Ông Trần Đức Phấn nói: “Đây là một kỳ Olympic có niềm vui, nhưng cũng có cả nỗi buồn với đoàn thể thao Việt Nam (TTVN). Vui là với chiếc HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh, đó là một thành công ngoài sức tưởng tượng bởi trước khi đi đoàn chỉ mong có được 1 chiếc huy chương là thành công rồi. Còn buồn là bởi ngoài bắn súng, các môn khác đã không thật sự thành công.
Bên cạnh đó, những tin đồn, điều tiếng không hay về công tác tổ chức nhân sự của đoàn cũng khiến đoàn sống trong bầu không khí ảm đạm suốt những ngày qua”.
* Xin ông nói rõ hơn về những điều tiếng xoay quanh vấn đề nhân sự này, cụ thể là chuyện số lượng bác sĩ của đoàn?
- Những ngày qua, ở nhà có thông tin đoàn TTVN dự Olympic mà không có bác sĩ nào, đây là thông tin hoàn toàn không chính xác. Đoàn VN dự Olympic 2016 với 3 bác sĩ. Cũng có người cho rằng số lượng như vậy là quá ít, điều đó cũng đúng, nhưng là vì giới hạn mà ban tổ chức (BTC) Olympic đặt ra cho đoàn TTVN.
Trước đây chúng tôi đã thông báo về chuyện này, BTC chỉ cho đoàn TTVN tổng cộng 10 suất cán bộ và 16 suất HLV, không tính trưởng đoàn. Suất HLV thì không thể nào lấy được rồi, chúng tôi chỉ có thể tinh giảm tối đa số cán bộ và đắp vào đó 3 bác sĩ. Trên thực tế, đây là số bác sĩ đông nhất trong lịch sử dự Olympic của TTVN, những kỳ trước chỉ có 1 bác sĩ.
Tuy nhiên, chúng tôi tiếp thu những ý kiến đóng góp và trong các kỳ Olympic sau, đoàn sẽ cố gắng tính toán để tăng số lượng bác sĩ nhiều hơn nữa.
* Còn những tranh cãi về việc cán bộ “tranh suất” với HLV, dẫn tới việc một số VĐV như Văn Ngọc Tú (judo) hay Nguyễn Tiến Minh không có HLV ở Olympic thì sao, thưa ông?
- Xin được nói trước rằng không có việc cán bộ giành suất của HLV để đi chơi. Việc BTC chỉ cho tổng cộng 16 HLV với 23 VĐV VN dự giải tạo rất nhiều khó khăn cho đoàn. Chúng tôi đặt trọng tâm ở những môn được kỳ vọng như cử tạ cần một HLV cho mỗi VĐV, nhưng không phải vì vậy mà có quan niệm rằng môn này khó có huy chương thì không cần HLV.
Cá nhân tôi chỉ mong sao mọi người có thể đợi đến khi đoàn thi đấu xong rồi mới đem chuyện này ra mổ xẻ.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn
Trường hợp của Văn Ngọc Tú là do chuyên gia người Trung Quốc huấn luyện cô ở Cần Thơ hết hợp đồng, về nước ngay trước thềm Olympic. Vì vậy bộ môn judo đã họp nhiều lần và rút ra phương án Ngọc Tú không cần HLV. Còn về Tiến Minh, chính anh đề nghị không cần HLV đi cùng.
Còn một điều khác cũng xin nói rõ là việc có một số liên đoàn thể thao xin cử người đi theo đoàn dưới hình thức tự túc nhưng vẫn không được. Đó là bởi quy định của BTC Olympic kỳ này. Ở Olympic London 2012, điều này là có thể nhưng ở Olympic Rio, BTC không cho phép bất kỳ ai ngoài danh sách 49 người đã đăng ký (gồm 7 cán bộ, 3 bác sĩ, 16 HLV và 23 VĐV) vào làng VĐV. Vì vậy, dù có bỏ tiền túi đi cũng không được vào làng VĐV.
Nhưng tôi thừa nhận đây là một trong những mặt hạn chế, thiếu sót của đoàn dự Olympic Rio bởi VĐV cần có HLV. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng tính toán lại nhân sự trong kỳ Olympic tới. Cá nhân tôi chỉ mong sao mọi người có thể đợi đến khi đoàn thi đấu xong rồi mới đem chuyện này ra mổ xẻ.
* Còn những điều đáng buồn về chuyên môn thì sao, thưa ông?
- Đầu tiên là thất bại của môn cử tạ khi kỳ vọng giành một huy chương nhưng lại tay trắng. Những môn thể thao khác như thể dục dụng cụ, điền kinh, VĐV cũng không đạt được thành tích như từng thể hiện ở các giải đấu trước đó. Nhưng điều này phụ thuộc một phần vào những chấn thương của một số VĐV.
Còn về trường hợp của Ánh Viên, tôi không cho rằng cô đã thất bại ở Olympic 2016. Trước giải, chúng tôi đã xác định nội dung chủ yếu của Ánh Viên tại Olympic Rio là 400m hỗn hợp, Ánh Viên đã thi đấu rất xuất sắc ở nội dung này.
Hai nội dung còn lại, chúng tôi từng đề nghị ban huấn luyện bỏ bớt, nhưng ban huấn luyện cho rằng việc thi đấu ở Olympic cũng là một phần trong quá trình luyện tập của Ánh Viên nhằm hướng tới Giải vô địch bơi lội châu Á 2016 vào cuối năm ở Nhật.
* Đoàn rút ra được bài học gì sau thất bại của môn cử tạ?
- Có hai bài học lớn. Đầu tiên là vấn đề tâm lý của VĐV. Hầu hết các chuyên gia đều nhận định Thạch Kim Tuấn đã gặp vấn đề về tâm lý khi thi đấu. Kim Tuấn hoàn toàn có thể giành HCĐ nếu không gặp vấn đề về tâm lý.
Đây là một bài toán lớn dành cho TTVN trong thời gian tới, chúng ta cần phải suy tính cách làm sao để VĐV giảm thiểu những trở ngại về tâm lý. Mời bác sĩ tâm lý riêng là một phương án, nhưng cần phải được bàn bạc kỹ hơn trong thời gian tới.
* TTVN cần phải làm gì trong thời gian tới để nối tiếp thành công của Hoàng Xuân Vinh và vượt qua bài học từ thất bại của những môn khác, thưa ông?
- Nếu được đầu tư tốt hơn về cơ sở, trang thiết bị tập luyện, bắn súng có thể có thêm nhiều VĐV đủ sức giành huy chương Olympic chứ không chỉ mỗi Hoàng Xuân Vinh. Bên cạnh đó, vấn đề về y sinh học cũng cực kỳ quan trọng, chúng ta cần có bác sĩ về mảng tâm lý và mảng thể chất dành cho VĐV, điều đó chắc chắn nâng cao hiệu quả thi đấu.
Olympic kỳ này là một minh chứng cho điều đó. Đây là kỳ Olympic đầu tiên trong lịch sử đoàn TTVN có được tiểu ban y tế thành lập từ cách đây hai năm. Việc có những bác sĩ chuyên phụ trách xoa bóp, hồi phục thể lực mỗi ngày đã giúp các VĐV thi đấu tốt hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển tiểu ban y tế này hơn nữa ở các giải đấu sau.
Bình luận