Mùa giải còn chưa kết thúc, nhưng có thể khẳng định chắc chắn: Chelsea sẽ không thể bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh. Lời nguyền dành cho "nhà vua" ở xứ sương mù sẽ được giữ vững đến hết mùa giải này, bất kể thầy trò huấn luyện viên (HLV) Antonio Conte có làm được gì trong ba tháng còn lại.
Sau chức vô địch của Manchester United (2008/2009), các đội bóng vô địch Ngoại hạng Anh đều sa sút ở mùa bóng kế tiếp. Có thể kể tới chính MU (2009/2010, 2013/2014), Man City (2012/2013,2014/2015), nhưng bộ đôi thành Manchester không thể sánh với Chelsea ở mức độ tụt dốc sau khi vô địch. Đội chủ sân Stamford Bridge có tới ba mùa giải rơi tự do từ trên đỉnh cao (2010/2011, 2015/2016 và mùa giải này).
Chelsea không chỉ sa sút nhiều, mà họ còn sa sút rất sâu, thậm chí đá tệ đến mức không ai nhận ra khi chơi bóng với tư cách đương kim vô địch.
Video: Manchester United 2-1 Chelsea
Gần 10 năm qua, Chelsea gặt hái nhiều thành công, nhưng không thành công nào có tính liên tục, bền vững. Jose Mourinho "ra đường" sau cú đúp vô địch, Roberto Di Matteo bị sa thải sau danh hiệu Champions League đầu tiên, và Antonio Conte chuẩn bị ra đi sau khi đưa Chelsea trở lại ngôi vương ngoạn mục.
Dù HLV mới mùa tới là ai, đội bóng thành London cũng phải xác định tinh thần xây dựng triết lí mới dựa trên hệ thống cầu thủ mới, và dĩ nhiên, là đối diện với những rủi ro mới.
Hàng chục lí do được đưa ra để giải thích cho việc Chelsea không thể ngự trị trên đỉnh cao. Thực chất, guồng quay khắc nghiệt của bóng đá thế giới ngày càng khiến việc duy trì thành công trở nên khó khăn hơn, mà mùa giải thảm họa của Real Madrid sau hai chức vô địch Champions League danh giá là minh chứng. Dẫu vậy, nhìn lại những trận thua của Chelsea ở mùa giải này, dễ thấy đội bóng của HLV Antonio Conte tự thua nhiều hơn.
Chelsea thua những đối thủ trung bình cỡ Burnley, West Ham, Watford, AFC Bournemouth, thua đối thủ... toàn thua như Crystal Palace. Ở Champions League, Eden Hazard cùng các đồng đội thua AS Roma non trẻ với tỉ số nhục nhã 0-3, thủng lưới tới 6 bàn/ 2 trận trước đối thủ có hàng công kém hiệu quả nhất trong nhóm dẫn đầu Serie A. Những đối thủ như vậy đâu phải quá xuất sắc?
Thắng thua là chuyện bình thường trong bóng đá, nhưng thua đến 7 trận/ 28 vòng, thua dù đã có lợi thế dẫn trước, và thua trước những đội bóng ở đẳng cấp thấp hơn thì chẳng có lí do gì để bào chữa. Chelsea thua bởi tinh thần thi đấu tầm thường từ những cầu thủ với nền tảng tâm lý quá yếu ớt.
Nhìn lại tinh thần "thép" trong giai đoạn 2004 - 2009 huyền thoại, Chelsea hiện tại không thua kém nhiều về mặt tiếng tăm. Các học trò của HLV Antonio Conte được đào tạo bài bản với công nghệ tốt hơn, chơi thứ bóng đá (phần nào đó) uyển chuyển và bắt mắt hơn, sở hữu nhiều bản hợp đồng đắt giá hơn.
Nhưng Chelsea 2017/2018 đã mất đi một thứ bởi chính sách chuyển nhượng sai lầm, đó là tinh thần chiến binh.
Chelsea của Jose Mourinho, Avram Grant hay Guus Hiddink không đá đẹp, đá nhuần nhuyễn và bắt mắt như giấc mơ về một "sexy football" (bóng đá quyến rũ) của ông chủ Roman Abramovich, song đội bóng áo xanh vẫn khiến châu Âu kiêng dè với sự xù xì, gai góc của những Michael Ballack, Didier Drogba, John Terry, Michael Essien hay Frank Lampard. Chelsea ngày ấy là tập hợp của sáu thủ quân các đội tuyển Anh, Đức, Bờ Biển Ngà, Ghana, Cộng hòa Czech, Nigeria. Chelsea ngày ấy từng "chiến đấu đến chết", và chỉ chịu thua tiếng còi đầy tranh cãi của trọng tài Tom Henning Ovrebo.
So với thế hệ Chelsea xưa cũ, những học trò hiện tại của Antonio Conte phải hổ thẹn với chính mình. Tấm băng đội trưởng thuộc về Cesar Azpilicueta - cầu thủ gần như duy nhất giữ được sự gan góc và tinh thần bất khuất của Chelsea trong quá khứ. Nhưng Azpilicueta cũng chỉ là lựa chọn thứ hai, khi đội trưởng Gary Cahill phải ngồi dự bị vì phong độ tồi tệ. Và rằng, một mình Azpilicueta là không đủ để chèo kéo cả tập thể Chelsea rệu rã với ý chí kém cỏi.
Tấm áo bào của nhà vô địch không thể che lấp đẳng cấp thật sự của không ít cầu thủ Chelsea. Trong mùa giải thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhiều cái tên "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" để đưa đội bóng tiến đến đỉnh cao, song khi đã đạt đến đỉnh cao rồi, họ không biết làm gì ngoài việc... trở lại bùn đen. Muốn xây dựng thành công liên tục, Chelsea cần có tinh thần thép để trụ vững trước nhiều đối thủ muốn xô đổ ngôi vương. Nhưng họ có gì?
Một hàng phòng ngự mong manh, dễ dàng sụp đổ trước sức ép. Chelsea phải trông cậy vào trung vệ còn non kinh nghiệm như Andreas Christensen, và "canh bạc" của Conte đã phải trả cái giá không nhỏ với hai thất bại liên tiếp trước Barcelona và MU - hai trận thua có thể khiến mùa giải của Chelsea kết thúc sớm. Conte bênh vực Christensen, một phần bởi ông không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn. Đội bóng nổi tiếng phòng ngự như Chelsea giờ mong muốn một trung vệ ổn định thôi cũng khó.
Một hàng tiền vệ với thương binh như Ross Barkley, món hàng "hớ" Tiemoue Bakayoko, cầu thủ dạng trung bình khá Danny Drinkwater. Và hàng tiền đạo với Alvaro Morata và Olivier Giroud - hai cầu thủ chỉ quen sắm vai dự bị. Cái vung tay bất mãn của Morata sau những cú ngã sõng soài là minh chứng cho "tinh thần Chelsea" hiện tại: yếu đuối, vô hồn. Nửa năm chơi bóng ở Anh, Morata vẫn không tài nào thích nghi được với nhịp độ chơi bóng tại đây, vẫn ngã liên tục, bất lực nhìn trọng tài và trải qua tới 10 trận tịt ngòi. Khi Chelsea khó khăn, không thấy Morata ở đâu.
Nhìn sang những cái tên "máu mặt" của Chelsea ngày trước như Didier Drogba hay Diego Costa - mẫu cầu thủ át vía hậu vệ đối phương để tạo ra lợi thế cho đội nhà, Morata hiện tại nên học cách... đứng vững trước khi nghĩ đến chuyện gây áp lực hay làm tường. Sự non nớt, sạch sẽ của Morata rất khó được phát huy trong môi trường bóng đá Anh - nơi Chelsea từng là con cá mập thỏa sức vẫy vùng.
Gianluigi Buffon từng nói: "Morata sẽ là chân sút đẳng cấp nhất nếu vượt qua rào cản tâm lý". Bóng đá không có chữ nếu, và "tâm lý" giờ là vấn đề lớn nhất với cả Morata lẫn Chelsea.
Chelsea còn ba tháng để cứu vãn mùa giải, khi cơ hội ở Ngoại hạng Anh, Champions League và FA Cup chưa hẳn đã hết. Nhưng cố gắng thế nào, trong bối cảnh cả tập thể không còn nhìn về một hướng, còn Conte cũng không biết mình có trụ lại sau mùa giải này hay không? Cố gắng thế nào, khi thứ tinh thần được đào luyện trong lửa từng tạo nên thương hiệu Chelsea đã nguội lạnh theo thời gian, chỉ còn lại một đội bóng bất ổn và có thể thua bất cứ lúc nào?
Lịch thi đấu của Chelsea trong phần còn lại của mùa giải:
Bình luận