Trưởng cụm tình báo A10: Không chỉ là thầy, ông Mười Hương còn là một nghệ sĩ

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 15/06/2020 13:03:00 +07:00
(VTC News) -

Trong cảm nhận của người học trò xuất sắc, ông Mười Hương không chỉ là thầy, mà còn là một nghệ sĩ sưởi ấm tâm hồn quân nhân giữa mưa bom, bão đạn.

Như những chiều thường nhật, ông Mười Thắng (tên thật là Nguyễn Minh Trí), nguyên Trưởng cụm điệp báo A10 lại một mình rảo bộ trên con đường trước nhà tại Quận 3 (TP.HCM). Ở tuổi 68, nhân vật từng nổi tiếng cả thế giới về vụ "tố cáo chuồng cọp Côn Đảo" của nhà báo Don Luce (Mỹ) giờ sống vui vẻ, bình yên bên gia đình.

Hẹn chúng tôi tại một quán cà phê gần nhà, tay mân mê cuốn sổ đã úa màu thời gian, ông Mười Thắng dãi bày, từ lúc hay tin ông Mười Hương - người "cầm tay chỉ việc" cho ông trở thành điệp viên tình báo ra đi, lòng ông nặng trĩu.

"Ông Mười Hương không chỉ đơn giản là thầy của chúng tôi, mà tự trong lòng chúng tôi - mỗi người điệp viên tình báo đều có một góc nhỏ đẹp đẽ, thiêng liêng và đặc biệt nhất dành cho ông", nguyên Trưởng cụm điệp báo A10 trầm tư nói.

Thương lo anh em chiến sĩ như ruột thịt

Cẩn thận lật từng trang sổ cũ, ông Mười Thắng cười hiền: "Mỗi ngày thêm một chút ghi chép, nhớ thêm gì lại lập tức ghi vào ngay. Tất cả đây đều là ký ức về ông Mười Hương".

Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc đến những kỷ niệm năm xưa cùng ông Mười Hương, thì mới rõ tác dụng của cuốn sổ cũng chỉ là bản sao, thứ để ghi chép, lưu lại. Còn bản chính - ký ức khắc ghi trong trí nhớ của ông Mười Thắng vẫn vanh vách thuật lại, như chuyện vừa mới hôm qua mà không cần bất cứ tài liệu nào.

Trưởng cụm tình báo A10: Không chỉ là thầy, ông Mười Hương còn là một nghệ sĩ - 1

Nhà tình báo Trần Quốc Hương trong một buổi gặp mặt vào tháng 1/2011. (Ảnh: T.T.D/TTO)

Theo lời kể của ông Mười Thắng, sau gần 3 năm bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam giữ rồi được Cụm tình báo của ông Tư Cang cứu thoát, ông Mười Hương trở về miền Bắc. Không lâu sau đó, ông lại được Trung ương chỉ thị vào miền Nam hỗ trợ hoạt động tình báo cho Trung ương Cục miền Nam.

Cơ duyên để ông Mười Thắng gặp người thầy đặc biệt của mình bắt đầu từ sau Hội nghị Bình Giã 5 (tháng 1/1971). Ông Mười Hương, lúc bấy giờ là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Trưởng ban An ninh T4 cùng các phó ban bắt đầu triển khai xây dựng 2 đội hình tình báo hoàn toàn mới, hoạt động nội thành Sài Gòn.

Với cụm tình báo thứ nhất, Ban An ninh T4 quyết định lấy tên là Cụm điệp báo A10. Cụm này có nhiệm vụ xây dựng, phát triển, tuyển dụng đội ngũ gián điệp chính trị, gián điệp tin tức trong lực lượng trí thức yêu nước, trong hệ thống chính trị và trong hệ thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

 
Thầy Mười Hương khác lắm, giống một nghệ sĩ hơn là một nhà chính trị.

Ông Mười Thắng

Lúc này, ông  Mười Thắng còn là sinh viên (19 tuổi), được ông Mười Hương chọn làm Trưởng cụm A10. Mười Thắng cũng là người cụm trưởng trẻ tuổi nhất thời bấy giờ.

Hiệp định Paris đã giúp cho lực lượng cách mạng ở miền Nam có một thời gian yên ổn, dẫu rằng "chỉ là tạm - để tỉnh táo - xem trước trông sau - dồn sức đánh trúng vào huyệt của kẻ thù".

Khoảng cuối năm 1973, đầu năm 1974, khi đi qua căn cứ của ông Mười Hương, mọi người lại nghe có tiếng phụ nữ và tiếng con nít khóc. Các điệp báo lại thắc mắc: "Thật lạ, ông già thủ trưởng này ở rừng thời chiến tranh mà dám gánh phụ nữ và con nít vướng vít thế này. Ngộ nhỡ địch càn, xử lý làm sao?".

Hỏi anh Khoa, phụ trách bảo vệ ông Mười Hương thì được trả lời: "Ông già muốn gánh thì anh em phải lo thôi. Chị Lan - vợ Anh Sáu Tĩnh bên Thành đoàn và chị Tư - vợ anh Hai bên an ninh. Cả hai vừa có cháu bé ở A ra cả. Quả là ông già quá ư chu đáo và thương lo anh em chiến sĩ như ruột thịt".

Có thấy những việc tuy nhỏ như thế nhưng mới hiểu ra vì sao mà ông Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Đức Thúy, Hoàng Trung Tiếu lại vừa thương yêu vừa kính trọng người thầy của họ như vậy.

Hồi đó, thấy cách cư xử của thầy mình lạ lẫm so với những vị tướng khác, cụm điệp viên lại rỉ tai nhau: "Phải chăng, ông Mười Hương trong thời gian ở ATK Việt Bắc không những đã học chữ nghĩa của cách mạng, những lời dạy của Bác Hồ, mà còn học được, thấm nhuần được cái cốt lõi tinh túy của Bác Hồ là tác phong, đối xử thường ngày chứ không dừng lại ở những khẩu hiệu kêu to mà lắm khi sáo rỗng".

Trưởng cụm tình báo A10: Không chỉ là thầy, ông Mười Hương còn là một nghệ sĩ - 2

Ông Mười Thắng (tên thật là Nguyễn Minh Trí), nguyên Trưởng cụm điệp báo A10. (Ảnh: Thy Huệ)

Điều khiến ông Mười Thắng khắc ghi từng chữ, là lúc ông Mười Hương trò chuyện với các tình báo, nói về cách sống ở Sài Gòn: "Tất cả chúng ta đều phải học để hiểu xã hội Sài Gòn, về văn hóa ở Sài Gòn. Cách làm việc, về tâm lý, pháp luật, hành chính, guồng máy cai trị ở Sài Gòn. Phải hiểu được người dân Sài Gòn thì mới giải phóng rồi tiếp quản được. Nếu không làm được như vậy thì chỉ có toi".

Ban An ninh T4 thời kháng chiến quả là quá may mắn khi được lãnh đạo bởi những người học trò sống gần Bác Hồ như ông Mười Hương. Bởi vậy, không lạ khi Ban An ninh T4 đã tạo nên những học trò tình báo, làm nên những thành tích tuyệt vời trong cuộc kháng chiến gian nguy.

Và không đâu xa, chính là ông Mười Thắng, trong thời gian hoạt động đã nổi tiếng cả thế giới về vụ "tố cáo chuồng cọp Côn Đảo" của nhà báo Don Luce (Mỹ). Từ vụ "tố cáo chuồng cọp Côn Đảo", Mười Thắng trở thành mục tiêu số 1 của Cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà, có thể bị ám sát bất cứ lúc nào.

 
Ông Mười Hương không chỉ đơn giản là thầy của chúng tôi, mà tự trong lòng chúng tôi - mỗi người điệp viên tình báo đều có một góc nhỏ đẹp đẽ, thiêng liêng và đặc biệt nhất dành cho ông.

Ông Mười Thắng

Để bảo toàn lực lượng, Ban An ninh T4 quyết định rút Mười Thắng vào căn cứ mật đóng ở một khu rừng giáp biên giới Campuchia.

Không chỉ là thầy, còn là một nghệ sĩ

Khác với các vị lãnh đạo khác, ông Mười Hương lại thích nói chuyện về âm nhạc, các thể loại nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng. Nhiều điệp viên hồi đó ví von ông là "Ông già lô cốt". 

Căn cứ của ông Mười Hương ở trên một gò cao nhiều cây lớn, gần suối róc rách. Từ đường lớn đi vào vòng vèo khoảng 200m, ông Mười Hương cùng Trung đội bảo vệ, Văn phòng ở đó lặng lẽ và yên bình.

Mỗi lần từ Củ Chi về chỗ ông Mười Hương, lại cho các tình báo cảm giác bình yên đến lạ. Không biết ông có cố ý hay không, nhưng cảnh vật, phong thái của con người ở đây luôn chậm rãi, không hề hối hả như vốn dĩ phải có.

