Giống như mọi năm, thị trường ô tô trước và sau Tết Nguyên đán đang đối lập hoàn toàn với nhau. Theo đó, vào giai đoạn trước Tết, giá ô tô rất cao, song doanh số bán xe của các hãng ô tô Việt Nam hầu như tăng mạnh.
Hầu hết, các đại lý "thổi giá" nhiều dòng xe, hiện tượng "mua bia, kèm lạc" xuất hiện ở hàng loạt mẫu ô tô "hot" trên thị trường như Honda CR-V, Toyota Fortuner, Vios,... Các đại lý, các hãng xe cũng không có nhiều chính sách trong giai đoạn này.
Trong khi đó, thị trường ô tô sau Tết đang có lợi cho người tiêu dùng nhưng doanh số lại thấp. Nếu xét doanh số bán xe vào các năm trước, thì giai đoạn tháng 2, tháng 3 luôn thấp nhất năm.
Biểu đồ: Doanh số bán ô tô trong năm 2018. (Nguồn: VAMA)
Theo khảo sát của PV, nhiều hãng xe/đại lý ô tô đã áp dụng một số chính sách giảm giá để kích cầu thị trường sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Cụ thể, nhiều đại lý của Ford đang áp dụng chương trình giảm từ 15 - 40 triệu đồng đối với mẫu crossover EcoSport để kích cầu. Theo đó, giá bán của EcoSport sau giảm giá dao động từ 510 - 615 triệu đồng, tuỳ từng phiên bản.
Không chỉ Ford EcoSport, nhiều mẫu ô tô khác tại Việt Nam cũng giảm giá sau Tết. Cụ thể, Mazda CX-5, Mazda 3, Mazda 6 được Thaco áp dụng giảm giá bán lẻ từ 20-30 triệu đồng. Trong đó, Mazda CX-5 là mẫu xe nhận được mức ưu đãi cao nhất đến 30 triệu đồng. Giá xe Mazda CX-5 hiện dao động từ 899 triệu - 1,027 tỷ đồng.
Mẫu xe Mazda 3 có 3 phiên bản với giá bán lẻ từ 659-750 triệu đồng. Mẫu sedan hạng D Mazda 6 có 3 phiên bản với giá bán lẻ từ 819 triệu đồng đến 1,019 tỷ đồng.
Một dòng xe Nhật Bản khác là Nissan cũng áp dụng chương trình giảm giá sau Tết, 2 dòng ô tô X-Trail và mẫu sedan cỡ nhỏ Sunny được điều chỉnh giảm 20 - 30 triệu đồng. Mẫu bán tải Navara và mẫu SUV 7 chỗ ngồi Terra có mức giảm giá thấp hơn, từ 10-15 triệu đồng, nhưng lại được ưu đãi các phụ kiện khác.
Ngoài ra, mẫu ô tô ăn khách nhất thị trường Toyota Vios hiện cũng được các đại lý áp dụng mức giá giảm trực tiếp 9-12 triệu tiền mặt và một số phụ kiện theo xe.
Giải thích cho hiện tượng giảm giá ồ ạt sau Tết Nguyên đán, anh Đỗ Nam Tiến, quản lý của một đại lý (ô tô chính hãng) tại Hà Nội nhận định: "Đây là hiện tượng năm nào cũng diễn ra và nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong năm nay".
Anh Tiến cho biết, đối với doanh số bán xe, thời điểm sau Tết Nguyên đán luôn là giai đoạn thấp điểm nhất trong năm. "Bất kể có là Honda, Nissan, Ford hay thậm chí là Thaco hay Toyota thì doanh số bán xe tháng 2, tháng 3 luôn thấp nhất. Vì vậy, để đảm bảo doanh số hằng năm, các đại lý thường áp dụng các chính sách như giảm giá xe, tặng phụ kiện, tặng thuế trước bạ, bảo hiểm để kích cầu thị trường".
Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ người tiêu dùng, song, giai đoạn sau Tết, doanh số bán xe vẫn thấp. Giải thích cho hiện tượng này, anh Tiến nói: "Người tiêu dùng Việt Nam thường có tâm lý dồn tiền mua ô tô trước Tết để du xuân, bất chấp giá xe tại thời điểm trước Tết rất cao. Điều này đồng nghĩa doanh số các hãng ô tô cũng tăng cao. Trong khi đó, giá xe sau Tết giảm mạnh lại không có người mua".
Bình luận