Năm 2021 đang dần kết thúc giống như thời điểm nó bắt đầu với một đại dịch đang gây ra nhiều tác động tiêu cực. Dưới đây là một loạt diễn biến đáng chú ý làm thay đổi cục diện an ninh, chính trị và ngoại giao tại châu Á trong năm 2021.
Thỏa thuận AUKUS
Mỹ, Anh, Australia vốn là những đồng minh lâu đời nhưng việc 3 nước này tuyên bố thành lập liên minh an ninh mới vào giữa tháng 9/2021 đã gây ra một cơn địa chấn về địa chính trị tại châu Á và xa hơn nữa. Trọng tâm của quan hệ liên minh này là một thỏa thuận chia sẻ công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân với Australia. Pháp đã bày tỏ sự giận dữ vì hiệp ước dẫn tới việc hủy bỏ thỏa thuận bán tàu ngầm thông thường của nước này cho Australia.
Một số quốc gia Đông Nam Á đặc biệt lo ngại về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, mặc dù 3 quốc gia trên khẳng định thỏa thuận chỉ mang tính chất biểu tượng và không phục vụ cho mục đích đó. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cảnh báo AUKUS sẽ “khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trong khi Trung Quốc kêu gọi bộ 3 “từ bỏ tâm lý chiến tranh Lạnh và trò chơi tổng bằng 0”.
Chuyên viên nghiên cứu John Schaus thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định, dù phải mất nhiều năm nữa Australia mới có thể vận hành tàu ngầm hạt nhân, nhưng hiệp ước đã gửi đi một "thông điệp không thể nhầm lẫn" rằng các đồng minh "cam kết làm việc cùng nhau để đạt được các mục tiêu chung".
Khủng hoảng năng lượng
Tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng nặng nề đến Ấn Độ và Trung Quốc – hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào than đá. Các yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng này rất phức tạp. Những trận mưa lớn trong thời gian qua đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất than đá tại các nước xuất khẩu lớn như Indonesia, trong khi đó, nhu cầu ngày một gia tăng khi các nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại Trung Quốc, nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh và quyết định hạn chế nhập khẩu than đá từ Australia trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước leo thang được coi là nguyên nhân chính.
Sự biến động lớn đã xảy ra trên thị trường năng lượng. Giá than chạm mốc kỷ lục 269 USD/tấn vào tháng 10/2021. Giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng tăng vọt. Nhiều chuyên gia cho rằng giá khí đốt sẽ tiếp tục leo dốc trong thời gian tới khi nhu cầu năng lượng ở các nước Bắc Bán cầu như Trung Quốc đạt đỉnh vào khoảng tháng 2/2022.
Tranh cử tổng thống Philippines
Ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr, 65 tuổi, con trai cùng tên của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã nổi lên là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua bầu cử tổng thống Philippines vào tháng 5/2022.
Quyết định tranh cử của ông đánh dấu sự trở lại của gia tộc Marcos sau khi chính quyền cựu tổng thống Ferdinand Marcos bị lật đổ vào năm 1986, kết thúc 2 thập kỷ rưỡi Philippines được cai trị dưới chế độ thiết quân luật. Là người có năng lực, chính trị gia này được xem như một ứng viên nặng ký, nhưng quá khứ gia đình có thể khiến ông gặp phải nhiều rào cản lớn.
Nông dân Ấn Độ biểu tình rầm rộ
Sau gần 1 năm thực hiện các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố, người nông dân Ấn Độ đã khiến Thủ tướng Narendra Modi phải thay đổi quyết định.
Ông Modi đã rút lại 3 đạo luật nông nghiệp gây tranh cãi, từng được ban hành để tự do hóa lĩnh vực này. Đạo luật cho phép nông dân bán sản phẩm cho người mua ngoài các thị trường bán buôn do chính phủ quản lý, nơi người trồng được đảm bảo về mức giá tối thiểu. Nhưng các hộ nông dân nhỏ cho biết những thay đổi đó khiến họ dễ bị cạnh tranh từ các doanh nghiệp lớn và cuối cùng họ có thể mất hỗ trợ giá đối với các mặt hàng chủ lực như lúa mì và gạo.
Hàng nghìn người biểu tình đã cắm trại gần thủ đô cho đến khi Quốc hội Ấn Độ bãi bỏ các đạo luật vào ngày 29/11. Trong khi người nông dân đang ăn mừng, các nhà phân tích cho rằng sự đảo ngược này là một động thái có tính toán.
Bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ với 200 triệu người là tâm điểm của các cuộc biểu tình. Tại đây sẽ diễn ra cuộc bầu cử hội đồng lập pháp vào tháng 2 và tháng 3/2022. Cuộc bỏ phiếu tại Uttar Pradesh - nơi Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Modi đang cầm quyền, được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đối với cuộc bầu cử quốc gia Ấn Độ năm 2024. Quyết định bãi bỏ 3 đạo luật nói trên sẽ giúp Đảng Bharatiya Janata “kiểm soát được một số thiệt hại” dù tỷ lệ ủng hộ họ tại bang này đang có chiều hướng giảm.
Chính biến tại Myanmar
Myanmar đã trải qua 3 cuộc chính biến kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1948. Cả 3 sự kiện này đều tác động tiêu cực đến tình hình chính trị và kinh tế của đất nước.
Ngày 1/2/2021, ngay trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới được bầu, quân đội Myanmar (Tatmadaw) đã phế truất chính quyền dân sự, bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước San Suu Kyi và các thành viên nội các, Quốc hội và trao quyền điều hành cho chính quyền quân sự, do Thống tướng, Tổng tư lệnh Min Aung Halaing đứng đầu.
Việc quân đội Myanmar tiến hành đảo chính được xem là hệ quả tất yếu của những mâu thuẫn kéo dài giữa quân đội với chính quyền dân sự ở quốc gia này, kể từ sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020, với kết quả Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà San Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo. Quân đội cho rằng có gian lận trong cuộc bầu cử. Cuộc chính biến đã gây bùng phát các cuộc biểu tình trên diện rộng, gây tổn thất cho kinh tế Myanmar và gây khó khăn cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Nền kinh tế Myanmar đang trên đà suy thoái, đầu tư nước ngoài sụt giảm. Ngành du lịch gần như bị xóa sổ do cuộc đảo chính và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Liên Hợp Quốc cảnh báo gần một nửa dân số Myanmar sẽ chìm vào nghèo đói vào năm 2022. Trong khi đó, hệ thống y tế chỉ hoạt động ở mức 40% do các nhân viên y tế tẩy chay các bệnh viện công.
Taliban nắm quyền tại Afghanistan
Khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt 20 năm can thiệp quân sự tại quốc gia này, Taliban ngay lập tức tận dụng cơ hội lấp đầy khoảng trống. Với việc thực hiện chiến dịch quân sự ồ ạt, Taliban nhanh chóng đánh bại quân đội Afghanistan và giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước trong một thời gian ngắn. Hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho các lực lượng Mỹ và đồng minh đã đổ về sân bay ở thủ đô Kabul để sơ tán.
Hiện, chính phủ của Taliban đang phải gồng gánh một đất nước nghèo đói và đầy bất ổn, đối mặt những mối đe dọa xuyên biên giới. Nghiêm trọng nhất vẫn là cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra. Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo rằng hơn 23 triệu người tại quốc gia này phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng vào năm 2022.
Dịch Covid-19: Chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm
2021 là một năm đầy thách thức đối với cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu, ngay cả khi chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh. Sự xuất hiện của biến thể mới tại Anh đã khiến nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản thắt chặt kiểm soát biên giới. Biến thể này sau đó nhanh chóng bị thay thế bằng biến thể Delta dễ lây nhiễm – được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ.
Sự lây lan nhanh chóng của Delta tại Đông Nam Á đã làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu. Đến mùa Thu, Châu Á hầu như đã kiểm soát được Delta. Nhiều quốc gia từ Nhật Bản đến Thái Lan bắt đầu nới lỏng hạn chế đối với việc kiểm soát biên giới. Nhưng sự xuất hiện của biến thể siêu đột biến Omicron vào tháng 11 đã khiến kế hoạch mở cửa trở lại của nhiều quốc gia trong khu vực bị đảo ngược.
Thái Lan phải dừng việc đăng ký chương trình du lịch “Xét nghiệm và Đi” (Test & Go) cho phép khách du lịch tiêm phòng đầy đủ được nhập cảnh mà không cần kiểm dịch nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính. Singapore thông báo sẽ tạm dừng bán vé máy bay và vé xe buýt dùng trong chương trình Hành lang đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL) kể từ ngày 23/12 đến tháng 1/2022. Nhật Bản một lần nữa đóng cửa với tất cả du khách nước ngoài.
Bình luận