• Zalo

Từ bụi đời đến ngôi vị ‘vua đồ cổ’

Kinh tế Thứ Bảy, 12/07/2014 03:27:00 +07:00Google News

Vất vả mưu sinh từ lúc 10 tuổi để rồi sau hơn 45 năm, ông Hoàng Văn Cường sở hữu một lượng đồ cổ được định giá tới 70 triệu USD.

Vất vả mưu sinh từ lúc 10 tuổi để rồi sau hơn 45 năm, ông Hoàng Văn Cường sở hữu một lượng đồ cổ được định giá tới 70 triệu USD.

Ông được mệnh danh là “vua đồ cổ” Sài thành do sở hữu hơn 2.000 cổ vật được trưng bày tại ba căn nhà “bảo tàng tư nhân” ở TP HCM. Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton và phu nhân đã ghé thăm và tỏ ra rất thích thú.

đại gia, vua đồ cổ, đồ cổ, siêu giàu
Ông Hoàng Văn Cường bên các cổ vật của mình 
Nhưng người đàn ông sinh năm 1949 này đang được quan tâm hơn bao giờ hết sau tuyên bố hiến tặng 70% giá trị cổ vật để góp vào quỹ quốc phòng và giúp ngư dân bám biển. Nghe Mặt trận Tổ quốc TP HCM phát động chương trình vì biển đảo quê hương, ông Cường quyết định sẽ bán đấu giá toàn bộ số đồ cổ sưu tập hơn 45 năm qua để ủng hộ 70% tổng giá trị, 30% còn lại chia cho con cái, dòng họ.

Trong buổi làm việc với đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch mới đây, ông còn đề nghị cơ quan chức năng tổ chức trưng bày tất cả các cổ vật để phục vụ cho công chúng, du khách tham quan miễn phí.


Ông Cường chơi đồ cổ phong phú, nhiều thể loại từ những cổ vật niên đại trăm năm thời vua chúa Nguyễn, thời Tây Sơn... cho đến những cổ vật niên đại cả nghìn năm từ thời Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo...

Những cổ vật giá trị tiêu biểu như 9 chiếc long sàng của vua Chiêm Thành tặng vua Gia Long, vua Dục Đức, Hoàng Thái hậu Từ Dũ...; đồ ngự dùng của triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt là “Thiên hạ vô đối” chiếc sập ba thành làm bằng gỗ Lệ Chi hơn 300 năm dùng để hút thuốc của một viên quan triều Huế giá khoảng 40 tỷ đồng.

Tạp chí uy tín Asia Life đã đánh giá kho đồ cổ của ông Cường lên tới 70 triệu USD, riêng ông cho rằng khi bán đấu giá, giá trị kho đồ cổ sẽ vượt ngưỡng con số đó.


Trên tầng 3 ngôi nhà ngổn ngang đồ cổ ở đường Đông Du, quận 1, ông Cường chia sẻ về con đường mưu sinh và gian truân của mình. Gia đình khó khăn, từ Huế, cậu bé Cường 10 tuổi đã vào Đà Nẵng, Sài Gòn kiếm sống. Ban ngày Cường bập bẹ tiếng bồi bán báo, đánh giày cho lính Mỹ để dành tiền ban đêm học lớp thí điểm xóa mù chữ Bình dân học vụ. Thấy Cường lanh lợi, một đại úy Mỹ đem cậu bé vào căn cứ cho học tiếng Anh, quay phim chụp ảnh.

16 tuổi, Cường cầm máy ảnh và làm phóng viên ảnh cho hãng thông tấn UPI. Rất nhiều tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam được nhiều báo chí nước ngoài mua với giá cao. Trong đó, có bức ảnh chấn động dư luận thế giới chụp về cuộc di tản khỏi Nha Trang đầu tháng 4/1975 ghi nhận khoảnh khắc một viên chức Mỹ đấm vào mặt một thanh niên Việt Nam đang cố bám vào máy bay trực thăng chuẩn bị cất cánh.

Bên cạnh công việc của một kí giả, ông Cường còn làm thầu phế liệu, thu gom sắt vụn của bom đạn, xe tăng thiết giáp bị hư hỏng về buôn bán. Tận dụng lợi thế Anh ngữ, ông làm nhiều dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của giới khá giả trong và ngoài nước. Nhờ đó, ông Cường đã trở thành triệu phú đô la khi mới ngoài 20 tuổi.

Dòng máu gia đình 3 đời sưu tầm đồ cổ dẫn dắt ông bén duyên với cái nghề . Lúc làm thầu phế liệu, ông nhận ra và chắt lọc được nhiều cổ vật trong đống sắt vụn bỏ đi. Khi làm phóng viên đi khắp mọi tỉnh thành đất nước, ông cũng tích cóp mua lại những cổ vật còn sót lại.

“Cha làm thầy chả lẽ con đốt sách? Những cổ vật hàng nghìn năm mà cha ông để lại, nếu mình không trân trọng giữ gìn thì vô tình phản bội tổ tiên. Không thể để những con buôn hay người nước ngoài mang đi những vốn quý của dân tộc”, ông Cường chia sẻ.


Kể từ đó, ông đổ tiền mua cổ vật khắp mọi nơi, kể cả sang Nhật và những nước Đông Dương để đấu giá tìm cách mua về. Buổi đầu không tránh khỏi bị lừa, thẩm định sai cổ vật giả, ông rút ra nhiều kinh nghiệm và tự học. Ông đi nhiều nơi, tham dự những buổi đấu giá, giao lưu học hỏi với những chuyên gia, người đi trước để đúc rút kinh nghiệm trong việc xác định niên đại và thẩm định cổ vật.

Ngay giữa thời kỳ chiến tranh ác liệt, ông Cường vẫn kiên trì theo đuổi “sứ mệnh” tưởng chừng điên rồ của mình: mua cổ vật và quyết bảo quản giữ gìn đến cùng. Hơn 45 năm mua đồ cổ, nhưng ông chưa lần nào bán lại cho ai.

Thậm chí, có một người khách Nhật năn nỉ ông bán 25 cây súng Nhật có báng súng ngà voi được chế tạo từ năm 1600 bằng cách lấy một tờ séc trắng, rồi bảo ông ghi giá bao nhiêu cũng được, nhưng ông Cường quyết không bán bất kì thứ gì, dù là nhỏ nhất.


Ông Cường chia sẻ, sở dĩ ông có thể mua cổ vật mà không hề bán lại là nhờ tự chủ nguồn tài chính. Ngoài thu nhập cho thuê mặt bằng của căn nhà trên đường Đông Du, quận 1, ông còn kiếm được vài nghìn USD mỗi tháng nhờ dịch vụ du lịch như tổ chức những chuyến tham quan (mỗi đoàn du lịch 50 người thì chi phí tham quan là 100 USD, ăn uống 50 USD).

Chính ông Cường cũng kiêm luôn làm hướng dẫn viên thuyết minh về hai chủ đề: đồ cổ và những hình ảnh chiến tranh lịch sử tại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn xây dựng những chương trình homestay cho khách du lịch tại ba căn nhà của mình.

Ông hướng dẫn họ tìm hiểu đồ cổ, tranh ảnh lịch sử, uống trà đạo phong cách Việt Nam, học nấu ăn những món dân dã...

“Tôi tìm mọi cách làm sao để  hấp dẫn du khách và họ rất thích thú.  Họ muốn gặp tôi, vừa là chứng nhân lịch sử vừa là ‘ông vua đồ cổ’ biết nói tiếng Anh”, ông chia sẻ.


Một người buôn đồ cổ có tiếng ở TP HCM cho biết, bộ sưu tập đồ cổ của ông Cường ở TP HCM có lẽ được coi là giá trị nhất hiện nay. “Ông ấy có nhiều món đồ mà ai cũng thèm muốn. Nhiều khách sưu tập đồ cổ cũng nhờ chúng tôi hỏi mua giúp nhưng ông Cường không bán bao giờ”, vị này cho biết.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc bảo tàng Lịch sử TP HCM, để đấu giá được những cổ vật này, ông Cường sẽ phải làm các thủ tục với những ngành có liên quan như văn hóa, tài chính, thuế và cần phải có ý kiến từ Cục Di sản Văn hóa.

Theo vnexpress
Bình luận
vtcnews.vn