• Zalo

Trước xe đạp 3D của Lê Diệp Kiều Trang, những starup đình đám nào thất bại?

Đầu TưThứ Tư, 05/07/2023 06:12:45 +07:00Google News
(VTC News) -

Mới đây, dự án công nghệ triệu USD của Lê Diệp Kiều Trang bất ngờ dừng hoạt động, trước đó, nhiều startup đình đám cũng thất bại trên thương trường khắc nghiệt.

Propzy đóng cửa

Propzy - công ty khởi nghiệp đình đám trong lĩnh vực công nghệ bất động sản (proptech) - đình chỉ mọi hoạt động tại Việt Nam từ ngày 12/9/2022.

Trước xe đạp 3D của Lê Diệp Kiều Trang, những starup đình đám nào thất bại? - 1

 

Prozy được thành lập bởi Việt kiều Mỹ, John Lê vào tháng 7/2015, được coi là công ty đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại, đưa ra giải pháp thực hiện giao dịch nhà đất theo quy trình khép kín, giúp kết nối trực tiếp khách hàng là bên mua và bên bán với nhau. 

Theo tiết lộ của Propzy, công ty đã thực hiện số lượng giao dịch bất động sản trị giá hơn 1 tỷ USD kể từ khi ra mắt, trở thành nền tảng giao dịch bất động sản cả ngoại tuyến và trực tuyến lớn nhất Việt Nam.

Công ty từng được coi như ngôi sao sáng trong lĩnh vực công nghệ bất động sản khi nhận được khoản đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tính đến năm 2020, công ty đã huy động được 37 triệu USD trong 3 vòng gọi vốn, với sự góp mặt của các quỹ đầu tư đình đám. Trong đó, có 25 triệu USD đến từ Gaw Capital và SoftBank Ventures.

Tuy nhiên Propzy sau đó liên tục có những động thái thu hẹp hoạt động. Họ bắt đầu sa thải 50% nhân sự từ tháng 9/2021, trong bối cảnh tái cấu trúc mô hình kinh doanh. Và đến cuối tháng 5/2022, họ đã giải thể Propzy Services. 

Việc khó gọi vốn, gặp bất lợi do đại dịch cùng với bất ổn kinh tế toàn cầu được cho là nguyên nhân khiến Propzy không thể duy trì hoạt động.

Trong thư thông báo, CEO Propzy cho biết, sau khi huy động được 25 triệu USD vào giữa năm 2020, công ty ngay lập tức gặp phải khó khăn do đại dịch kéo dài, kế đến là sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Những nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh trong suốt chặng đường dài này đã gây nhiều thiệt hại đến mức không thể khắc phục được do các đợt phong tỏa tại Việt Nam.

"Việc chúng tôi không thể gọi vốn trong bối cảnh môi trường toàn cầu không chắc chắn là 'nhát dao' cuối cùng trong quá trình khởi nghiệp", ông John Le nhìn nhận.

Sự thất bại của WeFit

Trước Propzy, một startup công nghệ nổi tiếng là WeFit cũng đã phải dừng hoạt động vì cạn vốn vào năm 2020. Ra đời giữa năm 2016 bởi Founder Khôi Nguyễn, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập Gym, Yoga, Boxing, Zumba…với khách hàng với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng.

Sự thất bại của WeFit.

Sự thất bại của WeFit.

Người dùng sẽ mua gói thành viên kỳ hạn một tháng đến 2 năm để được dùng dịch vụ của tất cả các phòng tập, cơ sở trong danh sách đối tác của WeFit với khẩu hiệu "luyện tập mọi lúc mọi nơi". Trong khi đó, các hệ thống phòng tập cũng có thêm kênh khách hàng vãng lại, và tối ưu hóa các khung giờ vắng khách mà không tốn thêm chi phí. 

Sai lầm "cốt tử" của WeFit, theo một chuyên gia startup là đã ngây thơ khi tính toán hành vi người dùng theo cách lý tưởng mà không ngờ họ quá chăm chỉ, thậm chí gian lận để tận dụng triệt để số tiền đã bỏ ra mua phí thành viên.

WeFit thu một khoản tiền cố định của thành viên rồi trả lại tiền cho phòng tập mỗi khi họ đến. Nên về lý thuyết, ứng dụng có thể lời một chút nếu một người tập vừa phải và "vui" khi nhiều thành viên lười đi tập.

Thế nhưng, đa số khách hàng đã tận dụng triệt để quyền lợi của mình và đi tập rất chăm chỉ.

Bên cạnh đó, đã có những biến động khiến Wefit không thể “sống sót”, đầu tiên là những khó khăn về dòng tiền cuối năm, hay việc họ đã “vung tay quá trán” với số tiền nhận được từ các nhà đầu tư. Cuối cùng là đại dịch COVID-19 đã có những tác động nặng nề khiến họ buộc phải ngừng hoạt động trong khi số vốn cạn dần.

KAfe Group đóng cửa

KAfe Group được sáng lập vào năm 2013 bởi Đào Chi Anh, một đầu bếp nghiệp dư, tác giả của nhiều cuốn sách dạy nấu ăn bán chạy. Cuối năm 2015, startup này gây ấn tượng trong cộng đồng khởi nghiệp khi thành công gọi được 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư nổi tiếng Cassia Investments.

Hàng loạt địa chỉ của KAfe Group đóng cửa.

Hàng loạt địa chỉ của KAfe Group đóng cửa.

Tại thời điểm nhận vốn, Đào Chi Anh tuyên bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà hàng một cách mạnh mẽ, triển khai các kênh khuyến mại và dịch vụ giao hàng, đồng thời tăng cường đội ngũ đầu bếp. KAfe Group đã phát triển bốn nhãn hiệu là The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box.

Tuy nhiên, tới tháng 6/2016, the KAfe bị tố "chiếm dụng vốn, chây ì, không thanh toán nợ trị giá lên đến 4 tỉ đồng”. Tuy nhiên, cựu CEO của KAfe Group phủ nhận và nói rằng “hai bên không thống nhất về số công nợ nên chưa giải quyết được”.

Từ giữa tháng 3/2017, thông tin về việc đổi chủ của Công ty TNHH Ẩm thực KAfe - KAfe Group chính thức được công bố. Theo đó, chủ sở hữu mới của KAfe Group tổ chức KAFE Hong Kong Limited. Cùng với việc thay đổi chủ sở hữu, nhiều cửa hàng của KAfe Group đều đóng cửa hoặc "biến mất", thay vào đó là đơn vị khác thuê và kinh doanh loại hình khác.

Món Huế lỗ nặng, phải dừng hoạt động

Là thương hiệu phát triển nhanh chóng ngay từ khi mới bắt đầu, Món Huế đã xây dựng được chuỗi cửa hàng của mình. Được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn lên đến hàng chục tỷ nhưng Món Huế vẫn thất bại khi bị tố nợ lương và thua lỗ lên đến 50 tỷ. 

Chuỗi nhà hàng Món Huế dừng hoạt động năm 2019.

Chuỗi nhà hàng Món Huế dừng hoạt động năm 2019.

Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam, công ty điều hành chuỗi nhà hàng Món Huế được thành lập năm 2006 và là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Công ty này điều hành khoảng hơn 200 nhà hàng trên toàn Việt Nam, bao gồm các thương hiệu nổi tiếng Món Huế, Phở Ông Hùng, Great Bánh Mì & Cafe, Phở 99, Great Banhmi & Cafe, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster…

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, nhận 30 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, Công ty Huy Việt Nam từng được xem là người đi đầu trong mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B).

Chuỗi Món Huế được đầu tư vốn lớn với 30 triệu USD, số lượng cửa hàng nhiều và một số cửa hàng rất đông khách. Tuy nhiên vẫn “chết” vì các nguyên do: sản phẩm cốt lõi kém, mở ồ ạt nên số cửa hàng không hiệu quả quá cao, tỷ số giữa cửa hàng phải đóng và cửa hàng mở mới ở mức báo động; quản trị kém, nhất là mua hàng và quản lý nội bộ; marketing và quản trị thương hiệu không xứng tầm với việc làm một chuỗi lớn…

Cuối năm 2018, chuỗi nhà hàng Món Huế báo lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng, trong đó, khoản chi phí bán hàng của Món Huế quá cao, chiếm từ 80 đến 90% doanh thu (năm 2017 và 2018). Đến năm 2019 thì chuỗi nhà này bất ngờ đóng cửa, dừng hoạt động.

Ngọc Vy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn