Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM dự kiến có thêm phương thức tuyển sinh "kết hợp các tiêu chí" nhằm đánh giá toàn diện năng lực thí sinh. Các tiêu chí gồm: năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.
Tiêu chí năng lực học tập gồm: kết quả học THPT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế. Trong đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực là yếu tố quan trọng bởi nhiều năm qua, thí sinh trúng tuyển bằng kết quả kỳ thi này đang thể hiện năng lực học tập tốt.
Dự kiến, phương thức "kết hợp các tiêu chí" sẽ giữ vai trò chủ đạo trong công tác tuyển sinh của trường từ năm 2022.
Ngoài ra, ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn sử dụng các phương thức tuyển sinh truyền thống như: Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TP.HCM; kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022; kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM; thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài; xét học lực kết hợp phỏng vấn.
Với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh (chất lượng cao, tiên tiến, chuyển tiếp quốc tế), thí sinh phải đạt điều kiện tiếng Anh tối thiểu IELTS 4.5 (tương đương) hoặc vượt qua kỳ thi sơ tuyển tiếng Anh của trường.
Trường dự kiến tuyển 5.000 chỉ tiêu trong năm 2022, với 35 ngành đào tạo chính quy ở các chương trình đại trà, chất lượng cao, tiên tiến, chuyển tiếp quốc tế, chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật, tăng cường tiếng Nhật. Trường dự kiến mở thêm ngành Kỹ thuật vật liệu chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.
Cũng từ năm sau, ĐH Bách khoa TP.HCM xây dựng lộ trình đào tạo chuyên sâu đặc thù, cấp bằng kỹ sư đồng thời với bằng thạc sĩ. Chương trình có 180 tín chỉ với lộ trình 5 - 5,5 năm, sau khi hoàn thành được cấp hai bằng.
Bình luận