• Zalo

Truy thu khoản lợi kếch xù từ chênh lệch thuế xăng dầu

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Năm, 17/03/2016 01:20:00 +07:00Google News

Chiều 16/3, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, cơ quan này sẽ sớm khắc phục tình trạng các doanh nghiệp đầu mối lợi dụng chênh lệch thuế xăng dầu để hưởng lợi

Chiều 16/3, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, cơ quan này sẽ sớm khắc phục tình trạng các doanh nghiệp đầu mối lợi dụng chênh lệch thuế xăng dầu để hưởng lợi, đồng thời truy thu các khoản lợi có được từ việc lợi dụng chênh lệch thuế này.

Truy thu qua quỹ bình ổn

Việc phát sinh chênh lệch thuế trong cách tính giá bán lẻ xăng dầu khiến người dân phải mua xăng giá đắt, lợi nhuận chảy vào túi doanh nghiệp…, cơ quan thuế nói đã lên kế hoạch truy thu phần lợi từ chênh lệch thuế nhập khẩu kể trên với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đầu mối thông qua cơ quan quản lý thuế địa phương.

Nếu áp mức thuế theo thực tế thì giá xăng dầu sẽ thấp hơn.

Đơn cử, số liệu từ thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy hai tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu xăng, dầu của cả nước khoảng 535 triệu USD, với mức thuế nhập khẩu chênh lệnh (5%-10%) như hiện nay thì con số người tiêu dùng trong nước tiếp tục phải trả là không hề nhỏ.

Chuyên gia kinh tế ông Ngô Trí Long khẳng định, doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng sơ hở này để tính hưởng lợi , nếu áp mức thuế xăng dầu theo thực tế thì giá xăng dầu đã thấp hơn, và nền kinh tế được hưởng lợi. Ông Long cho rằng cần truy thu khoản lợi nhuận thu được từ doanh nghiệp  thông qua cách bù nộp vào quỹ bình ổn xăng dầu.

Trong khi đó với ước tính trung bình tháng, các doanh nghiệp nhập khoảng 400 triệu lít xăng dầu từ khu vực ASEAN, Hàn Quốc, chênh lệch thuế 5 – 10%,  22 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể thu lợi 425 tỷ đồng/tháng. Cũng theo thống kê sơ bộ, tổng nguồn thu thuế nhập khẩu xăng dầu vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 35.000 tỉ đồng.

Kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu

Bộ Tài chính khẳng định, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế MFN. Giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

Căn cứ giá cơ sở xăng dầu và mức sử dụng Quỹ BOG (nếu có), các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá (tăng/giảm) theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công thương - Tài chính công bố.

Theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN; do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênhlệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau). Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.

Để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.

Được biết Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cục thuế địa phương đề nghị kiểm tra chặt các khoản chi phí, thu nhập chịu thuế thu nhập của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Danh sách các doanh nghiệp xăng dầu được yêu cầu kiểm tra bao gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM (SaigonPetro) và một số doanh nghệp khác.

Nhiều doanh nghiệp trong số này đã có những khoản lợi nhuận lớn trong năm 2015, đặc biệt là Petrolimex. Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn này, riêng khoản lợi nhuận kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đạt 1.990 tỉ đồng trong năm 2015.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ trả lời Đại Đoàn Kết, cơ quan quản lý nắm rất rõ về doanh nghiệp. Khi thấy lãi bất thường hoàn toàn có thể thanh tra, kiểm tra. Mặt hàng kinh doanh xăng dầu nước nào cũng có cơ chế đặc biệt, bản thân doanh nghiệp kinh doanh đầu mối đang được hỗ trợ phần chi phí định mức. Nếu như doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở thuế để thu lợi bất chính cần phải thu lại và nộp vào ngân sách nhà nước. Cách thu lại, cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan thuế.

“Nếu doanh nghiệp nào với lô hàng nhập về, không xuất trình giấy tờ hợp lý thì khoanh vùng, chẳng có gì không làm được” – TS. Hồ nhấn mạnh.

Được biết Tổng cục Hải quan cũng vừa yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra tình hình hưởng ưu đãi theo C/O theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có bổ sung mặt hàng xăng dầu form VK theo VKFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc) vào đối tượng kiểm tra.

Cụ thể, các Cục Hải quan địa phương được yêu cầu bổ sung vào nội dung báo cáo số liệu hàng tháng các hoạt động nhập khẩu xăng dầu theo form VK được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Thông tư 201/2015/TT-BTC ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện VKFTA giai đoạn 2015- 2018. 
“Việc tính giá cơ sở với những mức thuế khác nhau không phải xuất phát từ việc Việt Nam ký kết những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương khá dồn dập thời gian qua mà điều quan trọng ở cơ chế quản lý. Vấn đề này đã đặt ra bài toàn mới về điều phối các cam kết hội nhập bởi rõ ràng, với trường hợp chênh thuế xăng, dầu như hiện nay thì lợi nhuận đã rơi vào túi doanh nghiệp” - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.    

 
Nguồn: Vntinnhanh
Bình luận
vtcnews.vn