• Zalo

'Tự chủ không có nghĩa là nhà nước buông để trường muốn làm gì thì làm'

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 18/03/2016 03:56:00 +07:00Google News

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định khi các trường được giao tự chủ sẽ có nhiều quyền hơn nhưng vẫn phải chịu sự quản lý của nhà nước.

(VTC News) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định khi các trường được giao tự chủ sẽ có nhiều quyền hơn và Bộ chủ quản chỉ thực hiện quản lý nhà nước mà không can dự sâu vào hoạt động của nhà trường.

Sáng 18/3, Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 đã diễn ra với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện nay có thực tế sinh viên ra trường không có việc làm. Nguyên nhân do việc đào tạo, chất lượng kỹ sư, cử nhân của Việt Nam "có vấn đề".  Vì vậy, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các trường được giao tự chủ làm rõ những vướng mắc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 (Ảnh: Phạm Thịnh)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Tại hội nghị, đại diện các trường đã đưa ra 11 kiến nghị liên quan đến việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các các cơ sở giáo dục đại học công lập được giao tự chủ.

Đại diện các Bộ, ngành liên quan đã trả lời trực tiếp các kiến nghị của các trường và làm rõ những tồn tại, hạn chế.


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sau 1 năm thực hiện, phần lớn các trường vẫn chưa dùng hết quyền tự chủ của mình.

Còn một số điểm vướng thì trong buổi làm việc hôm nay đã có hướng giải quyết cụ thể cho các trường. Sau 1 năm thực hiện, việc giao tự chủ cho các trường sẽ được báo cáo Chính phủ để đánh giá vấn đề tự chủ cho các trường.

“Đây là con đường tất yếu mình phải làm, làm không vội vàng nhưng phải trương, quyết liệt với quan điểm lớn nhất là nâng cao chất lượng đào tạo đại học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Sau buổi làm việc sáng 18/3, vấn đề tự chủ học thuật và tự chủ về tài chính được cơ bản tháo gỡ. Ngoài ra, các trường tự chủ mong muốn có cơ chế hỗ trợ  của nhà nước về tài chính, tín dụng.

Phó Thủ tướng cũng cho biết sẽ ưu tiên vốn một số dự án ODA cho các trường đang tiến hành tự chủ và sẽ tự chủ.

“Tự chủ không có nghĩa là nhà nước buông để trường muốn làm gì thì làm”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Đại diện các Bộ ngành đã trực tiếp trả lời những vướng mắc của các trường đại học tự chủ (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại diện các Bộ ngành đã trực tiếp trả lời những vướng mắc của các trường đại học tự chủ (Ảnh: Phạm Thịnh)  

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng việc tự chủ của các trường đại học không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao của các học sinh nghèo.Việc này sẽ được giải quyết bằng cách cấp học bổng có giá trị cho những học sinh, sinh viên nghèo, học giỏi.

“Đi kèm với tự chủ là trách nhiệm phải giải trình rõ. Ở đây có câu chuyện về kiểm định. Hôm nay, Bộ GD-ĐT cũng thống nhất ban hành quy định cho tất cả các trường phải tự kiểm định và công khai trên website của nhà trường”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng trước mắt cần tập trung kiểm định chặt chẽ các trường được giao tự chủ. Các trường được giao nhiệm vụ tự chủ phải thực hiện gương mẫu, làm tốt.

“Trường khác vi phạm thì bị xử lý nhẹ, trường tự chủ vi phạm thì bị xử nặng hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tổ chức bộ máy, việc giao tự chủ thì đồng nghĩa vai trò của bộ chủ quản sẽ bớt đi. Như vậy, hội đồng trường phải tăng cường trách nhiệm giải trình. Việc này đã có quy định nhưng các trường thực hiện chưa nghiêm túc.

“Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ chủ quản và của các trường. Trong thời gian tới, các Bộ chủ quản phải kiện toàn các hội đồng trường. Cần phân định rõ trách nhiệm hội đồng trường cả hướng phát triển, đầu tư, nhân sự và có cơ chế giám sát (có thể là ban kiểm soát) và phân định chức năng điều hành của hiệu trưởng, ban giám hiệu”, Phó Thủ tướng nói.

Các Bộ chủ quản tập trung xem xét kỹ lưỡng nhân sự hội đồng trường khóa đầu tiên. Sau đó Bộ chủ quản giao cho họ toàn quyền quyết định các vấn đề lớn.

Phó Thủ tướng đề nghị đối với công tác cán bộ thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các bộ chủ quản chỉ làm công tác phê chuẩn. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu ý kiến việc hiệu phó không cần phê chuẩn mà giao cho hội đồng trường.

“Bộ nhất định phải ra quy định bắt các trường tự chủ phải công khai, không được giấu giếm gì cả. Chúng ta phải nói thật, có gì hướng thì tiếp tục tháo gỡ”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, các trường tới đây chưa xin tự chủ cũng phải theo định hướng tự chủ.

Vừa qua, trường đại học RMIT đưa ra ý tưởng sẵn sàng đứng ra làm các trung tâm học liệu về các lĩnh vực chúng ta rất cần như công nghệ thông tin. Nhà nước không có mất tiền.

Các trường chỉ tham gia vào và chia sẻ thay vì chúng ta xin các trường đầu tư để làm như vậy.

“Đề nghị các trường tự chủ gương mẫu tham gia chương trình này. Không nên phân biệt là trường trong nước hay trường nước ngoài, trường lớn, trường bé vì suy cho cùng trên môi trường mạng internet thì có thể dùng chung được hết”, Phó Thủ tướng nói.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn