Sở GTVT TP.HCM cho biết, từ ngày 1/7 sẽ triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách.
Theo đó, mức thu thấp nhất là 15.000 đồng/tấn hàng hóa và cao nhất 4,4 triệu đồng/container 40 feet. Với lượng hàng hóa năm 2019 hơn 170 triệu tấn, dự kiến TP.HCM thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách; số tiền trích lại cho đơn vị tổ chức thu phí tối đa không quá 1,5%. Việc thu phí nhằm tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh khu vực cảng Cát Lái và các cảng trên địa bàn TP.HCM, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; tăng năng lực vận chuyển hàng hoá góp phần phát triển kinh tế TP.HCM.
Theo Sở GTVT TP.HCM, cảng biển trong TP được phân loại thành 4 khu bến chính gồm: khu bến cảng Cát Lái (7 bến cảng); khu bến cảng trên sông Sài Gòn (12 bến cảng), khu bến cảng Hiệp Phước (12 bến cảng), khu bến cảng Nhà Bè (11 bến cảng).
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại TP.HCM năm 2019 đạt khoảng 170 triệu tấn, chiếm hơn 1/4 trong tổng 600 triệu tấn của cả nước xuất qua cảng.
Hệ thống cảng ở TP.HCM có nhiều lợi thế về năng lực khai thác, gần các khu công nghiệp, chế xuất. Các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn, Soài Rạp... có mạng lưới hàng hải quốc tế dày đặc, đáp ứng các loại tàu thuyền ra vào.
Tuy nhiên các cảng ở TP.HCM đang bị hạn chế năng lực khai thác do hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh. Ùn tắc giao thông đã kìm hãm khả năng khai thác, phát triển các cảng. Thực trạng này kéo theo hàng loạt hệ luỵ như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng chi phí logistics...
Hiện các đơn vị liên quan hoàn chỉnh phần mềm kết nối để thực hiện thu phí thông qua hệ thống 24/7 của Hải quan TP.HCM, không dùng tiền mặt. Hệ thống cũng dựa trên bộ máy nhân lực sẵn có ở cảng để thu phí chứ không làm tăng thêm nhân sự.
Bình luận