Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chế độ, chính sách dành cho giáo viên mầm non các trường công lập chưa hấp dẫn, trong khi giáo viên phải chịu khá nhiều áp lực.
Không chỉ ở năm học 2019-2020 mà từ nhiều năm qua tại một số địa phương của Bà Rịa-Vũng Tàu như: huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức, thị xã Phú Mỹ tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang xảy diễn ra ở nhiều trường. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu vẫn là do thu nhập và áp lực về thời gian.
Theo bà Trần Thị Thu Hồng, hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, năm học 2019-2020 nhà trường tăng thêm 3 lớp, với 220 cháu từ độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Hiện nay, trường đang thiếu 8 giáo viên ở các lớp. Có những ngày giáo viên bị ốm hay bận việc gia đình phải xin nghỉ, nhà trường buộc vận động nhân viên văn phòng, kế toán kể cả bản thân hiệu trưởng cũng tham gia giữ lớp.
Bà Hồng còn cho biết, nhu cầu gửi trẻ trong dân còn nhiều nhưng không dám nhận vì nhà trường thiếu giáo viên: “Học trò thì quá tải nhưng giáo viên không có, nên nhà trường không dám nhận thêm học sinh. Nhà trường cũng vừa động viên các cô vừa điều động thêm giáo viên từ Ban Giám hiệu xuống giữ lớp, hay như nhân viên văn phòng, kế toán, văn thư vẫn phải xuống phụ với các cô”.
Ông Mai Sỹ Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức cho biết, địa bàn hiện có 20 trường mầm non công lập, năm học 2019-2020 toàn huyện thiếu khoảng 90 giáo viên, thế nhưng lượng hồ sơ đăng ký thi tuyển chỉ có 23 trường hợp. Phân tích về nguyên nhân trên, ông Hải cho rằng, do mức lương khởi điểm của giáo viên công lập chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả thu nhập của một số ngành nghề lao động phổ thông, nhưng công việc thì áp lực, nặng nề, vì ngoài đứng lớp còn phải kiêm nhiệm thêm cả dọn vệ sinh, soạn giáo án, làm đồ chơi, sinh hoạt chuyên môn...
Ông Hải nói: “Mức lương thì thấp mà áp lực công việc nhiều, thời gian thì bị khống chế từ 6h sáng đến 5h30 chiều, kể cả buổi trưa cũng phải làm việc. Giáo viên phải dọn sân trường vì không có tạp vụ. Trên địa bàn có nhà máy xí nghiệp nhiều, giáo viên có bằng sư phạm mầm non nhưng không đi dạy mà đi làm công nhân xí nghiệp. Kế đó là cơ sở mầm non tư thục nhiều trường trả lương cao, còn hỗ trợ tiền ăn trưa, lễ Tết và có bảo hiểm xã hội”.
Tại TP Vũng Tàu tình trạng thiếu giáo viên mầm non thì ít nghiêm trọng hơn nơi khác, năm học 2019-2020 trên địa bàn có 15 trường mầm non thì chỉ thiếu 25 giáo viên. Để giải quyết việc này, nhiều trường chủ động đề xuất với ủy ban thành phố hợp đồng với giáo viên bên ngoài tham gia công tác với nhà trường.
Có những trường từ năm 2021 sẽ tiến đến tự chủ tài chính nên từ năm 2018 họ đã xây dựng được đội ngũ giáo viên, không để thừa và thiếu giáo viên. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, hiệu trưởng Trường mầm non Châu Thành, TP Vũng Tàu nói: “TP Vũng Tàu thiếu giáo viên nhưng trường Châu Thành không thiếu, vì chúng tôi chuẩn bị tinh thần chuẩn bị tự chủ. Chúng tôi cố gắng giữ đội ngũ giáo viên được ổn định, trừ những trường hợp chuyển công tác. Thí dụ trường 12 lớp phải giữ 24 giáo viên, sang năm tự chủ thì năm nay tự chủ trước”.
Trường cao đẳng Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay tình trạng sinh viên bậc học mầm non học tập tại trường rất ít, trong đợt tuyển sinh năm 2019 vừa qua, nhà trường đã xét tuyển bằng hình thức học bạ và điểm thi THPT quốc gia, có 328/525 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào trường, riêng bậc học mầm non, nhà trường được giao 130 chỉ tiêu, nhưng đến nay chỉ có 8 thí sinh làm thủ tục nhập học.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non, trước mắt huyện sẽ đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tăng thêm phụ cấp cho giáo viên mầm non, bên cạnh đó huyện sẽ liên hệ với các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đưa giáo viên về địa phương giảng dạy.
“Giáo viên mầm non thấp quá nên các em bỏ đi nơi khác hết. Về lâu dài huyện Châu Đức sẽ xin chủ trương xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, trong đó có giáo viên để họ về đây có thể yên tâm công tác và có thể mua nhà xã hội, ổn định cuộc sống”, ông Bản nói.
Tăng cường đãi ngộ, tăng mức trợ cấp mà các địa phương của Bà Rịa-Vũng Tàu đang hướng tới để thu hút giáo viên mầm non. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non, về lâu dài tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần mạnh dạn để các trường tự chủ tài chính, có như thế họ mới chủ động được nguồn nhân lực.
Bình luận