Hiện tại, sau gần 50 năm rời chiến trường xưa, dường như nguyên Cụm trưởng Mười Thắng vẫn cảm nhận được âm thanh của khúc nhạc Sonata Ánh trăng êm đềm vang lên giữa cánh rừng mượt mà, như xoa dịu tâm hồn nặng trĩu đầy khói lửa của năm tháng bom đạn, thuốc súng. 

"Khó tin lắm, giữa rừng, thầy Mười Hương có cả máy nghe nhạc chạy pin để phát lên những bài nhạc êm dịu của Mozart, Chopin, Beethowen hay Traiskosky...

Một điều không có căn cứ nào có là ở đây có một thư viện nhỏ khoảng vài trăm đầu sách, nguồn sách được gửi vào từ miền Bắc. Sách đủ thể loại, từ Bất khuất của Nguyễn Đức thuận cho đến Eli Cohen do tướng Nguyễn Sĩ Huynh dịch đều có. Lạ hơn nữa là những cuốn như sống lại của Tolstoi, hoặc Cuốn Theo Chiều Gió....", ông Mười Thắng tự hào khi nhắc về người thầy của mình.

Trưởng cụm tình báo A10: Không chỉ là thầy, ông Mười Hương còn là một nghệ sĩ - 3

Trong cảm nhận của người học trò xuất sắc, ông Mười Hương không chỉ là thầy, mà còn là một nghệ sĩ sưởi ấm tâm hồn quân nhân giữa mưa bom, bão đạn. (Ảnh: Thy Huệ)

Cụm trưởng Mười Thắng là người chăm mượn sách từ Khoa Cần vụ của ông Mười Hương. Từ Củ Chi, Tràng Bảng lên, Mười Thắng lại tranh thủ "moi móc" xem tủ sách của thầy có gì mới hay không. Tìm được sách mới, Mười Thắng gối đầu võng đọc cho đến lúc hết mới chịu trả lại.

Trong ánh mắt của ông Mười Thắng, chúng tôi thấy rõ được niềm tự hào, đầy mãn nguyện khi kể về những năm tháng xưa. Theo ông Mười Thắng, cách suy nghĩ và tư duy của thầy tình báo Mười Hương luôn mới mẻ, mỗi lần được tiếp xúc với thầy Mười Hương là mỗi lần được tiếp năng lượng tích cực. 

"Thầy Mười Hương khác lắm, giống một nghệ sĩ hơn là một nhà chính trị. Ông ấy làm việc, mọi thứ đều nằm trong dự báo của ông, cứ thư thả, nhưng việc vẫn không lệch chút nào. Đối với tôi, không chỉ là thầy, tướng Mười Hương còn là nghệ sĩ sưởi ấm tâm hồn chúng tôi", nguyên Cụm trưởng điệp báo A10 cười mãn nguyện.

Ông Mười Thắng còn nhớ rõ, trong chuyến công tác tại Ban An ninh R, việc được mang theo cuốn Điệp viên Do Thái (tác giả Eli Cohen, do Tướng Nguyễn Sĩ Huynh dịch) khiến ông lầm tưởng mình đang đi nghỉ dưỡng, mùi chiến tranh như không thể chạm đến những trang sách.

"Thật không gì thú vị hơn việc giăng võng giữa rừng, giữa tiếng chim hót vang, suối chảy róc rách mà lần mấy trang sách", nói đên đây, ông Mười Thắng cười khà khà.

Không ai hiểu rằng, giữa mảnh đất bị cày nát bởi bom đạn ở Củ Chi, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, một nhà lãnh đạo tình báo cao cấp lại có những giây phút mơ màng với những giai điệu đẹp như vậy.

Phải chăng, cách sống nhân văn giữa một địa danh được gọi là đất thép, thành đồng đã giúp ông Mười Hương có một trái tim lãng mạn và một khối óc tỉnh táo để chỉ đạo các lưới tình báo giành những thắng lợi rất quan trọng, làm nên lịch sử như vậy.

Ngày 11/6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông Trần Quốc Hương, (tức Mười Hương) nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã từ trần.

Lễ viếng ông Mười Hương được tổ chức trọng thể theo nghi thức lễ tang cấp Nhà nước từ 14h hôm nay (15/6), tại TP.HCM.

Nhà tình báo Trần Quốc Hương (bí danh là Mười Hương) tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh năm 1924 tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Tham gia Cách mạng từ năm 13 tuổi, đến năm 1943 khi mới 19 tuổi, ông vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Năm 1948, ông bắt đầu làm công tác tình báo quân sự. Công việc chính ông phụ trách là tổ chức các mạng lưới trinh sát trong các trung đoàn, tổ chức điệp báo vào các thị trấn để xây dựng cơ sở cách mạng.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn