thông tục vốn phổ biến với bóng đá quốc tế nhưng còn ít được nhắc tới ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau vụ việc của thủ môn U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng vừa qua, công chúng bắt đầu chú ý hơn đến vai trò và hoạt động của “cò”.
Chuyện ở Tây
Giới bóng đá nhiều người không ưa thích gì “cò”, thậm chí ghét ra mặt. Sir Alex Ferguson thời còn tại nhiệm ở MU từng dùng nhiều từ ngữ rất nặng nề để miệt thị “siêu cò” Mino Raiola. Trong cuốn tự truyện phát hành hồi năm ngoái, Sir Alex đã nhắc lại cả chuyện này.
Theo giới bóng đá, sau thương vụ đưa Paul Pogba về MU với giá chuyển nhượng kỷ lục, Raiola đã vượt qua cả Jorge Mendes để trở thành tay “cò” quyền lực số 1 trong giới bóng đá. Mendes chính là người đại diện của siêu sao Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo.
Đằng sau các bản hợp đồng “khủng” của Ronaldo luôn có bàn tay đạo diễn của Jorge Mendes. Dĩ nhiên, Mendes bỏ túi khoản tiền không nhỏ sau mỗi thương vụ này. Các tay “cò” khác cũng tương tự, tuỳ giá trị hợp đồng và thoả thuận riêng ở mỗi trường hợp. Các phi vụ Mendes “đạo diễn” được nói lên tới 400 triệu bảng, số tiền có thể mua nhiều đội bóng.
Trong mắt nhiều người, thì “cò” là những tay trục lợi bóng đá. Họ có thể xúi giục thân chủ của mình bỏ đội bóng, để qua đó ăn chia phần trăm. Đây là lý do nhiều HLV ghét cay, ghét đắng “cò”. Chủ tịch CLB Napoli ở Ý, Aurelio De Laurentiis từng tuyên bố, “cò” giống như căn bệnh ung thư trong bóng đá. Ông De Laurentiis đưa ra tuyên bố dữ dội trên sau khi Napoli bị Juventus cướp mất cấy săn bàn Gonzalo Higuain.
Theo số liệu Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đưa ra, chỉ trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2016, các CLB ở giải Ngoại hạng Anh đã phải chi phí môi giới lên tới hơn 46 triệu bảng. Mua sắm càng nhiều thì tiền chi cho “cò” càng lớn. Như MU trong mùa vừa qua, tiền môi giới lên tới 10 triệu bảng.
Tại sao “cò” kiếm tiền các CLB như vậy, ai cũng biết nhưng họ vẫn có đất sống? Một người đại diện giỏi có thể giúp cầu thủ kiếm được nhiều tiền hơn từ các bản hợp đồng. Hầu hết giới cầu thủ đều thiếu kiến thức về pháp lý, rất ngờ nghệch trong đàm phán hợp đồng và “cò” giúp cho họ việc này.
Chuyện ở ta
Tay “cò” nổi tiếng nhất ở Việt Nam là Trần Tiến Đại, hiện vừa tiếp quản CLB Sài Gòn. Ông Đại là người đạo diễn hàng loạt thương vụ bạc tỉ ở V-League, ở đây có thể kể tới các vụ chuyển nhượng của tiền đạo Việt Thắng, trung vệ Như Thành (từ Bình Dương về Ninh Bình), hay trung vệ Phước Tứ khi đầu quân cho Sài Gòn Xuân Thành…
Giới bóng đá nói các thương vụ trên đã giúp ông Đại trở thành một tỷ phú. Những người đại diện hợp pháp cần được FIFA cấp phép nhưng ở Việt Nam, bất kỳ ai cũng có thể trở thành “cò”.
Trường hợp thủ môn Bùi Tiến Dũng, thủ thành U23 Việt Nam vừa rơi vào cuộc tranh giành giữa FLC Thanh Hóa với một công ty truyền thông, muốn đứng ra đại diện cho anh để khai thác thương quyền hình ảnh. Thanh Hoá rốt cuộc đã thắng, do nắm hợp đồng với Tiến Dũng, vốn đang còn trong diện đào tạo trẻ.
Người đại diện giỏi có thể đưa thân chủ trở nên nổi tiếng và giàu có, nhưng không ít trường hợp đẩy cầu thủ vào cảnh thân bại danh liệt. Với Tiến Dũng, giới bóng đá có lý do để lo lắng khi anh mới chỉ nổi lên ở VCK U23 châu Á 2018.
Tại FLC Thanh Hoá, Tiến Dũng vẫn là thủ môn dự bị. Thêm vào đấy, cách công ty truyền thông đứng sau Tiến Dũng “đẩy” anh lên cũng gây quan ngại, đó là tạo xì-căn-đan (với các người đẹp trong giới showbiz), thu hút lượng “fan” để kiếm tiền. Trong khi đó, yêu cầu tiên quyết đối với một cầu thủ là cần giỏi về chuyên môn. Jorge Mendes có thể rất tài năng, nhưng Cristiano Ronaldo cũng cần đặc biệt xuất sắc.
Bình luận