• Zalo

Trưởng công an xã có ngọc am, muốn bán cũng chả được

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 09/09/2011 06:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Anh Tân muốn bán cây ngọc am để có tiền mua cho 3 cậu con trai 3 chiếc xe máy ngon. Nhưng mọi chuyện không hoàn toàn dễ dàng...

(VTC News) - Anh Thèn Văn Tân, Trưởng Công an xã Bản Nhùng muốn bán cây ngọc am thuộc sở hữu của mình vì hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn. Hiện 3 cậu con trai của anh không có xe máy, nên anh cần số tiền lớn để mua cho mỗi cậu một cái xe máy ngon. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng...

Trên đường từ Tả Sử Choóng về Thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì, Hà Giang), tôi dừng chân ở một quán nhỏ cạnh trường tiểu học xã Bản Nhùng. Hỏi chuyện về tình trạng buôn bán ngọc am, anh chủ quán hỏi: “Thế các chú đi mua ngọc am à? Các chú thích mua cây tươi không? Cây to hai người ôm, tha hồ mà đóng đồ. Quan tài thì phải đóng được vài chục cái”.

Cây ngọc am 70 tuổi cao vọt khỏi tán rừng. 

Nghe anh chủ quán nói, tôi thực sự ngỡ ngàng. Cuối năm 2010, tôi từng đi khắp huyện Hoàng Su Phì, vào rừng già, trèo lên tận đỉnh Tây Côn Lĩnh tìm cây ngọc am, để một lần được tận mắt mà không thấy. Chuyến đi này, được chiêm ngưỡng một cây ngọc am đã là quý lắm, nào ngờ, lại phát hiện thêm cây nữa. Thế là tôi nhờ anh chủ quán dẫn đường.

Đường vào bản Ma Lù Súng (của xã Bản Nhùng) đúng là đường lên mây, khó đi khủng khiếp, toàn đá hộc lởm chởm. Đi xe máy được nửa đường thì gặp lở núi, lũ lớn ngập suối, đành phải bỏ xe, cuốc bộ chừng 1 giờ mới đến nơi. Đứng trên sườn núi, nhìn thấy bản người Nùng bên vách núi và cây ngọc am cao vọt lên khỏi tán rừng. Cây ngọc am này có lẽ phải cao đến 40 hoặc 50m.

Cây ngọc am 30 tuổi trong vườn nhà anh Tân. 

Hóa ra, chủ của cây ngọc am này là anh Thèn Văn Tân, Trưởng Công an xã Bản Nhùng. Hôm chúng tôi đến, ông Thèn Thấy Mây (bố anh Tân) mải đi đuổi trâu, nên không tiếp, anh Tân và cậu con trai Thèn Văn Đức dẫn tôi đi ngắm hai cây ngọc am mà ông cụ Thèn Lao Chẩn (bố của ông Mây, ông nội của anh Tân) trồng ở 2 vách núi, thuộc khu vườn nhà mình.

Theo anh Tân, hiện cả xã Bản Nhùng chỉ có 2 cây ngọc am, thuộc sở hữu của gia đình anh. Bản thân anh Tân cũng chưa từng nhìn thấy cây ngọc am nào khác ngoài 2 cây nhà anh.

Thèn Văn Đức bên mộ cụ Chẩn - người trồng 2 cây ngọc am. 

Anh Tân kể rằng, cây ngọc am này do ông nội anh là cụ Thèn Lao Chẩn trồng năm cụ 21 tuổi. Cụ Chẩn đã mất lâu rồi. Nếu cụ còn sống, thì nay đã 90 tuổi. Tính ra, cây ngọc am lớn cụ trồng đã 70 năm.

