Truyền hình trả tiền của Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?

Thị trườngThứ Hai, 05/07/2021 08:57:00 +07:00
(VTC News) -

Thị trường truyền hình trả tiền đang chứng kiến sự xuất hiện và cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, viễn thông trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền với 5 loại hình dịch vụ gồm: Truyền hình cáp (Analog, Truyền hình số, IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, truyền hình di động (Mobile Tv) và truyền hình qua mạng Internet. Trong đó, hiện nay Việt Nam có tổng cộng hơn 10 triệu thuê bao truyền hình cáp; gần 1 triệu thuê bao truyền hình số mặt đất;  gần 1,8 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh;hơn 1,2 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 800.000 thuê bao truyền hình di động. Việt Nam hiện có 87 kênh phát thanh trong nước, 191 kênh truyền hình trong nước và 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng.

Cạnh tranh gay gắt

Doanh thu của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Theo thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đạt 8.600 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện đạt 4.400 tỷ, tăng 5,7% so với con số 4.160 tỷ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm trước. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm 2019.

Truyền hình trả tiền của Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh hiện nay? - 1

Thị trường truyền hình trả tiền đang chứng kiến sự xuất hiện và cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, viễn thông trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, có thể thấy, doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) của truyền hình trả tiền Việt Nam đang ở mức rất thấp. 

Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang triển khai cung cấp thêm dịch vụ truyền hình Internet. Thống kê cho thấy, trong số 35 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ trả tiền, có tới 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình Internet. Đây là dịch vụ giúp đáp ứng xu hướng xem truyền hình trên các thiết bị di động và xu hướng cá nhân hóa nội dung của người dùng. Trong khi số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ truyền thống đang có chiều hướng bão hòa, thậm chí giảm nhẹ, lượng thuê bao truyền hình Internet đang ngày một tăng lên. Tính đến tháng 8/2020, đã có tổng cộng 30 triệu lượt tải và đăng ký ứng dụng xem truyền hình của các doanh nghiệp trong nước. Doanh thu của dịch vụ truyền hình OTT đã tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 2017-2019. Tuy vậy, về tỷ trọng doanh thu giữa truyền hình OTT (khoảng 120 tỷ) và truyền hình truyền thống (gần 8.600 tỷ) vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam còn đang phải cạnh tranh trực tiếp với sự lấn lướt của dịch vụ truyền hình được cung cấp bởi các công ty xuyên biên giới. Ngoài thách thức của việc chuyển đổi hoạt động sang online, tình trạng ăn cắp bản quyền trên mạng Internet đang ngày càng gia tăng với nhiều phương thức tinh vi, phức tạp. Điều này cũng sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước.

Cuộc chiến dịch vụ truyền hình qua Internet (truyền hình OTT) đã thực sự bùng nổ khi mà từ năm 2016, các doanh nghiệp truyền hình như: SCTV, VTVcab, K+, VTC, VNPT, Clip TV… đã nhập cuộc và năm 2017 đã chứng kiến sự bùng nổ của dịch vụ truyền hình qua Internet (truyền hình OTT) tại Việt Nam. Sự phát triển bùng nổ các dịch vụ OTT đã đe dọa đến các dịch vụ truyền hình truyền thống, giống như các dịch vụ GTGT (VAS), Over the Top (OTT) trong lĩnh vực viễn thông di động khiến các nhà mạng sụt giảm doanh thu. Do đó, các doanh nghiệp truyền hình buộc phải nhập cuộc chơi OTT có thu phí như “chiếc phao cứu cánh” để gia tăng doanh thu.

Ngoài việc phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để dành thị phần, thuê bao; truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang phải cạnh tranh với những dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền dịch vụ Internet mà Netflix là một đối thủ đánh gờm nhất. Bên cạnh Netflix, các ứng dụng xem truyền hình trả tiền qua website, ứng dụng Android/iOS, TV Internet… khác như: iflix (Malaysia), Danet (Việt Nam), Fim+ (Việt Nam), Clip Tv (Việt Nam) với những lợi thế về nội dung cung cấp, Việt hóa, cập nhật nội dung…cũng khiến cho cuộc chiến cạnh tranh dành thị phần, thuê bao, doanh thu… trên thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam thêm phần khó khăn.

Khuyến nghị dành cho truyền hình trả tiền của Việt Nam

Để thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam có thể phát triển lành mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển tốt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, chuyên gia khuyến nghị cần xây dựng quy hoạch phát triển thị trường truyền hình trả tiền phù hợp.

Truyền hình trả tiền của Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh hiện nay? - 2

Chuyên gia khuyến nghị cần xây dựng quy hoạch phát triển thị trường truyền hình trả tiền phù hợp.

Phương châm chỉ đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước ta đối với thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền là “phát triển đi đôi với quản lý tốt”. Sự phát triển này không chỉ đơn thuần là tăng về mặt số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền mà còn bao gồm cả mở rộng quy mô, phạm vi tác động và nâng cao chất lượng thông tin và nội dung hướng đến người tiêu dùng.

Quy hoạch thị trường truyền hình trả tiền cần quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần khống chế trên 1 loại hình dịch vụ (cáp, vệ tinh, IPTV) để có cơ chế kiểm soát thị trường thông qua kiểm soát giá thành, tránh tình trạng phá giá, bán dưới giá thành gây đổ vỡ thị trường... 

Ngoài ra, cần hành lang pháp lý đủ mạnh. Năm 2020, thị trường truyền hình trả tiền tiếp tục gia tăng khó khăn khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp xuyên biên giới. Các đơn vị quy mô vừa và nhỏ sẽ bị tác động trong quá trình cạnh tranh do hạn chế nguồn lực tài chính mở rộng kinh doanh, đầu tư hạ tầng và đầu tư theo xu hướng công nghệ mới. Do đó, chính sách và môi trường pháp lý cần “đi trước, đón đầu” sự thay đổi của ngành, tránh gây bất lợi cho doanh nghiệp nội.Cần quy định, các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định. Tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt đúng theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ về nội dung chương trình truyền hình, phim ảnh…

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền. Thanh tra, kiểm tra là nhiệm vụ quan trọng của quản lý nhà nước về thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền vì truyền hình có quan hệ trực tiếp tới chính trị. Truyền hình không những phản ánh dư luận mà còn tạo ra và hướng dẫn dư luận. Vì vậy, hoạt động này cần diễn ra thường xuyên, nhanh nhạy để kịp thời ngăn chặn, xử lý những vi phạm pháp luật trong thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền.

Hồng Yến
Bình luận
vtcnews.vn