Lễ khai ấn đền Trần năm nay được bắt đầu vào giờ Tý (23h-1h sáng) ngày 15 tháng Giêng Âm lịch (đêm 10, rạng sáng 11/2/2017). Lễ khai ấn được bắt đầu từ đền Cố Trạch, nơi đặt hòm ấn. Tiếp đó hòm ấn sẽ được rước sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ. Việc đóng ấn sẽ được thực hiện tại đền Thiên Trường.
Đại diện ban tổ chức cho biết, mọi công việc chuẩn bị cho Lễ khai ấn diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng đã được hoàn tất. Để đảm bảo an ninh cho Lễ khai ấn, thành phố Nam Định đã huy động lực lượng an ninh lên tới 1000 người tham gia làm nhiệm vụ.
Ban tổ chức bố trí 4 địa điểm phát ấn cho người dân và đảm bảo đủ số lượng ấn để phát ra cho tất cả những ai hành hương về đền Trần trong ngày khai ấn.
Trong truyền thống, việc phát ấn đền Trần cho người tham dự lễ khai ấn ban đầu chỉ được thực hiện trong quy mô làng Tức Mặc ở Nam Định nhằm mục đích cầu sự an lành cho những người dân trong cộng đồng mình.
4 chữ lớn được khắc trên ấn đền Trần (Nam Định) là Trần Miếu Tự Điển. Nghĩa là "Điển lễ tế tự ở miếu nhà Trần". 4 chữ ở cạnh dưới của ấn đền Trần là "Tích Phúc Vô Cương", có nghĩa là việc ban phúc là không có bờ bến.
Ngoài ấn lớn, chiếc ấn nhỏ khắc 2 chữ "Trần Miếu", nghĩa là miếu của nhà Trần, chỉ nơi đóng chiếc ấn chính.
Sáng 10/2, kiệu rước ấn đền Trần đã được đặt ở sân đền cố Trạch. Tới giờ Tý, chủ tế làm lễ ở đền Cố Trạch, xin rước ấn lên kiệu sang đền Thiên Trường làm lễ, rồi rước ấn vào nội cung, đặt ấn tại ban công đồng làm lễ xin khai ấn.
Sau đó, bắt đầu từ lúc 5h ngày 15 tháng Giêng tại khu vực nhà Giải Vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa sẽ phát ấn cho nhân dân. Số lượng ấn phát ra không giới hạn.
Công tác chuẩn bị được ban tổ chức khẳng định là đã hoàn tất. Ban tổ chức cho biết sẽ hạn chế tối đa cảnh tượng người dân ném tiền vào kiệu rước hay xông lên cướp lộc. Để làm được điều này, ban tổ chức tuyên bố sẽ làm kiên quyết từ các vòng ngoài, không nhân nhượng cho bất cứ trường hợp nào để tránh "vỡ trận".
Video: Đền Trần trước giờ khai ấn
Một số hình ảnh xung quanh đền Trần trước giờ khai ấn:
Bình luận