• Zalo

Trường hợp thiệt mạng đầu tiên vì tay chân miệng ở TP.HCM, biểu hiện thế nào?

Sức khỏeThứ Năm, 27/09/2018 07:34:00 +07:00Google News

Tính từ đầu tuần đến nay, có 10 trẻ phải thở máy và 5 trẻ phải lọc máu và đã có 1 trẻ thiệt mạng do bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, chỉ trong 3 tuần trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng đột biến, gấp 5 lần so với tháng trước và đã có một trẻ thiệt mạng.

Những ngày gần đây, mỗi ngày, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận hàng chục trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng, ngày cao điểm lên đến gần 80 trẻ.

Theo bác sĩ Khanh, đến ngày 26/9, bệnh viện có 179 ca đang điều trị bệnh tay chân miệng, trong đó có gần 30 ca nặng phải nằm phòng cấp cứu.

Tính từ đầu tuần đến nay, có 10 trẻ phải thở máy và 5 trẻ phải lọc máu và đã có 1 trẻ thiệt mạng do bệnh tay chân miệng.

 Virus gây bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Khanh lo ngại trong những ngày tới, số lượng trẻ nhập viện sẽ tiếp tục gia tăng. Số ca nhập viện vì tay chân miệng năm nay là do nhiễm chủng virus EV 71 nguy hiểm.

Chủng virus này có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

Chính vì vậy cha mẹ cần phải lưu ý phòng bệnh cho trẻ. Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều, có dấu hiệu khác như trẻ giật mình trong lúc thiu thiu ngủ, trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao trên 2 ngày thì người nhà phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Hơn nữa, bệnh lại lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống nên nguy cơ bùng phát, lây lan trong mùa mưa lũ hiện nay là rất lớn.

Để phòng chống bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…

Video: Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng

Bên cạnh đó, cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ tốt nhất là cả cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày.

Bàn tay của cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã…

(Nguồn: giadinhmoi.vn)
Bình luận
vtcnews.vn