• Zalo

TTVN có vị tha thế này: Thất bại cũng hóa anh hùng

Thể thaoThứ Sáu, 10/08/2012 03:47:00 +07:00Google News

(VTC News)- Có những phần thưởng lớn hơn cả tiền bạc, danh vọng mà những anh hùng Olympic nhận được.

(VTC News)- Có những phần thưởng lớn hơn cả tiền bạc, danh vọng mà những anh hùng Olympic nhận được.

Khi kiếm sĩ Ruben Limardo lên máy bay rời London, anh không thể tưởng tượng ra mình sẽ được chào đón theo nghi thức nguyên thủ quốc gia tại quê hương Caracas, Venezuela.

Shin A-lam cũng không ngờ bức ảnh cô ngồi khóc như mưa cả tiếng đồng hồ để phản đối kết quả bất công của các trọng tài đã làm rung động hàng triệu người hâm mộ và gián tiếp giúp môn đấu kiếm trở nên phổ biến hơn bao giờ hết tại Hàn Quốc.

Shin A-lam khiến môn đấu kiếm phổ biến hơn tại Hàn Quốc. 

Có rất nhiều VĐV đoạt huy chương tại London 2012 giống như Limardo và Shin A-lam. Ngoài tiền tưởng, danh tiếng, họ còn chiếm trọn trái tim và tình cảm của khán giả nhờ nhiệt huyết, lòng dũng cảm và tinh thần không bao giờ đầu hàng của mình.

Hiện tượng internet và báu vật quốc gia

Limardo, người đem về HCV đầu tiên cho Venezuela sau 44 năm chờ đợi, vinh dự được đích thân tổng thống Hugo Chavez tiếp đón và trao tặng bản sao thanh gươm quý giá mà anh hùng dân tộc nước này - Simon Bolivar - từng sử dụng.

Trước khi rời London, anh còn tạo nên hiện tượng internet với "tấm hình ấn tượng nhất Olympic" được đăng tải trên tạp chí Gawker của Mỹ. Bức hình chụp lại cảnh nhà vô địch pose ảnh với các hành khách trên tàu điện ngầm và dạy họ cách cổ vũ bằng tiếng Venezuela.

Simon Bolivar vinh dự nhận bảo kiếm của Venezuela. 

Shin A-lam  sau khi chấp nhận kết quả xử thua đầy bất công ở nội dung đấu kiếm đơn nữ, đã trở lại đầy ngoạn mục với tấm HCB nội dung đồng đội. Hàng trăm nghìn lượt bình luận trên mạng xã hội Twitter và Facebook bày tỏ ngưỡng mộ đối với sự gan dạ, nghị lực của nữ VĐV này.

Cô trở thành biểu tượng của thể thao xứ Kim Chi tại London 2012. Thông qua hình ảnh của Shin, đấu kiếm trở thành một trong những môn thể thao được bàn tán và yêu thích nhất Hàn Quốc.

Đồng hương của Shin, Yang Hak-seon không chỉ được ngợi ca sau tấm HCV thể dục dụng cụ đầu tiên cho Hàn Quốc mà còn bởi trái tim giàu lòng nhân ái. Anh đã dành toàn bộ số tiền thưởng và tập luyện Olympic (90 nghìn USD) cho các thành viên trong gia đình, những người có cuộc sống lam lũ, vất vả ở quê nhà.

Nụ cười "hớp hồn" nước Mỹ

Gabby Douglas, 2 HCV thể dục dụng cụ toàn năng nữ, gây sốt trên các sóng truyền hình Mỹ với nụ cười xinh đẹp và rạng rỡ. Cô nhanh chóng được nhận được những bản hợp đồng quảng cáo kếch xù với giá trị 5-10 triệu USD.

Ở tuổi 16, Gabby làm nên kỳ tích cho thể dục dụng cụ Mỹ.  

"Tấm HCV không nói lên nhiều điều. Chúng tôi lựa chọn Gabby bởi cô ấy là độc nhất với sự trẻ trung, xinh đẹp và một nụ cười tỏa sáng", đại diện một nhà tài trợ cho hay.

Lindan, HCV đơn nam cầu lông, được gọi là "Super-Dan" khi trở về Bắc Kinh. Thành công của anh trực tiếp nâng giá trị hợp đồng quảng cáo của công ty Li Ning với đội tuyển bóng bàn Trung Quốc lên 12% chỉ sau một đêm.

Đồng hương của Lindan, kình ngư Sun Yang (2 HCV) đã có thêm 2,5 triệu fan trên mạng xã hội Weibo - một con số ngang ngửa lượng fan của Usain Bolt trên mạng Twitter.

Aron Szilagyi, HCV đấu kiếm đơn nam, được tiếp đón như người hùng dân tộc khi trở về Tehran. Các trận thi đấu của anh đã khiến chính phủ đặc cách tiếp sóng các kênh truyền hình bị cấm để phục vụ hàng triệu người hâm mộ nước nhà.

Lindan được săn đón như người hùng dân tộc tại sân bay Bắc Kinh. 

Thua trận không phải thảm họa

Sau nghi án dàn xếp tỉ số, nữ Nhật Bản đã lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ khi thi đấu khởi sắc và đoạt HCB bộ môn bóng đá.

Đặc biệt, đội tuyển Judo nước này rời London mà không có một tấm HCV dắt túi. Bất chấp là nước khai sinh ra bộ môn Judo, người dân xứ sở mặt trời vẫn tỏ ra cảm thông với các VĐV.

"Kể cả khi các bạn thất bại, các bạn vẫn xứng đáng nhận được lời ngợi khen", báo chí Australia đã viết như vậy sau khi kình ngư James Magnussen vuột mất tấm HCV khi về đích sau người thứ nhất 0,01 giây.

Trong ngày thi đấu thứ 12, hình ảnh VĐV vượt rào Liu Xiang hôn tấm chắn trên đường chạy trong lần cuối cùng tham dự Olympic gây xúc động mạnh tới người hâm mộ Trung Quốc. "Con tim tôi tan vỡ khi anh vấp ngã nhưng rồi nó lại được hồi sinh với nụ hôn cuối cùng của anh", một độc giả bình luận trên Tân Hoa Xã.

Liu Xiang bại trận trên đường chạy nhưng rất nổi tiếng ở quê nhà. 

Có thể thấy, hiệu ứng Olympic lớn tới mức nào ở từng quốc gia tham dự. Mỗi tấm huy chương mà VĐV mang lại là một cái cớ để người dân các nước mở hội ăn mừng. Họ tạm gác lại những nỗi lo âu thường nhật để mở lòng và tận hưởng bầu không khí chiến thắng hiếm hoi 4 năm mới có một lần.

Quả không ngoa khi Reuters nhận xét "cần nhiều hơn vàng thật để tạo nên một người hùng Olympic".

Hoài Thu

Bình luận
vtcnews.vn