Ngày đó, có một người dân tộc Mông đi qua xã Bản Nhùng, mệt quá, vào nhà ông Chẩn nghỉ nhờ. Khi đó, ông Chẩn đang ngồi đẽo cày. Thấy anh này mang cây giống, mỗi cây cao chừng gang tay, bọng rễ gói lá, ông Chẩn hỏi cây gì, thì người Mông bảo cây ngọc am. Ông Chẩn mời người Mông vào nhà uống nước, ăn cơm. Ăn xong, người Mông bảo: “Tôi sang Trung Quốc thường xuyên, thấy người Trung Quốc quý cây này lắm. Ông cho tôi ăn cơm, thì tôi tặng ông 2 cây này làm kỷ niệm. Nếu cây sống, bóp lá thấy mềm, không dính, thì là ngọc am”.

Cây ngọc am 2 người ôm này được trả 70 triệu đồng. 

Ông Chẩn trồng 2 cây ngọc am đó ở vườn, nhưng chết mất một cây, còn một cây thì lớn như thổi. Hiện giờ, cây to 2 người ôm, cao vọt khỏi tán rừng. Nhiều người bảo cây này là sa mộc trắng, nhưng người Mông thì khẳng định là ngọc am. Vì cây còn non, nên giống hệt sa mộc, màu thân chưa đỏ sẫm.

Cách đây 30 năm, ông Dùng (cùng bản Ma Lù Súng) đi trồng thuốc phiện ở trên núi, được người Cờ Lao ở Túng Sán tặng cho mấy cây ngọc am giống, ông Dùng tặng ông Chẩn một cây, còn mấy cây đem về trồng. Cây ông Chẩn trồng thì sống, nay đã to một người ôm. Mấy cây ông Dùng trồng, cây thì chết, cây bị gió quật gẫy, cây lở núi vùi mất.

Cây ngọc am này mới được 30 năm, song đã khá lớn. 

Quan sát hai cây ngọc am trong vườn nhà anh Tân thì tôi nhận thấy cây không đậu quả. Hai câu ngọc am này có ra hoa, nhưng hoa bị thối. Những người am hiểu về ngọc am trong vùng bảo rằng, do 2 cây ngọc am này là cây đực, nên không sinh sản được.

Tôi hỏi rằng, đã có lãnh đạo nào lên xem 2 cây ngọc am chưa, thì anh Tân bảo, mới có mỗi ông Lù Tờ Lìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì ghé vào xem khi đi trao quà cho người già. Ông Lìn bảo cây này quý lắm và khuyên gia đình bảo vệ cẩn thận. Chưa thấy kiểm lâm lên xem xét 2 cây ngọc am trong vườn nhà anh Tân. Hiện 2 cây ngọc am này vẫn chưa có dấu búa của kiểm lâm.

Lá ngọc am rất mềm, còn lá các loại sa mộc khác thì cứng. 

Theo lời anh Tân, năm 2006, ông Trà, chủ quán ăn lớn ở Vinh Quang đã tìm lên xem cây và đòi mua. Ông Mây, bố anh Tân đòi 70 triệu đồng và ông Trà đã đồng ý mua. Tuy nhiên, chạy thủ tục mãi không được, tỉnh không cho phép khai thác, nên ông Trà đành bỏ cuộc. Giờ ông Trà mắc bệnh, nằm liệt, nên không quan tâm mua bán nữa.

Năm ngoái, lại có một người ở Bắc Quang vào xem cây và đòi mua. Ông Mây đòi 100 triệu, nhưng ông này chỉ trả 70 triệu đồng. Bí tiền quá, nên ông Mây cũng đồng ý bán. Tuy nhiên, ông này cũng chạy chọt suốt một năm mà không xin được chữ ký cho khai thác của Chủ tịch tỉnh, nên cũng bỏ cuộc.

Gỗ quý được lâm tặc tập kết ở Bản Nhùng để chuẩn bị chở về xuôi. Nếu các cơ quan không vào cuộc quản lý, thì cây ngọc am này có thể thành các tấm gỗ bất cứ lúc nào.  

Tôi hỏi anh Tân rằng, giờ anh có muốn bán cây ngọc am này không, anh Tân bảo rất muốn bán. Anh bảo rằng, cây ngọc am là do ông nội anh trồng trong vườn nhà anh, trong khi đó, anh lại không bán được, nên thấy khá là bức xúc! Mặc dù kiểm lâm chưa đóng dấu búa vào cây, nhưng lại không ai dám mua. Dù anh chặt hạ cây xuống, xẻ lấy gỗ, nhưng cũng không thể vận chuyển đi bán được. Xẻ ra, làm quan tài thì phí lắm.

Ông trưởng công an xã này mong ước được bán cây, hoặc ít ra Nhà nước bỏ tiền ra mua, rồi cây thuộc sở hữu của Nhà nước, trong khi vẫn để nó mọc ở vườn nhà anh và anh sẽ bảo vệ giúp! Anh Tân muốn bán cây ngọc am này là vì hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn. Hiện 3 cậu con trai của anh không có xe máy, nên anh cần số tiền lớn để mua cho mỗi cậu một cái xe máy ngon!

Trưởng Công an xã Thèn Văn Tân rất muốn bán cây ngọc am do mình sở hữu. 

Quả thực cây ngọc am 2 người ôm trong vườn nhà anh Tân đang đứng trước nguy cơ bị đốn hạ bất cứ lúc nào. Nếu lâm tặc vào cuộc, lại được sự tiếp tay của gia chủ, thì số phận cây ngọc am này thật khó nói trước. Thực tế, gốc rễ ngọc am vẫn hàng ngày tuồn từ Tả Sử Choóng, Bản Phùng, Túng Sán về huyện rồi về xuôi, thì những tấm gỗ mỏng manh cũng không khó khăn gì với lâm tặc trong việc vận chuyển.

Mong rằng, chính quyền địa phương ra tay kịp thời, có cách quản lý hợp tình, hợp lý, để giữ lấy cây ngọc am quý, mà ông Trưởng Công an xã Bản Nhùng đang rao bán này.

Anh Trần Đức Thuấn, Giám đốc Công ty gỗ Hưng Long, đại gia chơi ngọc am Hà Nội cho biết: Ngọc am (hoàng đàn rủ – thuộc họ hoàng đàn) là loại gỗ quí thuộc nhóm 1A, đã tuyệt chủng vì bị khai thác cạn kiệt từ thời phong kiến và Pháp thuộc để chế tác đồ dùng cung đình và làm áo quan cho vua chúa và quan lại cấp cao.

Ngọc am mọc chủ yếu trên dãy Tây Côn Lĩnh của tỉnh Hà Giang. Là loại cây có tinh dầu vì vậy có mùi thơm rất dễ chịu. Gỗ lũa ngọc am được khai thác từ những gốc cây đã chặt cách đây nhiều trăm năm còn sót lại. Do vậy tuổi cũng những gốc cây này có thể lên tới hàng ngàn năm nên hầu như đều ẩn chứa năng lượng của trời đất (Các nhà cảm xạ đo được chỉ số Bo vis của gỗ khá cao). Lũa ngọc am chính là phần lõi chứa tinh dầu nên rất bền chắc và có vân rất đẹp. Ngọc am để trong nhà rất tốt cho phong thủy và có lợi cho sức khỏe.

Theo quan niệm xưa nó có thể xua đuổi tà ma. Tinh dầu ngọc am có tác dụng diệt khuẩn, khử mùi, đuổi côn trùng, giúp cơ thể sảng khoái, làm đẹp da, chữa các bệnh về xương khớp. Đặc biệt ngọc am cùng với hoàng đàn là hai loại cây duy nhất có khả năng tạo tuyết pha lê vào những ngày nhất định trong năm, do điều kiện thời tiết đặc biệt. Nếu dùng đèn pin soi vào tuyết sẽ lóng lánh màu của cầu vồng, vì vậy những sản phẩm tâm linh như: Tượng Phật, La Hán, Quan Công… được chế tác từ loại gỗ này khi có tuyết sẽ tạo cảm giác linh thiêng hơn rất nhiều so với tượng làm bằng các chất liệu khác.
 


Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn