1. Trong 10 năm qua, Chelsea đã trải qua 10 lần thay đổi huấn luyện viên. Mỗi lần như thế, Roman Abramovich - ông chủ của Chelsea, lại sa thải người cũ và tươi cười bắt tay với người mới trong phòng làm việc. Abramovich đã bắt tay với gần 10 huấn luyện viên khác nhau chỉ trong 10 năm!
Trên thế giới, hiếm có đội bóng nào thay huấn luyện viên với tần suất lớn như Chelsea. Với bóng đá - môn thể thao đề cao tính ổn định của cả một bộ máy, thay "tướng" nhiều đồng nghĩa với thất bại.
Nhưng Chelsea là một ngoại lệ. Đội chủ sân Stamford Bridge đã 3 lần vô địch nước Anh trong khoảng thời gian đó, 1 lần giành Champions League, 1 lần giành Europa League. 10 năm qua, không đội bóng Anh nào vô địch nhiều như Chelsea.
Thành công của Chelsea lại có điểm tương đồng với Real. Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha có 2 danh hiệu Champions League, 1 lần giành La Liga dù trong khoảng thời gian này, họ đã thay đến 3 huấn luyện viên.
Bí quyết thành công của Chelsea và Real Madrid hội tụ tại một điểm. Đó là bản sắc.
Từ ngày Jose Mourinho cập bến Stamford Bridge, Chelsea luôn trung thành và theo đuổi lối chơi dựa trên nền tảng phòng ngự với sự thực dụng, toan tính cao độ. Ngay cả khi Mourinho ra đi, Chelsea vẫn duy trì nhân sự, lối đá, tinh thần để hướng đến bản sắc này. Họ đã thành công.
Với bản sắc phòng ngự, Chelsea của Guus Hiddink (người chỉ dẫn dắt Chelsea trong khoảng 6 tháng) khiến Barcelona đỉnh cao phải khốn đốn. Với bản sắc phòng ngự, Chelsea của Roberto Di Matteo (người chỉ quen dấn dắt những đội bóng tầm thường) vô địch Champions League lần đầu trong lịch sử.
Khác với Chelsea, Real theo đuổi bản sắc tấn công hào hoa. Từ giai đoạn huyền thoại với 5 chức vô địch C1 liên tiếp đến chu kỳ thành công hiện tại, đội chủ sân Santiago Bernabeu chưa bao giờ vượt khỏi bản sắc này. Zinedine Zidane đã mang về cho Real 2 chiếc cúp Champions League với vốn liếng huấn luyện ít ỏi.
Điểm chung của Zinedine Zidane ở Real hay Di Matteo ở Chelsea là gì? Đó là họ đã kế thừa xuất sắc bản sắc của đội bóng chủ quản. Hay nói cách khác, Chelsea và Real đã tạo ra bản sắc rõ rệt, nền tảng vững chắc, huấn luyện viên trưởng chỉ là người kế thừa và phát huy để đưa đội bóng đến với vinh quang.
Đó cũng là bước đi đúng đắn của các đế chế bóng đá hiện đại.
2. Câu lạc bộ, cũng giống như đội tuyển, có bản sắc chưa chắc đã thành công, nhưng nếu thành công, buộc phải có bản sắc. Vậy bản sắc của tuyển Việt Nam, của bóng đá Việt Nam là gì?
Theo đánh giá của nhà báo Phan Đăng trong chương trình Cafe 24H, bản sắc của tuyển Việt Nam là... không có bản sắc nào cả.
Thật vậy, tuyển Việt Nam của Colin Murphy đá theo "kiểu Anh" với lối chơi đánh biên, bóng dài. Đến thời Henrique Calisto, tuyển Việt Nam chơi ban bật nhỏ, nhuyễn, trước khi quay trở lại với bóng dài, bóng bổng dưới thời Miura, và bây giờ là bóng ngắn dưới thời Hữu Thắng.
Video: Việt Nam 1-1 Đài Loan (Trung Quốc)
Như vậy, bóng đá Việt Nam đã đi ngược với xu thế bóng đá hiện đại. Thay vì có bản sắc riêng biệt để các huấn luyện viên chỉ việc khai thác, kế thừa, chúng ta phó mặc nhiệm vụ tạo dựng bản sắc cho huấn luyện viên trưởng. Mỗi thầy chơi một kiểu, từ tuyển đến các lứa trẻ.
Thế mới thấy, khi tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho rằng, cầu thủ nhập tịch không được gọi lên tuyển vì lí do "bản sắc", chúng ta mới ngớ người ra. Rốt cục, tuyển Việt Nam nên theo đuổi lối chơi nào, phong cách nào, thi đấu với tinh thần ra sao, chẳng lẽ mọi lỗi lầm tại... cầu thủ nhập tịch?
Nhiều người nói, bóng đá Việt Nam hợp với lối đá ban bật ngắn, nhuyễn, mà chức vô địch AFF Cup 2008 và hiệu ứng tích cực từ lứa HAGL JMG là minh chứng. Song nên nhớ, U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn đã giành vé đi World Cup bằng một lối đá khác, Olympic Việt Nam gây tiếng vang ở đấu trường châu lục bằng lối đá khác, và các đội bóng Việt Nam chơi V-League bằng một lối đá khác.
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra cho tuyển Việt Nam một hướng đi cụ thể, phù hợp với thể chất và năng lực của cầu thủ Việt Nam - những người chỉ chạy bằng một nửa so với cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến lúc này, tuyển quốc gia, U23, U19 đều chưa có bản sắc, vẫn đá theo kiểu "đèn nhà ai nhà nấy rạng".
3. Chúng ta xem Ngoại hạng Anh, La Liga, Champions League nhiều, nhìn cầu thủ nước ngoài chạy khỏe, đá sướng mắt, về nhìn đến cầu thủ Việt Nam, tự nhiên sẽ có độ "hẫng" nhất định.
Cầu thủ Việt Nam còn cách cầu thủ quốc tế một khoảng vời vợi, không thể san lấp trong ngày một ngày hai. Do đó, cái chúng ta cần học không phải là làm sao để người mình... cao như Tây, khỏe như Tây, mà là phải xây dựng bản sắc với tư duy, lối đá cụ thể, đồng nhất.
Đó là lối đá phù hợp với đội tuyển, và được phần đông người hâm mộ chấp nhận. Có định hướng rồi, bóng đá Việt Nam sẽ có đường hướng nhân sự, chiến thuật sao cho phù hợp. Theo thời gian, bản sắc sẽ tự nhiên mà hình thành.
Lúc đó, VFF có bắt tay với nhiều huấn luyện viên như Roman Abramovich cũng chẳng thành vấn đề, khi chúng ta đã có cái "nền" chắc chắn. Đừng để mỗi lần thay huấn luyện viên, tuyển Việt Nam lại phải đập đi làm lại từ đầu.
Nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Xây nóc thì dễ (như cách nói của HLV Alfred Riedl), tạo móng mới khó. Bản sắc bóng đá sẽ còn là câu chuyện rất dài, là dòng chảy cuốn cả VFF, các chuyên gia, huấn luyện viên, cầu thủ, câu lạc bộ và người hâm mộ vào rãnh sâu của những cuộc tranh cãi bất tận.
Bình luận